Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201711/lua-dao-chiem-doat-tai-san-duoi-hinh-thuc-chay-viec-thu-doan-cu-nan-nhan-moi-764929/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201711/lua-dao-chiem-doat-tai-san-duoi-hinh-thuc-chay-viec-thu-doan-cu-nan-nhan-moi-764929/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 02/11/2017, 09:12 [GMT+7]
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức 'chạy việc'

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, mặc dù báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng trên cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng đã truyền tải nhiều thông tin “vạch mặt” chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức “chạy việc”. Vậy nhưng, hiện vẫn có không ít gia đình nôn nóng tìm kiếm việc làm cho con cháu, tin lời cò mồi “đặt cọc” tiền với lời hứa xin việc trong khoảng thời gian nhất định, không ít gia đình đang rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”.

 Một văn bản được cho là “giấy nhận tiền” với mục đích để xin việc
Một văn bản được cho là “giấy nhận tiền” với mục đích để xin việc

Mới đây, anh Nguyễn Công Nam (SN 1973) trú tại xóm Ngũ Lộc, xã Hưng Lộc, TP Vinh tìm đến Tòa soạn Báo Công an Nghệ An phản ánh sự việc, gia đình anh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 500 triệu đồng.

Theo trình bày của anh Nam, vào giữa năm 2016, qua giới thiệu của người quen, gia đình anh được bà Trần Thị Đ. trú tại xã Nghi Kim, TP Vinh hứa sẽ xin việc cho con trai anh Nam là Nguyễn Duy C. (SN 1994) vào làm việc tại bộ phân an ninh, sân bay Vinh.

Trong “giấy nhận tiền” được lập ngày 8/6/2016, gia đình anh Nam đã đặt trước cho bà Đ. số tiền 470 triệu đồng. Bà Đ. hứa sau khi bố trí cho anh C. học xong lớp nghiệp vụ ngắn hạn 45 ngày thì sẽ có hợp đồng dài hạn làm việc tại sân bay Vinh. Bà Đ. còn hứa chắc chắn, nếu sau khi học xong, trong vòng 45 ngày, con anh Nam không có quyết định đi làm như đã giao ước thì bà Đ. sẽ trả lại số tiền 470 triệu đồng và số tiền lãi là 30 triệu đồng. Tổng số tiền bà Đ. phải trả là 500 triệu đồng. Vậy nhưng, sau hơn 1 năm chờ đợi, con trai anh Nam vẫn không được đi làm như đã hứa và bà Đ. vẫn chây ì không trả lại tiền.

Trao đổi sự việc với chúng tôi, anh Nguyễn Công Nam cho biết: Trước đó, con trai tôi đã hoàn thành 3 năm nghĩa vụ Công an nhân dân tại miền Nam. Sau khi cháu về quê, gia đình cố gắng tìm cho cháu một công việc phù hợp để ổn định cuộc sống. Nhờ một người quen giới thiệu, chúng tôi được bà Đ. cho biết là có mối quan hệ có thể xin cho con trai tôi vào làm việc tại bộ phận an ninh, sân bay Vinh, với giá 470 triệu đồng. Sau khi gia đình đã chồng đủ số tiền nói trên, con trai tôi được giới thiệu ra Hà Nội học lớp nghiệp vụ an ninh ngắn hạn 45 ngày, nhưng khi trở về không được bố trí công việc như bà Đ. đã hứa.

Anh Nam bức xúc, hơn 1 năm chờ đợi, nhiều lần gia đình hỏi về công việc của con trai không được, chúng tôi yêu cầu bà Đ. trả lại số tiền 470 triệu đã “đặt cọc” nhưng bà Đ. tìm mọi cách để chây ì, không trả lại. Anh Nam cho biết, hiện gia đình đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Đ. lên cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An.

Lần theo thông tin phản ánh của anh Nam, phóng viên đã nhiều lần liên lạc qua số điện thoại được cho là của bà Đ. (0986…337) để xác minh sự việc, điện thoại vẫn đổ chuông nhưng không có người bốc máy. Được sự hỗ trợ của Công an xã Nghi Kim, chúng tôi đã tìm về tận nơi ở của bà Đ., đó là một ngôi nhà cấp 4 cũ ở xóm 14, xã Nghi Kim, TP Vinh,  trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Theo lời kể của 1 đồng chí Công an viên xã Nghi Kim, trước đó cơ quan Thi hành án đã về nhà bà Đ. làm việc nhưng trong nhà gần như không có tài sản gì đáng giá.

Một trường hợp tương tự khác, đó là ông Lê Thanh Nhàn (SN 1954) trú tại xóm Quang Hưng, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, cũng đang liên tục gõ cửa cơ quan chức năng kêu cứu để mong đòi lại số tiền 220 triệu đồng trước đó đưa cho “người quen” “chạy việc”.

Theo đó, năm 2014, qua một người bạn giới thiệu, ông Nhàn quen biết ông Nguyễn Công A. trú tại xã Hưng Hòa, TP Vinh. Ông A. cho biết có thể xin cho con gái ông Nhàn vào làm việc chính thức tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, chi phí cho suất biên chế này là 220 triệu đồng. Ngày 3/8/2014, ông Nhàn đã đưa trước cho ông A. 50 triệu đồng để “đặt cọc”, khi nào có quyết định chính thức ông Nhàn sẽ  đưa số tiền 170 triệu đồng còn lại. Tiếp đó, ngày 9/11/2014, ông A. yêu cầu ông Nhàn phải chuyển gấp số tiền 170 triệu đồng còn lại để có quyết định biên chế cho con gái ông Nhàn. Tưởng rằng mọi việc sẽ thuận lợi như lời ông A. đã hứa, ông Nhàn phải đi vay mượn bạn bè, anh em để gom đủ số tiền 170 triệu đồng chuyển đủ cho ông A. vào ngày 19/11/2014.

Tuy nhiên, sau khi nhận đủ tiền, ông A. hứa đến hết quý II năm 2015 sẽ có quyết định chính thức cho con gái ông Nhàn vào làm việc chính thức tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Vậy nhưng, từ đó đến nay, sau nhiều lần ông A. hứa hão, con gái ông Nhàn vẫn không có quyết định tuyển dụng chính thức nào và ông A. vẫn chưa trả lại tiền cho ông Nhàn như đã cam kết ban đầu. Trước tình hình trên, ông Nhàn đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông A. lên cơ quan chức năng.

Qua tìm hiểu của phóng viên, mẫu số chung cho hầu hết các vụ việc chiếm đoạt tài sản dưới hình thức “chạy việc”  là thông qua các mối quan hệ xã hội, bị hại thường được các “cò mồi” tâng bốc về các mối quan hệ quen biết lớn, để khẳng định có thể xin việc làm dễ dàng. Sau khi thỏa thuận được mức giá, hai bên sẽ có giấy giao ước khi trao tiền. Dĩ nhiên, trong các văn bản giao ước này bao giờ “cò mồi” cũng ấn định một thời gian nhất định nào đó sẽ có quyết định tuyển dụng, quyết định đi làm chính thức…; đồng thời, không quên kèm theo điều kiện, nếu không xin được việc thì sẽ trả lại số tiền đã nhận và lãi suất trong thời gian nhận tiền.

Có thể thấy, với những lời hứa hẹn, cam kết như trên, “cò mồi” đã đánh trúng tâm lý nôn nóng tìm kiếm việc làm của các bậc phụ huynh cũng như sự “an toàn” về số tiền đã trao. Tuy nhiên, sau thời gian ấn định, nếu chưa được việc, “cò mồi” sẽ tiếp tục có lời hứa và sau đó thì chây ì, rồi trốn tránh không trả lại tiền!

Có thể khẳng định, chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua “cò mồi” “chạy việc” không phải là mới, song các đối tượng lừa đảo dường như đã nắm bắt được tâm lý của các bậc phụ huynh cũng như sự nhẹ dạ, cả tin… để lừa bịp thêm nhiều nạn nhân mới. Đa số các trường hợp này đều vay mượn tiền bạc để lo lót công việc cho con cái, song với “cái bẫy” hoàn hảo như trên, nhiều gia đình đang điêu đứng lo tiền trả nợ…!

.

Đ. Thắng

.