Thứ Tư, 07/08/2019, 09:02 [GMT+7]

Ham lãi suất cao, nhiều người vướng vào lao lý

(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" trên địa bàn Nghệ An diễn biến phức tạp. Gần đây nhất, tại huyện Yên Thành đã xảy ra nhiều vụ việc hình sự liên quan đến loại tội phạm này, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Điều đáng nói, hoạt động cho vay tiền chỉ là giao dịch dân sự, nhưng khi không thanh toán tiền theo thỏa thuận giữa người cho vay và người vay tiền lại xảy ra các vụ vi phạm hình sự. Trước tình hình trên, Công an huyện Yên Thành đã vào cuộc điều tra, làm rõ các vụ án hình sự mà nguyên nhân đều xuất phát từ “tín dụng đen”.
Công an huyện Yên Thành tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở cầm đồ để nhắc nhở hoạt động tuân thủ pháp luật, hạn chế  các nguy cơ tiềm ẩn của hoạt động
Công an huyện Yên Thành tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở cầm đồ để nhắc nhở hoạt động tuân thủ pháp luật, hạn chế các nguy cơ tiềm ẩn của hoạt động "tín dụng đen"- Ảnh: Đức Vũ
Những năm gần đây, huyện Yên Thành có nhiều người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài gửi tiền về, cùng với đó là số tiền dư giả trong nhân dân tương đối nhiều. Vì vậy, nhiều người dân do hám lợi mà sẵn sàng cho người khác vay tiền để hưởng lãi suất cao. Qua điều tra các vụ án liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn huyện Yên Thành, cán bộ điều tra Công an huyện cho biết, mức lãi suất phổ biến thường rất cao, từ 3 nghìn đồng - 10 nghìn đồng/1 triệu/1 ngày. Với các mức lãi suất như vậy thì người đi vay tiền rồi lại cho người khác vay với lãi suất cao hơn nhằm trục lợi bất chính. Các mâu thuẫn bắt đầu phát sinh khi đến hạn các con nợ không có khả năng thanh toán.
 
Từ năm 2018 đến nay, Công an huyện Yên Thành đã khởi tố 4 vụ án, 10  bị can với các tội làm nhục người khác; bắt giữ người trái pháp luật; cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Điều chú ý là các vụ án trên nguyên nhân đều xuất phát từ các giao dịch dân sự.
Điển hình như vụ cưỡng đoạt tài sản xảy ra ngày 24/6/2019, tại xã Bảo Thành. Bà Trương Thị Đào (SN 1968) cùng chồng là Phan Ngọc Vinh (SN 1963) và 2 người con là Phan Ngọc Kỷ (SN 1993), Phan Thị Ly (SN 1995), đều trú tại xã Bảo Thành, đã đến nhà chị Hà để đòi nợ số tiền gốc mà chị này đã vay là 640 triệu đồng. Do không có tiền trả nợ, nên khi các đối tượng vào nhà, chị Hà đã phải chạy vào phòng ngủ khóa cửa nhằm tránh sự đánh đập, lăng mạ của cả gia đình bà Đào. Các đối tượng đã thay nhau lấy toàn bộ tài sản trong nhà chị Hà gồm: Bàn ghế, tivi, tủ lạnh (tổng giá trị hơn 58 triệu đồng) ra thềm nhà. Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, Phan Ngọc Kỷ dùng xe kéo chở toàn bộ tài sản về nhà tại xóm 8, xã Bảo Thành trong sự bất lực của chị Hà.
Gia đình bà Trương Thị Đào cùng chồng Phan Ngọc Vinh và con trai Phan Ngọc Kỷ  đều phạm tội mà nguyên nhân xuất phát từ
Gia đình bà Trương Thị Đào cùng chồng Phan Ngọc Vinh và con trai Phan Ngọc Kỷ đều phạm tội mà nguyên nhân xuất phát từ "tín dụng đen" - Ảnh: Đức Vũ
Quá trình điều tra vụ cưỡng đoạt tài sản nêu trên, Công an huyện Yên Thành đã làm rõ nguyên nhân xuất phát trong quá trình vay tiền. Trong thời gian từ ngày 25/4/2018 - 25/3/2019, bà Trương Thị Đào đã cho chị Nguyễn Thị Hà vay tiền nhiều lần với tổng số tiền 640 triệu đồng; với lãi suất thỏa thuận là 3 nghìn đồng/1 triệu/1 ngày, tương đương 108%/năm. Cứ 10 ngày, bà Đào lại tính và thu tiền lãi của chị Hà một lần với từng khoản vay. Có thời điểm chị Hà phải trả tiền lãi gần bằng với tiền gốc chỉ trong thời gian gần 1 năm.
 
Cụ thể: Ngày 25/4/2018, bà Đào cho chị Hà vay số tiền 125 triệu đồng. Lãi từ ngày cho vay đến ngày 25/1/2019 (272 ngày) là 103 triệu đồng. Tháng 2/2019, chị Hà không có tiền trả lãi cho bà Đào theo thỏa thuận. Quá trình điều tra, Công an huyện Yên Thành đã xác định tổng số tiền lãi suất mà bà Đào thu từ chị Hà là 219.955.000 đồng, tương ứng với 108%/năm. Nếu tính theo quy định của Luật Dân sự là 20%/năm, thì số tiền lãi suất của bà Đào chỉ được hưởng là 40.732.000 đồng. Như vậy, bà Đào đã thu lợi bất chính từ chị Hà là 179.223.000 đồng. Hiện, Công an huyện Yên Thành đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố các bị can liên quan. Trong đó, tạm giam Trương Thị Đào để điều tra về hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" và "Cưỡng đoạt tài sản"; tạm giam Phan Ngọc Kỷ, Phan Ngọc Vinh được tại ngoại. Riêng Phan Thị Ly hiện đã xuất cảnh. Trong phút chốc, cả gia đình đều vướng vào pháp luật vì "tín dụng đen".
 
Đầu năm 2019, em N.Đ.B., học sinh Trường THPT Yên Thành 2 có vay của đối tượng Lê Xuân Hải (SN  1992) trú tại xã Trung Thành số tiền 5 triệu đồng, với lãi suất 10 nghìn đồng/1 triệu/1 ngày. Ngày 26/3/2019, khi đến hạn không có khả năng thanh toán, Lê Xuân Hải cùng với Nguyễn Cảnh Quang đã đánh đập em B. để đòi số tiền cả gốc và lãi sau hơn 2 tháng là 7 triệu đồng, đồng thời giữ em trong khoảng 30 phút rồi mới cho về. Ngày 28/3, Hải và Quang bị tạm giữ để điều tra. Quá trình điều tra, Công an huyện Yên Thành đã làm rõ đối tượng Lê Xuân Hải nhiều lần cho người khác vay tiền với sãi suất rất cao. Trong thời gian từ tháng 8/2018 đến trước thời điểm bị bắt giữ, Hải đã thực hiện các giao dịch cho vay lãi nặng với lãi suất từ 5 nghìn - 10 nghìn đồng/1 triệu/1 ngày, tương ứng với lãi  suất từ 182,5% - 365,%/năm.
 
Cuối năm 2018, cũng do không có tiền trả lãi suất và tiền gốc nên chị Hồ Thị H. (43 tuổi) trú tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành bị nhóm 4 người phụ nữ làm nhục bằng hình thức chửi bới, lột áo, chà củ ráy vào lưng, ngay trong nhà. Mặc dù các đối tượng đã bị xét xử nhưng khi nhắc lại vụ việc vẫn khiến chị H. bức xúc: "Cả mấy người phụ nữ lao vào lột áo tôi, trước đó còn phá nhà cửa của tôi khiến cho con cái không dám đi học". Qua tìm hiểu, chị H. và nhóm đối tượng làm nhục chị trước đây đều có mối quan hệ làm ăn khá thân thiết, chuyện vay tiền của nhau diễn ra bình thường.
 
Trung tá Bùi Văn Ngọc, Phó Trưởng Công an huyện Yên Thành cho biết: "Qua các vụ án trên cho thấy, từ giao dịch dân sự chuyển sang thành án hình sự là rất mong manh. Người dân cần cảnh giác để không vi phạm pháp luật. Khó khăn khi đấu tranh với tội phạm liên quan đến vay lãi nặng là: Hầu hết các giao dịch vay tiền của người dân thì lãi suất do hai bên tự thỏa thuận, không ghi rõ trên giấy tờ; trả lãi ngày nào thì chốt số tiền gốc còn lại phải trả. Mặt khác, người đi vay tiền khi bị các đối tượng xâm hại thì không chịu hợp tác với cơ quan Công an" (vì lo sợ bị trả thù, ảnh hưởng đến danh dự bản thân).
Rõ ràng, hoạt động "tín dụng đen" là mầm mống phát sinh các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; điển hình như cướp, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng hoặc các hành vi khác như đe dọa qua điện thoại, ném chất bẩn, chất thải vào nhà dân như đã diễn ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An... 
 
Qua những vụ việc liên quan đến "tín dụng đen" trên địa bàn huyện Yên Thành cho thấy, chỉ vì hám lợi mà người cho vay tiền dễ dàng trở thành người phạm tội. Bản thân người đi vay tiền cũng cần nâng cao ý thức pháp luật để không trở thành nạn nhân, kẻ tiếp tay cho “tín dụng đen” hoạt động. 
.

Đức Vũ - Minh Khôi

.