Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201808/canh-giac-voi-thu-doan-lua-dao-qua-mang-xa-hoi-811903/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201808/canh-giac-voi-thu-doan-lua-dao-qua-mang-xa-hoi-811903/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 31/08/2018, 15:27 [GMT+7]

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội

(Congannghean.vn)-Trên địa bàn Nghệ An nói chung và huyện Diễn Châu nói riêng, thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao có dấu hiệu diễn biến phức tạp, với những thủ đoạn tinh vi khiến nhiều nạn nhân bị lừa với khoản tiền lớn. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh bị rơi vào “bẫy” lừa đảo của các đối tượng.

Đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn huyện Diễn Châu bị lực lượng Công an huyện bắt giữ vào hồi đầu tháng 3/2018
Đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn huyện Diễn Châu bị lực lượng Công an huyện bắt giữ vào hồi đầu tháng 3/2018

Nhiều mánh khóe lừa đảo

Thời gian gần đây, Công an huyện Diễn Châu liên tục nhận được trình báo của một số người dân về việc bị các đối tượng lợi dụng mối quan hệ trên mạng xã hội facebook, zalo… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại về tài sản hàng trăm triệu đồng.

Điển hình, ngày 23/2/2018, anh Trần Mạnh Nam trú tại xóm 2, xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu đến Công an huyện trình báo về việc mình bị lừa đảo. Anh Nam cho biết, hiện em gái anh là Trần Thị Lan đang làm việc ở nước ngoài. Hằng ngày, chị Lan dùng facebook Trần Lan để nói chuyện với anh. Trưa 23/2/2018, chị Lan gọi điện cho anh qua messeger, sau đó nói mạng yếu và yêu cầu nhắn tin. Quá trình nói chuyện, chị Lan bảo anh Nam gửi 42.000.000 đồng vào số tài khoản 107868009801 của Trần Văn Khoa, đăng ký tại Ngân hàng ViettinBank chi nhánh Nghệ An. Vì tin tưởng là em gái mình đang nhắn tin nên anh Nam đã gửi 42.000.000 đồng vào số tài khoản nói trên. Sau khi gửi tiền, anh Nam liên lạc lại với em gái nhưng chị Lan nói không bảo anh gửi tiền. Biết mình bị lừa, anh Nam đã viết đơn trình báo lên cơ quan chức năng.

Ngoài những nạn nhân mất tiền vì nhầm tưởng bạn bè, người thân nhờ gửi tiền, gần đây, trên địa bàn huyện Diễn Châu còn có nhiều người bị lừa đảo vì hám lợi khi tin vào chiêu trò lừa trúng thưởng trên mạng xã hội.

Điển hình như chị Lê Thị Duyên (SN 1992) trú tại xóm Bắc Liên, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu đến Công an huyện trình báo về việc, sáng 18/1/2018, chị nhận được tin nhắn trúng thưởng số tiền 200 triệu đồng và 1 chiếc xe máy SH. Để tạo lòng tin, đối tượng dùng số điện thoại 0899.241.926 gọi đến cho chị Duyên và xưng là Phạm Văn Hiền, nhân viên hỗ trợ chăm sóc khách hàng của Công ty TINH facebook ADS, uỷ nhiệm cho facebook Việt Nam hướng dẫn chị Duyên các thao tác trên website: IdQuaFb2018.com.

Theo đó, các đối tượng yêu cầu chị Duyên nộp 4.500.000 đồng bằng thẻ điện thoại để làm hồ sơ nhận thưởng. Chị Duyên đã thực hiện các thao tác mà không hề suy nghĩ, đắn đo gì. Đến 13 giờ cùng ngày, các đối tượng tiếp tục giọi điện thoại cho chị Duyên thông báo chị đã nộp tiền làm hồ sơ thành công và yêu cầu chị nộp thêm 10% thuế để nhận thưởng. Sau đó, các đối tượng bảo chị Duyên nộp 5% (tương ứng 10 triệu đồng), còn lại 5% chúng sẽ chịu. Tuy nhiên, sau khi chị Duyên nộp tiền thông qua thẻ cào điện thoại, các đối tượng đã cắt liên lạc. Biết mình bị lừa, chị Duyên đã trình báo lên Công an huyện Diễn Châu.

Cần nâng cao ý thức cảnh giác

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Nguyễn Thái Hoàn, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an huyện Diễn Châu cho biết: So với một số huyện khác trên địa bàn thì tội phạm công nghệ cao tại Diễn Châu chưa nhiều, song đã xuất hiện với các phương thức, thủ đoạn như: Sử dụng mạng xã hội nhắn tin thông báo cho khách hàng biết mình trúng thưởng tiền và xe máy, sau đó yêu cầu khách hàng phải đóng phí nhận thưởng. Một số đối tượng còn tạo các trang web giả mạo có tặng quà với giá trị lớn, yêu cầu khách hàng phải nộp phí để nhận quà. Hoặc, đối tượng hack facebook của người đi xuất khẩu lao động, sau đó nhắn tin cho người thân chuyển khoản với số tiền lớn. Sau khi người thân của họ chuyển khoản xong thì mới phát hiện bị lừa. Tuy nhiên, khi lực lượng Công an vào cuộc thì các đối tượng đã chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản mạng có trụ sở tại nước ngoài.

Trung tá Nguyễn Thái Hoàn khuyến cáo, để tránh trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo qua mạng xã hội, người dân cần đề cao cảnh giác, nhận diện thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng. Đặc biệt, khi sử dụng mạng xã hội, cần bảo mật tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại… để tránh những thông tin này rơi vào tay kẻ xấu. Khi nhận được tin nhắn, thư thoại chứa đường link lạ, website không rõ nguồn gốc, tuyệt đối không được truy cập và bỏ qua những tin nhắn thông báo trúng thưởng. Với những tin nhắn, cuộc gọi nghi ngờ lừa đảo như nhờ mua thẻ cào điện thoại, chuyển tiền, thông báo tai nạn..., cần liên lạc trực tiếp với người liên quan để xác thực thông tin, tuyệt đối không làm theo yêu cầu của các đối tượng. Khi thấy các cuộc gọi điện thoại có biểu hiện nghi vấn, người dân cần trình báo ngay với cơ quan Công an gần nhất để xác minh, làm rõ.

.

Cao Loan

.