Chủ Nhật, 08/12/2019, 09:44 [GMT+7]

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 2,7 tỉ đồng, 3 bị cáo lĩnh 14 năm tù giam

(Congannghean.vn)-Tuy không có việc làm ổn định, không có chức năng, nhiệm vụ trong bố trí việc làm, song bằng chiêu trò “nổ” quen biết với lãnh đạo Sở Y tế, tự nhận là có thể xin được việc làm tại các bệnh viện, 2 “nữ quái” Ngô Thị Oanh và Nguyễn Thị Hằng đã cấu kết với Nguyễn Thị Thúy để thực hiện 10 vụ lừa đảo chiếm đoạt của các bị hại với số tiền hơn 2,7 tỉ đồng.

3 bị cáo tại phiên tòa
3 bị cáo tại phiên tòa
Vừa qua, TAND tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với các bị cáo: Nguyễn Thị Hằng (SN 1985) trú tại phường Lê Lợi, Nguyễn Thị Thúy (SN 1975) trú tại xã Hưng Lộc và Ngô Thị Oanh (SN 1969) trú tại xã Hưng Đông, cùng TP Vinh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 
 
Theo cáo trạng, do quen biết nhau từ trước nên Oanh và Hằng đã bàn bạc thống nhất với nhau nhận hồ sơ, tiền “xin việc làm” vào các bệnh viện, trung tâm huyết học trên địa bàn tỉnh Nghệ An. 2 đối tượng thỏa thuận, thống nhất: Oanh chịu trách nhiệm tìm, nhận hồ sơ và tiền của người lao động, còn Hằng chịu trách nhiệm liên hệ “xin việc làm”.  
 
Trong khoảng thời gian từ năm 2014 - 2018, để tạo sự tin tưởng cho các bị hại, khi tiếp cận, Oanh đã “nổ” rằng, bản thân có quen biết lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Nghệ An và hứa chắc chắn sẽ xin được cho người lao động có nhu cầu vào làm việc tại các bệnh viện, Trung tâm huyết học và Truyền máu trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Oanh còn bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Thị Thúy, là cán bộ khuyến nông thuộc Trạm Khuyến nông TP Vinh tìm người lao động để Oanh “xin việc làm” cho họ. Tuy nhiên, đến thời điểm bị phát hiện và bắt giữ, cả 3 đối tượng đều không xin được việc làm cho bất cứ trường hợp nào như đã “cam kết” với các bị hại trước đó. 
 
Cụ thể: Vào khoảng năm 2014, thông qua mối quan hệ quen biết, Đoàn Thị Lê N. trú tại phường Hồng Sơn, TP Vinh đã nhờ Oanh liên hệ xin việc cho người quen của N.. Để tạo sự tin tưởng, Oanh nói với N. mình có quen biết với Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh nên có thể xin cho người khác vào làm việc ở các bệnh viện trên địa bàn. Hiện tại, Trung tâm Huyết học và Truyền máu Nghệ An đang tuyển nhân sự nên ai cần xin thì đưa hồ sơ và tiền cho Oanh. Sau khi trao đổi, tin tưởng những gì Oanh cam kết từ năm 2014 - 2017, chị N. đã liên tiếp giao tiền và hồ sơ cho Oanh để nhờ xin việc cho 10 người. Tuy nhiên, sau khi nhận từ N. tiền và 10 bộ hồ sơ xin việc, Oanh đã không xin được việc làm cho bất cứ trường hợp nào như đã hứa hẹn. 
 
Sau một thời gian dài chờ đợi không thấy thông báo được đi làm như cam kết trước đó, những người lao động thúc giục, đòi lại số tiền trên. Ngày 24/4/2017, chị N. và Oanh đã thống nhất số tiền Oanh đã nhận từ N. để xin việc làm cho 10 lao động nêu trên là 1.154 tỉ đồng. Sau đó, Oanh đã lần lượt trả cho chị N. tổng số tiền là 726 triệu đồng, còn nợ 428 triệu đồng. Quá trình điều tra, Oanh và Hằng đã khắc phục cho chị N. thêm 100 triệu đồng. Vì vậy, tại phiên tòa, chị N. yêu cầu Oanh trả lại số tiền 328 triệu đồng mà Oanh đang chiếm đoạt của chị.
 
Bằng các thủ đoạn trên, nhóm của Ngô Thị Oanh đã thực hiện 10 vụ lừa đảo với tổng số tiền chiếm đoạt  hơn 2.749 tỉ đồng. Trong đó, Hằng đã tham gia thực hiện 6 vụ lừa đảo với số tiền đã chiếm đoạt là 420 triệu đồng; Thúy tham gia thực hiện 1 vụ lừa đảo với số tiền chiếm đoạt là 210 triệu đồng. Trong các bị hại, người bị lừa số tiền nhiều nhất là chị Đoàn Thị Lê N. với số tiền hơn 1,1 tỉ đồng.
 
Trước đó, ngày 25/11, TAND tỉnh đã đưa vụ án cùng 3 bị cáo Ngô Thị Oanh, Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Thị Thúy ra xét xử. Tuy nhiên, trong phần tranh tụng, bị cáo Oanh xin HĐXX cho thêm thời gian để bồi thường thêm số tiền cho các bị hại, khắc phục lỗi lầm do mình gây ra. Để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo và tính khách quan của phiên tòa, HĐXX đã quyết định tạm dừng phiên tòa. Tại phiên tòa này, bị cáo Oanh chưa bồi thường, khắc phục thêm số tiền nào như đã cam kết ở phiên tòa ngày 25/11; các bị hại cũng cho biết chưa nhận được khoản tiền khắc phục nào từ bị cáo Oanh. Trong khi đó, bị cáo Thúy đã khắc phục hết toàn bộ số tiền mà bản thân đã lừa đảo, chiếm đoạt của các bị hại. 
 
Trước bục khai báo, cả 3 bị cáo đều thể hiện sự ăn năn, hối hận và thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình như trong cáo trạng truy tố. Cả 3 bị cáo cho rằng, do hám lợi nên mặc dù bản thân không có khả năng, nhiệm vụ bố trí việc làm nhưng vẫn “nổ” là xin được việc làm để các bị hại tin tưởng hòng chiếm đoạt tài sản. 
 
HĐXX nhận định, hành vi lừa đảo của các bị cáo là vi phạm pháp luật, gây mất ANTT trên địa bàn. Đối với Đoàn Thị Lê N. là người đã trực tiếp nhận hồ sơ, tiền của 10 người lao động để nhờ Oanh xin việc làm. Cơ quan điều tra xác định, N. không gian dối, không hưởng lợi hay chiếm đoạt số tiền nhận của người lao động nên hành vi không cấu thành tội phạm. HĐXX khẳng định, các vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước đều phải qua thi tuyển (khi có đợt tuyển) và do những người có chức năng, nhiệm vụ tuyển chọn chứ không phải thông qua một số đối tượng ngoài xã hội để chạy chọt… HĐXX cũng khuyến cáo, các bị hại nói riêng và người dân nói chung cần phải tỉnh táo, cần đề cao cảnh giác, tuyệt đối không tin tưởng, nhất là khi đưa số tiền lớn cho người lạ hoặc người mà mình không thể biết rõ nhân thân lai lịch, công việc, gia đình; đừng tự biến mình thành “mồi ngon” của kẻ lừa đảo. 
 
Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Ngô Thị Oanh 10 năm tù giam; Nguyễn Thị Hằng 3 năm tù giam; Nguyễn Thị Thúy 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
.

THU THỦY

.