Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201712/lat-tay-thu-doan-lua-dao-ban-tien-gia-ban-phao-qua-mang-xa-hoi-774383/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201712/lat-tay-thu-doan-lua-dao-ban-tien-gia-ban-phao-qua-mang-xa-hoi-774383/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lật tẩy thủ đoạn lừa đảo bán tiền giả, bán pháo qua mạng xã hội - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 31/12/2017, 13:46 [GMT+7]

Lật tẩy thủ đoạn lừa đảo bán tiền giả, bán pháo qua mạng xã hội

(Congannghean.vn)-Vì hám lợi, nhẹ dạ cả tin, đã có không ít người mất tiền oan cho những đối tượng lừa đảo bán tiền giả, bán pháo trên các trang mạng xã hội. Và khi biết mình bị lừa, họ cũng đành ngậm đắng nuốt cay không dám trình báo lực lượng chức năng.

Các đối tượng sử dụng nick facebook ảo để rao bán tiền giả và pháo
Các đối tượng sử dụng nick facebook ảo để rao bán tiền giả và pháo

Tháng 6/2017, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an Nghệ An bắt giữ Thạch Thị Nga (SN 1996) trú tại xóm 6, xã Nghi Liên, TP Vinh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng này lập facebook ảo để rao bán tiền giả. Mỗi lần có khách muốn giao dịch, Nga yêu cầu khách đặt cọc 30%, sau đó sẽ giao hàng đến một địa chỉ đã định sẵn. Tuy nhiên, sau khi cá cắn câu, khách đặt cọc số tiền như Nga yêu cầu thì đối tượng cắt đứt liên lạc hoặc giao cho khách chiếc hộp không.

Thời điểm này, khi Tết Nguyên đán đang đến gần, trên trang mạng xã hội facebook xuất hiện nhiều nick đăng bài chào bán tiền giả, pháo một cách công khai. Chỉ cần vào facebook và gõ tìm kiếm nội dung “mua bán tiền giả”, “mua bán pháo”, ngay lập tức sẽ cho hàng trăm kết quả liên quan. Khi vào facebook của P.T.Q., thành viên của Diễn đàn chợ Vinh - nơi mua bán, trao đổi đồ cũ dành cho dân 37 dễ dàng thấy những lời quảng cáo như: “Bên mình gd (giao dịch) lần đầu thì phải cọc 30%; bên mình tỉ lệ vẫn như cũ: 1 triệu đổi 12 triệu giả…”. Hay như nick facebook T.T.T.N. còn giới thiệu rất bài bản: “Với phương châm "Uy tín + kín đáo => tạo nên thương hiệu, hoặc: “Bạn không có cách nào để xoay một số tiền nhiều. Hãy liên hệ ngay bên shop, giải pháp tài chính đơn giản nhất cho bạn”.

Hầu hết các trang bán tiền giả đều khẳng định: Tiền giả giống thật từ 97% trở lên. Cách thức giao dịch chủ yếu là người mua đặt cọc 20 - 50% tiền thật để mua tiền giả bằng cách chuyển khoản ngân hàng hoặc gửi mã số thẻ cào điện thoại. Không chỉ tiền giả được rao bán công khai mà gần đến dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu sử dụng ngày càng cao, các đối tượng còn ngang nhiên rao bán pháo. facebook T.T. đăng trên Hội chợ 37 online với nội dung: “Hiện tại mình bán pháo, bạn nào có nhu cầu mua thì inbox ạ, số lượng có hạn”, kèm theo đó là bức ảnh với các loại pháo ông sư, pháo hoa, pháo bi... Cũng với hình thức giao dịch là khách mua đặt cọc tiền bằng mã thẻ cào điện thoại hoặc chuyển khoản, sau khi nhận được tiền, các đối tượng sẽ chuyển pháo đến tận địa chỉ yêu cầu.

Đã có không ít người do hám lợi, nhẹ dạ cả tin đặt cọc số tiền các đối tượng yêu cầu. Thế nhưng, sau khi nhận được tiền, các đối tượng này sẽ cắt đứt liên lạc với nạn nhân. Và, người mua khi nhận ra mình bị lừa cũng chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay”.

Theo Thiếu tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng CSHS Công an Nghệ An, tất cả những lời rao bán tiền giả và pháo đều là lừa đảo. Các đối tượng này đăng bài, nếu có khách hỏi chúng sẽ chỉ dẫn cho khách đặt cọc tiền từ 30 - 50% qua hình thức gửi mã số thẻ cào điện thoại hoặc chuyển khoản. Tuy nhiên, sau khi khách đặt cọc tiền, các đối tượng sẽ biến mất. Do các nick chúng sử dụng đều là nick ảo nên khách hàng sẽ không thể tìm kiếm thông tin cá nhân của đối tượng. Tất cả các đối tượng đăng bán tiền giả và pháo đều biết đây là những mặt hàng bị pháp luật cấm buôn bán, vận chuyển, trao đổi nên chúng đều lập các facebook ảo để giao dịch. Công phu hơn, nhiều đối tượng còn lập thêm rất nhiều nick facebook ảo để vào bình luận khen người bán hàng uy tín, giao hàng có chất lượng nhằm mục đích “mồi chài” những người nhẹ dạ cả tin hoặc những người đang có nhu cầu.

Cũng theo Thiếu tá Hà Huy Đức, việc xử lý các đối tượng rao bán tiền giả và pháo trên các trang mạng xã hội gặp khá nhiều khó khăn, do người mua sau khi đặt cọc bị mất tiền không dám báo với lực lượng chức năng. Vì nhận thức được đây là hành vi vi phạm pháp luật, hơn nữa số tiền đặt cọc giá trị không lớn nên họ chấp nhận bị mất. Lực lượng chức năng khuyến cáo người dân, tuyệt đối không tin vào những lời rao bán công khai tiền giả và pháo vì đây đều là những mặt hàng bị pháp luật cấm lưu hành, sử dụng. Nếu bị phát hiện có thể sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Theo Điều 180, Bộ luật Hình sự năm 1999, hành vi mua bán tiền giả, không phân biệt giá trị lớn nhỏ, đều có thể bị xử lý hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả. Tùy theo số tiền, mức phạt có thể lên tới hình phạt tù chung thân. Trường hợp rao bán tiền giả chỉ là thủ đoạn để chiếm đoạt tiền, nếu gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, người này sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 139, Bộ luật Hình sự.

 

.

Nhật Minh

.