Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/201511/can-bo-xa-bat-tay-voi-lam-tac-bai-1-648496/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/201511/can-bo-xa-bat-tay-voi-lam-tac-bai-1-648496/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cán bộ xã 'bắt tay' với lâm tặc (bài 1) - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 24/11/2015, 08:26 [GMT+7]

Cán bộ xã 'bắt tay' với lâm tặc (bài 1)

(Congannghean.vn)-Sau khi nâng ly rượu cuối cùng chúc nhau mọi điều suôn sẻ, cả 3 đối tượng “lâm tặc” bước ra khỏi lán trại để kéo những phiến gỗ còn lại đang tập kết tại cửa rừng. Đối tượng chính trong nhóm “lâm tặc” điều khiển máy tời, hai người còn lại có nhiệm vụ xeo gỗ. Công việc đang diễn ra suôn sẻ như thường lệ thì bất ngờ một tổ công tác của Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An xuất hiện, tiến hành bắt giữ nhóm “lâm tặc” trên. Riêng đối tượng chủ nhóm nhanh chóng chạy vào rừng rồi men theo bờ suối trốn mất dạng. Tuy nhiên, 10 phút sau, tổ công tác đã bắt giữ thành công đối tượng khi hắn đang ngồi trong hang núi. Lúc đó là 15 giờ ngày 15/11/2015.

      Bài 1: Bắt giữ 3 đối tượng tàn phá rừng trên biên giới

Tương Dương là một trong những huyện rẻo cao biên giới của tỉnh Nghệ An, có trữ lượng gỗ lớn nhất nhì tỉnh. Đặc biệt, tại các xã có chung đường biên với nước bạn Lào như Nhôn Mai, Mai Sơn… là “rừng vàng” với bạt ngàn cây gỗ quý hiếm lên tới trăm tuổi, có đường kính từ 1 - 2,5 m, chủ yếu là lim, đinh hương, sến, săng vì…

Điều đáng nói, mặc dù đã có chủ, có cơ quan chức năng bảo vệ, quản lý nhưng rừng vẫn bị “sát hạ” bởi bàn tay của “lâm tặc”. Và nghiêm trọng hơn, đứng sau những vụ phá rừng lại có bóng dáng của cán bộ, vì lợi nhuận cá nhân đã “bắt tay” với “lâm tặc” thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Vào trung tuần tháng 9/2015, qua công tác điều tra, nắm tình hình, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An nhận được thông tin, một số khu rừng nguyên sinh, đầu nguồn ở huyện Tương Dương có dấu hiệu bị tàn phá, nhất là rừng đầu nguồn giáp khu vực biên giới xã Mai Sơn. Tình trạng phá rừng ở đây diễn ra hàng ngày nhưng không hiểu vì sao chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không hay biết, thậm chí làm ngơ!? Để đấu tranh làm rõ, một tổ công tác của Phòng Cảnh sát Môi trường được giao nhiệm vụ điều tra xác minh.

Cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường lấy lời khai các đối tượng “lâm tặc”
Cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường lấy lời khai các đối tượng “lâm tặc”

Sau gần một tháng băng rừng, vượt suối nắm tình hình, các trinh sát phát hiện tại khu rừng đầu nguồn biên giới ở khe Bén, thuộc bản Piêng Coọc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương có một vài cây gỗ lên tới trăm tuổi có đường kính trên 1 m đã bị “lâm tặc” đốn hạ.

Tiếp tục đi sâu vào trong rừng, tổ công tác phát hiện thêm một gốc cây có đường kính tương tự bị đốn hạ tận gốc và hàng chục tấm gỗ nằm ngổn ngang dưới đất. Điều các trinh sát lấy làm khó hiểu là trong 10 tấm gỗ xẻ làm dong trên đã có lý lịch gỗ (ghi số thứ tự của các cơ quan chức năng) nhưng lại không được bảo vệ hoặc tận thu đưa về giao cho chính quyền địa phương quản lý.

Xét thấy đây là vụ phá rừng đầu nguồn hết sức nghiêm trọng, tổ công tác tổ chức mật phục, theo dõi. Bốn ngày đêm mật phục trong rừng sâu biên giới, vắt và muỗi rừng bám đầy mặt, chân, tay, nhưng anh em trong tổ công tác vẫn kiên trì bám trụ. Sang ngày thứ 5, khi lương khô, nước khoáng đã cạn kiệt, tổ công tác nghe tiếng máy nổ phát ra từ phía bản Piêng Coọc. Nghi là các đối tượng “lâm tặc” đang khai thác gỗ, một trinh sát được giao nhiệm vụ tiếp cận hiện trường.

Sau 30 phút vượt rừng, trinh sát phát hiện tại khu vực khe Bén có một lán trại được dựng tạm bợ để ở và nấu ăn, ngoài ra có 3 nam thanh niên đang dùng máy tời để kéo những phiến gỗ. Xác định đây là các đối tượng “lâm tặc” phá rừng đang xeo gỗ từ cửa rừng xuống, tổ công tác đã xin ý kiến chỉ đạo và triển khai phương án bắt quả tang các đối tượng trên.

Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, núi rừng hiểm trở, địa điểm trên lại xa khu dân cư nên để đề phòng sự manh động của các đối tượng, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường đã tăng cường 3 cán bộ lên xã Mai Sơn, do Thượng tá Chu Minh Tiến, Phó trưởng phòng trực tiếp chỉ huy.

Lán trại và gỗ tại địa điểm khai thác
Lán trại và gỗ tại địa điểm khai thác

Khoảng 15 giờ chiều chủ nhật ngày 15/11/2015, khi phát hiện 3 đối tượng “lâm tặc” đang tời gỗ, xét thấy thời cơ đã đến, các trinh sát trong tổ công tác đang phục sẵn trong rừng bất ngờ lao ra bắt quả tang các đối tượng. Riêng đối tượng chính trong nhóm bỏ chạy vào rừng nhưng đã bị các trinh sát đuổi theo, bắt giữ. Tang vật thu giữ tại lán trại gồm 25 tấm gỗ dong, mỗi tấm dài 3,5 m, dày 18 cm, rộng gần 1 m và 1 máy tời tự tạo, tổng cộng 21,75 m3 gỗ.

Kiểm tra lán trại, tổ công tác còn thu giữ 1 dây tời sắt dùng để kéo gỗ, 1 quyển sổ chấm công hàng ngày của “lâm tặc”. Tại lán trại, các đối tượng khai tên là La Bốn Tưởng (SN 1984) trú tại bản Sơn Hà, xã Tam Quang; Lữ Văn Hùng (SN 1974) và Lô Văn Thủy (SN 1989), đều trú tại bản Na Kha, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Cả 3 đối tượng trên đều khai, toàn bộ số gỗ trên là của Kha Văn Moong, cán bộ xã Mai Sơn.

Moong đứng ra thuê Tưởng, Thủy, Hùng làm công, trả 200.000 đồng/ngày/người. Moong giao cho Tưởng trực tiếp chỉ đạo, chấm công ghi vào sổ khi Moong vắng mặt khỏi địa phương. Có lần đích thân Moong vào lán trại cùng ăn, cùng ngủ với các đối tượng “lâm tặc” để kiểm tra, “động viên” nhóm Tưởng, Hùng và Thủy. Chính Moong đã cung cấp lương thực, thực phẩm cho 3 đối tượng.

Tưởng còn trình bày với cơ quan chức năng: “Trong quá trình tời gỗ, Moong dặn mọi người yên tâm làm việc, nếu có lực lượng chức năng vào kiểm tra thì Moong sẽ gọi điện thoại báo trước để Tưởng nhanh chóng thu xếp máy móc, cho anh em rời khỏi lán, hoặc về nhà nghỉ… Khi nào Moong gọi thì quay lại làm tiếp”.

Ngay trong đêm, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường đã đến gặp lãnh đạo UBND xã Mai Sơn và Đồn Biên phòng 523 báo cáo toàn bộ sự việc. Đồng thời đề nghị Công an xã phối hợp với cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường bảo vệ toàn bộ số gỗ trên, tuy nhiên chính quyền xã không những không cử lực lượng chức năng vào hiện trường cùng tham gia bảo vệ mà còn tỏ ra “vô can”.

(còn nữa)

.

Hữu Trọng

.