Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//binh-yen-xu-nghe/201710/nhung-bong-hoa-dep-cua-cong-an-nghe-an-762925/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//binh-yen-xu-nghe/201710/nhung-bong-hoa-dep-cua-cong-an-nghe-an-762925/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những 'bông hoa đẹp' của Công an Nghệ An - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 20/10/2017, 09:48 [GMT+7]

Những 'bông hoa đẹp' của Công an Nghệ An

(Congannghean.vn)-Dọc theo chiều dài lịch sử của Công an tỉnh Nghệ An, những thắng lợi vẻ vang trên mọi lĩnh vực của ngành đều có hình ảnh của những nữ chiến sỹ CAND. Phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, họ đã, đang và sẽ mãi là những “bông hoa” ngát hương thơm trong “vườn hoa” Công an Nghệ An.

1. Đại úy Võ Thị Liên, Phó Đội trưởng Đội Căn cước công dân (CCCD) - Phòng Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an tỉnh luôn tâm niệm, học theo Bác từ những điều nhỏ nhất để hoàn thiện mình. Đại úy Võ Thị Liên là một tấm gương tiểu biểu trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của lực lượng Công an tỉnh nhà. Xác định được nhiệm vụ của mình, dù ở bất kỳ bộ phận nào, chị đều luôn nỗ lực để hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Từ năm 2012 đến tháng 9/2015, chị công tác tại Đội Hộ khẩu - chứng minh nhân dân (CMND). Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, rõ ràng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều lần chị phát hiện các trường hợp cố ý làm sai, khai man, tráo người làm giả CMND với ý đồ xấu, giúp kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật.

Đại úy Võ Thị Liên luôn tận tụy với công việc
Đại úy Võ Thị Liên luôn tận tụy với công việc

Bản thân chị luôn năng nổ cùng với CBCS trong Đội trực tiếp đến bệnh viện, nhà dân làm thủ tục cấp phát CMND cho nhiều trường hợp bị bệnh nặng, ốm đau, già yếu và hàng trăm thương binh nặng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh 4, làm hồ sơ cấp CMND cho các phạm nhân được đặc xá vào dịp 2/9 tại các trại giam trên địa bàn. Công việc ở Đội Hộ khẩu - CMND luôn tất bật, người dân đến làm đều mong muốn nhanh chóng được giải quyết các thủ tục, vì thế, trong suốt thời gian công tác, chị luôn làm việc theo phương châm “hết việc mới hết giờ”; đồng thời, tham gia trực tiếp dân “ngày thứ 7, chủ nhật vì dân”.

Tháng 9/2015, chị được bổ nhiệm Phó Đội trưởng Đội CCCD. Đội tuy không trực tiếp chiến đấu trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm nhưng có những khó khăn mang tính chất đặc thù. Ở vị trí mới, bản thân chị đã không ngừng học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của các đồng chí đi trước để hoàn thiện mình hơn. Chủ động hướng dẫn anh em trong Đội sắp xếp hồ sơ, tài liệu một cách khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công tác tra cứu.

Tất bật với công việc là vậy nhưng chị luôn làm tốt vai trò Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Phòng QLHC về TTXH và được Ban chấp hành Hội Phụ nữ Công an tỉnh đánh giá cao. Chị cùng với các hội viên đề ra các hoạt động hưởng ứng nhân ngày lễ của ngành, đơn vị; tổ chức nhiều đợt hoạt động xã hội từ thiện, động viên, chia sẻ với nhiều hoàn cảnh khó khăn; vận động chị em thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, tích cực tham gia các phong trào phụ nữ như: “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân phục vụ”, “Hướng về phụ nữ, trẻ em nghèo”, “Rèn luyện phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

2. Thượng úy Trần Thị Thanh Huyền, Đội trưởng Đội Văn phòng Đảng, Phòng Công tác Đảng và Công tác quần chúng tốt nghiệp ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, Học viện Báo chí và tuyên truyền năm 2010. Cơ duyên khoác trên mình bộ quân phục CAND đến khi vào năm 2010, Học viện An ninh nhân dân tuyển dụng giảng viên với yêu cầu tốt nghiệp ngành Xây dựng Đảng. Với tấm bằng đỏ và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị đã vượt qua các vòng loại để được nhận vào công tác tại Trường.

Thượng úy Trần Thị Thanh Huyền (đứng giữa) tại lễ bảo vệ luận án tiến sĩ
Thượng úy Trần Thị Thanh Huyền (đứng giữa) tại lễ bảo vệ luận án tiến sĩ

Năm 2013, chị chuyển công tác về Phòng Công tác Đảng và Công tác quần chúng của Công an tỉnh Nghệ An, lúc này chị đã hoàn thành bằng thạc sĩ và tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học. Về công tác tại Công an tỉnh, được sự ủng hộ và tạo điều kiện của Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh và lãnh đạo Phòng, chị đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài: Giáo dục đạo đức người Công an cách mạng cho sinh viên các trường đại học, học viện thuộc lực lượng CAND khu vực phía Bắc nước ta hiện nay.

Theo chị Huyền, vấn đề đạo đức, giáo dục đạo đức là vấn đề đang được quan tâm lớn trong bối cảnh đạo đức xã hội đang xuống cấp trầm trọng hiện nay. Điều này đã được nói nhiều trong các văn kiện đại hội Đảng gần đây, đặc biệt là Đại hội XII của Đảng. Đối với lực lượng CAND là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì vấn đề đạo đức cách mạng lại vô cùng quan trọng. Đây chính là lý do khiến chị lựa chọn đề tài này làm luận án tiến sĩ, với mong muốn tìm ra được những hạn chế của công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho lực lượng CAND hiện nay, đồng thời đưa ra được những giải pháp để khắc phục. Thượng úy Trần Thị Thanh Huyền là nữ tiến sĩ đầu tiên của Công an Nghệ An. Với những kiến thức được học và nghiên cứu, chị đã vận dụng một cách sáng tạo và khoa học vào công việc, nhận được sự đánh giá cao của đồng nghiệp và cấp trên.

Bên cạnh công tác chuyên môn và việc học tập nghiên cứu, chị Huyền vẫn luôn làm tròn thiên chức của người mẹ, người vợ, người xây tổ ấm trong gia đình. Để làm tròn hai vai, chị luôn sắp xếp công việc một cách khoa học, lên lịch trình rõ ràng: Công việc trước mắt, công việc lâu dài, việc gì cần ưu tiên làm trước, việc gì làm sau, việc gì có thể làm đan xen với nhau. Đối với chị, tập trung cho công việc của đơn vị được ưu tiên hàng đầu, khi có thời gian rảnh mới tự mình lên lịch học cho bản thân. Bên cạnh đó, sự thấu hiểu, đồng cảm của chồng và người thân đã giúp chị luôn chủ động sắp xếp công việc và làm tốt bổn phận người xây tổ ấm.

3. Đại úy Nguyễn Thị Liên, cán bộ quản giáo Trại Tạm giam Công an Nghệ An là người đã có thâm niên trên 30 năm làm nhiệm vụ quản giáo, trong đó nhiều năm canh giữ tử tù ở Trại Tạm giam. Công tác quản lý, giáo dục cải tạo can phạm nhân có những đặc thù với nhiều khó khăn, phức tạp do môi trường công tác, tính chất công việc và đối tượng quản lý. Bình quân, mỗi quản giáo nữ ở Trại Tạm giam phải quản lý gần 60 can phạm nhân nữ, với tính chất tội phạm, thành phần lứa tuổi, đặc điểm tâm lý, mức độ phạm tội  khác nhau. Để nắm bắt được tâm lý của các can phạm nhân, chị Liên đã không còn là một quản giáo mà giống như người chị, người mẹ, cùng tâm sự những vui buồn, chia sẻ nỗi nhớ nhà, nhớ con với họ. Đặc biệt, đối với những nữ tử tù thì chị phải dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng người.

Quản giáo Nguyễn Thị Liên thường xuyên trò chuyện để nắm bắt tâm lý của can phạm nhân
Quản giáo Nguyễn Thị Liên thường xuyên trò chuyện để nắm bắt tâm lý của can phạm nhân

Suốt 30 năm làm quản giáo, những kỷ niệm khó quên của chị phần lớn là do những tử tù mang lại. Bất cứ ai, phàm đã là con người thì khi đứng trước cái chết đều run sợ và có những diễn biến tâm lý bất thường, suy nghĩ tiêu cực. Khi mới vào phòng biệt giam, do hối hận với những việc mình đã làm, không ít người bị kích động, hoảng loạn la hét cả đêm khiến chị không dám chợp mắt để làm công tác tư tưởng cho họ. Để đảm bảo an toàn cho tử tù không có những hành vi tự sát, trốn trại, mỗi buổi sáng sau khi kiểm tra số lượng can phạm nhân trong buồng giam, chị đi đến từng phòng biệt giam để trò chuyện nhằm sớm phát hiện sự thay đổi về tâm lý của các tử tù.

Nếu không phải những người trực tiếp làm công việc quản giáo thì bất kỳ ai đều nghĩ đây là công việc đòi hỏi một con người nguyên tắc, cứng nhắc, nhưng ít ai biết rằng, công việc của chị đâu phải chỉ giam giữ, không để các can phạm nhân trốn trại, mà điều quan trọng là quản lý, giáo dục để họ nhận ra lỗi lầm, tích cực cải tạo. Chị làm công việc quản giáo với tấm lòng bao dung của một người chị, người mẹ. Bằng sự nhân hậu trong công tác quản lý, trông giữ phạm nhân, chị đã cảm hóa và mang lại cuộc đời mới cho biết bao con người.

.

Phương Thủy

.