Thứ Sáu, 15/11/2019, 08:45 [GMT+7]

Nhận diện tội phạm công nghệ cao (Bài 1)

(Congannghean.vn)-Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, các loại tội phạm lợi dụng công nghệ cao như internet, mạng viễn thông để hoạt động phạm tội diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi. Tại Nghệ An, các hành vi phạm tội công nghệ cao trong thời gian qua chủ yếu đối tượng là người ở các tỉnh thành khác gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra.

Bài 1: Muôn kiểu lừa đảo trên không gian mạng

Các đối tượng rao bán số đề lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong Chuyên án 119L bị bắt giữ tại cơ quan điều tra
Các đối tượng rao bán số đề lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong Chuyên án 119L bị bắt giữ tại cơ quan điều tra

Nhiều người “sập bẫy” lừa đảo qua điện thoại

Đã nhiều tháng trôi qua nhưng chị Lâm Thị Hằng trú tại phường Hưng Phúc, TP Vinh vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại sự việc mình bị các đối tượng giả danh Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại. “Đầu dây bên kia tự xưng là cán bộ Công an TP Hà Nội nói tôi có liên quan đến đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà cơ quan Công an đang điều tra. Trong đó tôi là người đứng tên rất nhiều tài khoản ngân hàng, sở hữu những khoản tiền lớn từ lừa đảo mà có. Tôi cũng không hiểu sao mình lại răm rắp tin theo lời của bọn chúng mặc dù mình không làm gì phi pháp cả”, chị Hằng nhớ lại.

Tin theo lời của các đối tượng, chị Hằng đã làm theo những yêu cầu của đối tượng này mà không tiết lộ với bất kỳ ai với lý do đảm bảo bí mật phục vụ công tác điều tra của cơ quan Công an. Theo đó, chị Hằng đã đến ngân hàng, chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm hơn 400 triệu đồng của mình gửi vào tài khoản mà chúng yêu cầu. Rất may chồng chị Hằng đã kịp thời phát hiện và trình báo cơ quan Công an. Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) đã kịp thời phong tỏa tài khoản ngân hàng chị vừa chuyển tiền, giữ nguyên số tiền cho chị Hằng. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn lấy lại được số tiền bị chiếm đoạt như chị Hằng.

Mạo danh cán bộ Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hình thức lừa đảo không mới. Cùng thời điểm chị Lâm Thị Hằng bị lừa, Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao, Phòng CSHS Công an Nghệ An cũng tiếp nhận rất nhiều đơn trình báo của người bị hại về việc bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự.

Thời gian qua, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra thường xuyên với nhiều thủ đoạn tinh vi. Với thủ đoạn này, các điều tra viên Đội Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao nhận định, các đối tượng là người nước ngoài hoặc định cư ở nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan) móc nối với các đối tượng người Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, nhân viên viễn thông gọi điện đe dọa, yêu cầu bị hại phải chuyển tiền vào tài khoản mà chúng chỉ định vì lý do đang liên quan đến vụ án ma túy hoặc “rửa tiền” mà lực lượng Công an đang điều tra.

Để tránh sự phát hiện của cơ quan Công an, chúng thực hiện hành vi lừa đảo thông qua giao thức truyền giọng nói qua mạng internet VOIP để giả mạo số điện thoại, gây khó khăn cho công tác điều tra. Các tài khoản mà chúng chỉ định cho bị hại đều là những tài khoản ngân hàng chúng mua và đăng ký qua dịch vụ ngân hàng điện tử (internet banking) bằng sim rác.

Thiếu tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao cho biết: “Với một sim điện thoại các đối tượng có thể đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử; trong khi đó hiện nay, công tác quản lý tài khoản ngân hàng còn lỏng lẻo, khách hàng có thể dễ dàng đăng ký tài khoản ngân hàng. Vì vậy, việc xác minh chủ tài khoản, chủ thuê bao rất khó xác định. Thậm chí, các đối tượng còn mua, thuê các tài khoản trên mạng, chúng lợi dụng tài khoản của những người đang học tập, lao động ở nước ngoài. Sau khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà chúng chỉ định, các đối tượng chuyển tiền tay đôi qua tài khoản đã thuê, mua để lực lượng Công an không thể xác minh”.

Năm 2017, Đội Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao từng triệt phá một đường dây lừa đảo bằng hình thức này. 3 đối tượng trong đường dây này đều là người ở tỉnh Thái Nguyên gồm Phạm Đình Luận, Phạm Đình Phi và Nguyễn Hữu Thu. Thông qua việc sử dụng giao thức truyền giọng nói qua internet (VOIP), hiển thị số điện thoại “ảo” có đầu số trùng với đầu số 113 của Công an, các đối tượng này đã thực hiện trót lọt 5 vụ lừa đảo tại Nghệ An, Vũng Tàu, chiếm đoạt hơn 3 tỉ đồng. Đến nay, cơ quan Công an mới chỉ bắt được 2 đối tượng Phạm Đình Luận và Nguyễn Hữu Thu và ra quyết định truy nã đối với Nguyễn Đình Phi.

Mạo danh chiếm đoạt tiền tỉ trên không gian mạng

Tại Nghệ An, từ cuối năm 2014 đến nay, Phòng CSHS đã tiếp nhận, xác minh và xử lý hơn 60 vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, nổi lên là thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Đây được xem là thủ đoạn lừa đảo phổ biến nhất diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi. Trong đó tình trạng lừa đảo qua điện thoại mạo danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, nhân viên bưu điện là kịch bản không mới nhưng lại khiến nhiều người “sập bẫy”. Bên cạnh đó, các đối tượng còn hack các tài khoản mạng xã hội như zalo, facebook, sau đó sử dụng các tài khoản này mạo danh lừa đảo nạn nhân thông qua việc nhờ nạp thẻ điện thoại, vay tiền. Đã có 20 trường hợp bị các đối tượng đánh cắp tài khoản facebook, zalo để lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng.

Thiếu tá Hà Huy Đức cho biết thêm: Các đối tượng còn chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản ngân hàng điện tử nhằm lấy mã OTP để thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của bị hại, sau đó chiếm đoạt tiền. Ngoài ra, nhiều đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để rao bán các mặt hàng như làm giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả, các mặt hàng nhập lậu như xe máy…, yêu cầu các đối tượng đặt cọc tiền sau đó chiếm đoạt. Đối với hình thức này, cơ quan Công an rất khó xác minh vì các đối tượng sử dụng tài khoản ảo, sim rác, chưa kể người bị hại mặc dù bị lừa nhưng không dám trình báo cơ quan Công an.

Mạng xã hội là nơi mọi người có thể kết nối bạn bè khắp muôn phương nhưng lại chính là nơi để những đối tượng ẩn danh lừa đảo. Đầu năm 2019, Phòng CSHS tiếp nhận hàng chục đơn trình báo của các nạn nhân về việc bị đối tượng người nước ngoài quen trên mạng xã hội lừa đảo, chiếm đoạt với số tiền lớn. Đáng chú ý, tất cả nạn nhân đều là phụ nữ, những người có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, đã ly hôn, góa chồng. Nắm được điểm yếu của những người phụ nữ này, các đối tượng đã hứa hẹn yêu đương, vẽ ra cuộc sống hạnh phúc trong tương lại nhằm đưa các nạn nhân vào các trò lừa đảo tinh vi. Tin vào những lời đường mật của người yêu ngoại quốc, nhiều phụ nữ đã không một chút mảy may nghi ngờ, chi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng nộp phí để nhận những kiện hàng từ nước ngoài về. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 10 phụ nữ bị chiếm đoạt hơn 4 tỉ đồng từ trò lừa đảo này.

Cũng với thủ đoạn mạo danh, nhưng một nhóm đối tượng là thanh niên ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã cấu kết thiết lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mạo danh nhân viên Công ty xổ số rao bán công khai kết quả lô đề.

Mới đây nhất, Phòng CSHS phá thành công Chuyên án 119L, bắt 8 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức này. Cơ quan Công an đã chứng minh số tiền các đối tượng lừa đảo là 26 tỉ đồng. Thủ đoạn của chúng là mạo nhận các chuyên gia phân tích kết quả số lô, số đề, sử dụng các trang mạng xã hội lập ra dịch vụ soi cầu, lấy số, bạch thủ lô đề với giá từ 1 triệu đến hàng chục triệu đồng. “Con mồi” mà chúng nhắm đến là các đối tượng có máu đỏ đen, ham mê cờ bạc, lô đề.

Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố 8 đối tượng, 8 vụ án khác nhau để điều tra. Hiện nay, chuyên án này vẫn đang tiếp tục được điều tra mở rộng. Theo tiết lộ của điều tra viên, qua công tác nắm tình hình, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu vẫn còn khoảng 100 đối tượng hoạt động lừa đảo bằng hình thức lừa đảo như trên, tập trung tại các xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Mỹ, Ngọc Sơn, Quỳnh Bá, thị trấn Cầu Giát…

(còn nữa)

.

Huyền Thương

.