Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201901/canh-giac-voi-toi-pham-su-dung-cong-nghe-cao-dip-cuoi-nam-834067/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201901/canh-giac-voi-toi-pham-su-dung-cong-nghe-cao-dip-cuoi-nam-834067/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao dịp cuối năm - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 13/01/2019, 09:20 [GMT+7]

Cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao dịp cuối năm

(Congannghean.vn)-Năm 2018, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an tỉnh Nghệ An xác lập 12 chuyên án về tội phạm sử dụng công nghệ cao (CNC), khám phá 10 chuyên án, bắt giữ, khởi tố, xử lý hành chính 76 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật sử dụng CNC.

Thời gian qua, nhiều người đã
Thời gian qua, nhiều người đã "sập bẫy" của đối tượng lừa đảo do hám lợi hoặc bị khai thác thông tin cá nhân trên mạng internet - Ảnh minh họa

Tin người lạ, mất tiền tỉ

Ngày 9/1, trao đổi với phóng viên, ông Trần Xuân Tuyến, Trưởng Công an xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương cho biết, liên quan đến vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có yếu tố CNC xảy ra trên địa bàn, sau khi tiếp nhận thông tin, nhận thấy sự việc phức tạp nên Công an xã đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Chương để điều tra, xử lý. Trước đó, vào cuối tháng 12/2018, cơ quan này nhận được trình báo của chị Nguyễn Thị Th. (SN 1974) trú tại xóm Mỹ Hòa, xã Thanh Lâm về việc bị 1 đối tượng giả mạo, sử dụng tài khoản facebook của con gái hiện đang sinh sống, học tập tại Nhật Bản để lừa đảo, chiếm đoạt của chị số tiền 32 triệu đồng.

Cụ thể, theo trình bày của nạn nhân, vào khoảng 10 giờ ngày 18/12, chị Th. nhận được tin nhắn qua facebook của con gái, bảo gửi 32 triệu đồng qua tài khoản Tạ Hứa Huệ, Ngân hàng BIDV chi nhánh Thái Nguyên để cho 1 người bạn vay có việc gấp. Không chút nghi ngờ, người mẹ này đã đi vay đủ số tiền mà “con gái” yêu cầu rồi gửi qua tài khoản nói trên. Đến 15 giờ cùng ngày, chị Th. tiếp tục nhận được tin nhắn của “con gái”, báo đã nhận được tiền, song do đang có việc gấp nên nhờ vay thêm 58 triệu đồng nữa. Chị nghi ngờ nên đã liên lạc với con gái thì mới vỡ lẽ và làm đơn trình báo đến cơ quan chức năng.

1 nạn nhân bị lừa đảo qua mạng xã hội trình báo tại Cơ quan CSĐT
1 nạn nhân bị lừa đảo qua mạng xã hội trình báo tại Cơ quan CSĐT

Cũng trong thời gian này, Đội Phòng chống tội phạm sử dụng CNC, Phòng CSHS Công an tỉnh Nghệ An đang thụ lý hồ sơ, điều tra vụ việc liên quan đến bà Lê Thị H. trú tại huyện Tương Dương bị một tài khoản ở nước ngoài lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 2,2 tỉ đồng.

Theo đó, cách đây khoảng 4 tháng, đang buồn chuyện gia đình đổ vỡ nên khi có 1 người đàn ông nước ngoài kết bạn qua mạng xã hội facebook, bà H. đã đồng ý. Sau một thời gian tâm sự, người này cho biết mình đang chiến đấu tại Syria và nhặt được 1 thùng tiền đô la. Vì gặp khó trong việc vận chuyển về Mỹ để tiêu thụ nên buộc phải đưa qua 1 nước trung gian ở châu Á. Người này quyết định chọn bà H. để chuyển thùng tiền về với lời hứa, sau khi kết thúc chiến tranh sẽ trở về Việt Nam để mua nhà, định cư và đón bà H. về ở cùng.

Bà H. chẳng mảy may nghi ngờ, nên sau khi có người gọi điện thoại tự xưng là nhân viên Sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết bà có thùng hàng gửi về từ Trung Đông, để nhận, phải đóng một khoản phí 40 triệu đồng vào một tài khoản ngân hàng, bà liền gom tiền gửi đủ vào tài khoản mà nữ nhân viên cung cấp. Thế nhưng, liên tiếp sau đó, lấy lý do phải nộp thêm các khoản phí khác như phí phạt vì vận chuyển đô la trái phép, phí trông giữ, phí bảo hiểm…, với số tiền nộp mỗi lần lên đến hàng trăm triệu đồng.

Hết vay mượn anh em bạn bè, cầm cố sổ đỏ đến vay nặng lãi, tính đến ngày 20/12, tổng số tiền bà H. đã chuyển lên tới 2,2 tỉ đồng. Đến lúc không có tiền để chuyển, cũng chẳng thể liên lạc được với người tự xưng là nhân viên an ninh sân bay, bà H. biết mình bị lừa nên đã làm đơn trình báo cơ quan Công an.

Cần nâng cao cảnh giác

Thiếu tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm sử dụng CNC, Phòng CSHS Công an tỉnh cho biết: Trường hợp của chị Th. và bà H. không phải là cá biệt. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Phòng CSHS xác lập 12 chuyên án về tội phạm sử dụng CNC, khám phá 10 chuyên án, bắt giữ, khởi tố, xử lý hành chính 76 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật sử dụng CNC. So với năm 2017, tăng 6 vụ, 30 đối tượng. Cơ quan Công an cũng đã tiếp nhận hơn 100 trường hợp tố giác, tin báo liên quan đến tội phạm sử dụng CNC, thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

Công an huyện Nghi Lộc bắt giữ 2 đối tượng (X) sử dụng công nghệ cao để lừa đảo tại Đà Nẵng
Công an huyện Nghi Lộc bắt giữ 2 đối tượng (X) sử dụng công nghệ cao để lừa đảo tại Đà Nẵng

Về vấn đề này, Đại tá Phạm Hoài Nam, Trưởng phòng CSHS cho biết thêm, có rất nhiều thủ đoạn mà các đối tượng tội phạm sử dụng để lừa đảo, như lừa đảo chiếm đoạt cước viễn thông; lừa đảo bằng hình thức chiếm quyền truy cập tài khoản facebook; lừa đảo truy cập bất hợp pháp vào tài khoản ngân hàng để chuyển tiền; lừa đảo bằng hình thức bán hàng qua mạng, đánh bạc bằng hình thức lô đề qua mạng viễn thông, cá độ bóng đá qua mạng…

Điển hình của thủ đoạn lừa đảo nợ cước viễn thông là trường hợp của bà Phan Khánh Ch. (SN 1960) trú tại TP Vinh. Với thủ đoạn gọi điện thoại đến nhà, thông báo bà này đang nợ cước viễn thông 8 triệu đồng, dù ra sức thanh minh rằng mình không nợ cước, bà Ch. vẫn bị các đối tượng này dẫn dắt vào một âm mưu với những lời dọa dẫm về một đường dây tội phạm xuyên quốc gia. Để rồi, bà Ch. đã phải chuyển cho những kẻ lừa đảo số tiền lên đến 256 triệu đồng. Khi sực tỉnh, bà mới nhận ra rằng, số tiền bao năm tích cóp, dành dể an dưỡng tuổi già đã không còn nữa. Bà Ch. chỉ là một trong hàng trăm nạn nhân mất số tiền lớn chỉ vì tin tưởng vào những màn kịch mà các đối tượng lừa đảo dựng lên.

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet trong những năm gần đây gia tăng về số vụ, tính chất cũng như mức độ thiệt hại gây ra. Số liệu điều tra cho thấy, các đối tượng nằm trong các đường dây này không phải là người địa phương mà phần lớn ở các tỉnh, thành khác, thậm chí có những đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan, châu Phi. Chúng sử dụng các thiết bị công nghệ kết hợp với mạng internet, mạng xã hội để lừa đảo. Nạn nhân chúng nhắm tới không phân biệt già trẻ, trai gái. Trong đó, những người hạn chế về nhận thức và hiểu biết, ít va chạm với xã hội là nhóm đối tượng dễ trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo này.

Thiếu tá Hà Huy Đức khuyến cáo, trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của mạng internet, mạng viễn thông tại Việt Nam, điều này tạo điều kiện khiến tội phạm sử dụng CNC gia tăng số lượng cùng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phòng ngừa và đấu tranh hơn. Hơn bao giờ hết, người dân phải biết tự bảo vệ mình trước những phương thức, thủ đoạn này. Bởi hiện nay, ngoài một số người mất cảnh giác thì cũng không ít nạn nhân vì quá hám lợi trước những lời hứa hẹn mật ngọt của các đối tượng phạm tội mà “sập bẫy” lừa do chúng cấu kết với nhau giăng sẵn.

Lãnh đạo Phòng CSHS khuyến cáo, tình trạng sử dụng mạng xã hội, nhất là zalo, facebook hiện nay của nhiều người đang vô tình giúp cho các đối tượng lừa đảo dễ dàng nắm bắt thông tin cá nhân của người dùng để thực hiện hành vi lừa đảo. Những vụ án như thế này, khả năng thu hồi số tiền mà các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hết sức khó khăn. Đó là chưa kể đến không ít người sau khi bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn, tâm lý rơi vào khủng hoảng, trầm cảm, không dám kể cho gia đình, người thân và bạn bè biết, cố tình giấu nhẹm nên rất khó khăn trong công tác điều tra, xử lý.

Do vậy, khi tham gia mạng xã hội, ngoài việc nâng cao tính bảo mật cho các tài khoản của mình, quá trình sử dụng người dân cũng nên thường xuyên cảnh báo, chia sẻ thông tin thủ đoạn lừa đảo đến người thân, bạn bè để mọi người chủ động phòng ngừa. Ngoài ra, khi biết mình là nạn nhân của những trò lừa đảo, cần chủ động khai báo, phối hợp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan Công an trong quá trình điều tra, khám phá, truy tìm thủ phạm.

.

Thiện Thành

.