Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201301/25598-vui-buon-o-lang-xuat-ngoai-393050/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201301/25598-vui-buon-o-lang-xuat-ngoai-393050/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Vui, buồn ở làng “xuất ngoại” - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 18/01/2013, 08:00 [GMT+7]
25598

Vui, buồn ở làng “xuất ngoại”

Xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc đã khiến nhiều người phải kinh ngạc với sự “thay da đổi thịt” từng ngày nhờ xuất khẩu lao động (XKLĐ). Từ một làng quê thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu trông chờ vào thu hoạch đồng áng, cuộc sống vô cùng khó khăn, giờ đây, mỗi năm người dân xã Nghi Vạn thu về hàng chục triệu USD nhờ XKLĐ. Tuy nhiên, con đường XKLĐ không phải bao giờ cũng “trải hoa hồng”, bên cạnh những người may mắn làm ăn khá giả, có không ít trường hợp cầm cố nhà cửa để đi nhưng lại rơi vào kết cục cay đắng…
 
Nhà nhà đi XKLĐ
Một cán bộ xã Nghi Vạn dẫn chúng tôi đi trên những con đường rải nhựa ở xóm Đồng, xóm Làng, xóm Nam Kỳ La (ba xóm có nhiều người đi XKLĐ nhất xã). Những ngôi nhà mái ngói lụp xụp, được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng, biệt thự khang trang nối tiếp nhau. Cạnh đó có vô số những ngôi nhà đang xây dựng dở.
 
“Khoảng chục năm trở lại đây, những người trẻ tuổi trong làng thi nhau đi XKLĐ… Ở lại là những người trung niên, người già và trẻ nhỏ. Hầu như nhà nào có người đi XKLĐ cũng có đầy đủ tiện nghi như ti vi màn hình phẳng, tủ lạnh, điều hòa, xe ga cùng với nhiều thiết bị, đồ dùng sinh hoạt hiện đại trong nhà”, vị cán bộ này tự hào cho biết.
 
Đến ngôi nhà 4 tầng khang trang đang trong giai đoạn hoàn thiện của bà Cao Thị Bính, chúng tôi thật sự choáng ngợp bởi sự hoành tráng và sang trọng của căn nhà. Thấy có khách đến chơi, bà Bính hồ hởi khoe. “Cuộc sống bây giờ ngày trước tôi chẳng dám mơ. Ngày mong kiếm đủ miếng cơm là thấy vui lắm rồi. May nhờ có con đi XKLĐ. Chúng nó gửi tiền về hàng tháng, tích góp rồi mới xây được căn nhà gần 5 tỷ này đấy”.
 
Bà Bính kể: trước gia đình bà nghèo lắm, sống bằng nghề nông, sau đó làm thêm lò gạch nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng, không kiếm đủ tiền để nuôi con cái ăn học tử tế. Lúc bấy giờ, thấy anh em trong họ có người đi XKLĐ cuộc sống rất sung sướng nên năm 2008, ông bà quyết định vay ngân hàng 250 triệu đồng cho người con trai cả “mở màn” đi XKLĐ sang Pháp làm phục vụ nhà hàng với mong ước được đổi đời.
 
Những tòa nhà cao tầng khang trang nhờ XKLĐ ở Nghi Vạn
 
Nhờ làm ăn chăm chỉ, gặp được ông chủ nhà hàng tốt bụng nên sau hai năm anh này gửi được tiền về trả hết nợ ngân hàng. Số tiền sau đó dư ra, gia đình lại tiếp tục vay mượn cho anh thứ hai, con dâu, con rể đi XKLĐ. Các con làm việc thuận lợi, gia đình bà Bính từ chỗ nghèo khó, dần dần đã có của ăn của để và nay trở thành “đại gia” có tiếng trong làng. “Người đi trước kéo người đi sau, hiện nay gia đình tôi có đến 5 người con (con trai, gái, dâu, rể) ở các nước châu Âu. Một tháng, chúng nó gửi ít nhất 3.000 EURO về nước để bố mẹ chi tiêu và gửi tiết kiệm”, bà Bính cho biết.
 
Theo bà Bính, chuyện XKLĐ giờ đã trở thành một phong trào rộng khắp làng xóm. Trước cuộc sống chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Nhưng nhờ đi XKLĐ mà vật chất giàu lên, đời sống tinh thần được cải thiện.
 
Theo nhiều người dân ở xã Nghi Vạn, giàu dạng như gia đình bà Bính đếm không xuể. Trước kia, những người dân nơi đây chịu thương chịu khó làm ăn, đầu tắt mặt tối chăm lo cho vài sào ruộng, vất vả là vậy mà cuộc sống cũng chỉ tạm đủ ăn. Còn bây giờ đã hoàn toàn khác. Có gia đình cùng lúc có cả 8, 9 người con đi XKLĐ. Tiền gửi về rất nhiều, có người bỏ cả mấy chục tỷ đồng để xây nhà thờ họ, tiền gửi ngân hàng thì vô kể, nhiều gia đình từ nông dân chân đất đã trở thành những tỷ phú với nhiều bất động sản tại TP Vinh. Chuyện xây nhà lầu, mua xe sang là quá đỗi bình thường…
 
May nhờ, rủi chịu
Việc hàng trăm người dân xã Nghi Vạn tham gia XKLĐ đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho mỗi gia đình, song có không ít người phải về nước trước thời hạn do đi XKLĐ “chui”, nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần không có khả năng thanh toán, vợ chồng chia ly…
 
Nhà bà Phạm Thị Hân có ba người con đi XKLĐ tại Ănggôla đã gần 3 năm. Trong khi những người hàng xóm đi XKLĐ về xây những ngôi nhà cao tầng hoành tráng thì ba ngôi nhà của con bà nằm lọt thỏm ở giữa, xiêu vẹo, nhếch nhác vô cùng.
 
Có ba người con đi XKLĐ nhưng ước mơ xây được căn nhà mới của bà Hân quá xa vời
 
Bà nói trong nước mắt: “Khổ lắm, ai cũng tưởng tui có 3 đứa con đi XKLĐ là tiền phải nhiều lắm, nhưng thực tế có đồng nào đâu. Với mong ước đổi đời, gia đình các con tui đã phải “còng lưng” vay nóng mỗi đứa gần 200 triệu đồng, thông qua một người môi giới để đi. Thời gian đầu, chủ có trả được vài tháng lương, sau đó, cứ đến mỗi kỳ lương, con tui đòi tiền thì họ không chịu trả mà còn đe dọa sẽ báo công an vì không có giấy tờ, đi XKLĐ “chui”. Sợ quá, nên mấy đứa phải trốn ra ngoài để tìm công việc khác. Giờ số tiền vay lãi mẹ đẻ lãi con, gia đình tôi không biết tính sao nữa”.
 
Tương tự, chị Trần H. có chồng là M.V.C đi nước ngoài được hơn 2 năm. Thời gian đầu chồng chị gửi về 700-800 USD/ tháng, tuy nhiên gần 6 tháng nay chưa gửi về đồng nào. “Chồng tôi gọi về chỉ nói gặp nhiều khó khăn, muốn về nhà lắm rồi nhưng còn nợ nần quá nhiều nên không dám về”, chị H cho biết.
 
Để chồng có cơ hội xuất ngoại, gia đình chị Trần Thị O. đã “vay nóng” gần 7.000 USD. Đi 3 năm nhưng chồng chị gửi tiền về khi có, khi không. Chị O. cho biết: Hồi trước chồng còn gửi tiền về đều đặn nên cố gắng cải tạo lại ngôi nhà, ai ngờ đang xây dở thì đột ngột ngừng nên căn nhà chưa kịp trát da.
 
“Giờ tôi lo lắm, thời gian đầu chồng còn làm ăn được, nhưng giờ không biết cuộc sống bên đó thế nào. Anh không có tiền điện thoại về nhà, nên thỉnh thoảng nháy máy để gia đình gọi sang nói chuyện. Giờ tiền vay nóng vẫn còn đó, tôi không có việc làm ổn định, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, một nách 3 đứa con nên phải cố gắng cầm cự”.
 
Theo chị O, anh T. chồng chị cũng bị chủ ngược đãi, dọa báo công an nước sở tại vì đi XKLĐ “chui”. Hồi đó, chồng chị đi thông qua một người môi giới ở TP.Vinh, không biết công ty đưa đi là ai, không có hợp đồng, cam kết… thậm chí khi đưa tiền, họ chỉ ký nhận ngày giờ nhận tiền chứ không ghi rõ mục đích nhận tiền là gì nên giờ công việc của chồng chị gặp khó khăn, chị không biết kêu ai, không thể tìm ra người đó.
 
Ông Thái Văn Sỹ, Phó bí thư Đảng ủy xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc cho biết: Từ 1995, xã đã có người đi XKLĐ, nhưng từ năm 2000 trở lại đây rộ lên phong trào đi XKLĐ rất nhiều. Toàn xã có khoảng 8.500 nhân khẩu với hơn 500 lượt người đi XKLĐ (nữ chiếm 1/3), chủ yếu sang các nước Đài Loan, Malaysia, Pháp, Anh, Ba-lan, Ănggôla…
 
Trong đó, tập trung ở xóm Đồng, xóm Làng, Nam Kỳ La. Nhờ XKLĐ mà bộ mặt xã có nhiều khởi sắc. Hàng năm, người dân thu về hàng chục triệu USD. Người dân ở đây đi XKLĐ chủ yếu theo ba con đường chính: khoán gọn cho những "đường dây môi giới", "đường dây gia đình" và đi theo những công ty làm ăn uy tín, được Nhà nước cấp phép.
 
Theo ông Sỹ, dẫu biết rằng, XKLĐ là hướng đi mang lại hiệu quả lớn nhưng hệ lụy của nó cũng tiềm ẩn nhiều bất cập. Do muốn thu nhập nhiều, công việc nhẹ nhàng nên người dân có xu hướng đi các nước Châu Âu nên không ít người đã tìm đến con đường XKLĐ “chui”.
 
Năm 2011, xã đã có vài trường hợp bị công an nước sở tại bắt giữ và trả về vì nhập cư trái phép. “Xã luôn khuyến khích và đẩy mạnh phong trào đi XKLĐ, tuy nhiên bà con nên đi qua con đường chính ngạch, có uy tín và được Nhà nước cấp phép. Đối với những trường hợp rủi ro khi đi theo con đường này, khi trở về xã sẽ đứng ra can thiệp để ngân hàng giãn nợ, tạo điều kiện việc làm cho họ”, ông Sỹ khẳng định.

Quỳnh Mai
.