Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201302/25988-noi-luu-giu-gia-tri-van-hoa-thai-392772/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201302/25988-noi-luu-giu-gia-tri-van-hoa-thai-392772/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nơi lưu giữ giá trị văn hóa Thái - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 09/02/2013, 09:00 [GMT+7]
25988

Nơi lưu giữ giá trị văn hóa Thái

Cây cầu treo nối liền hai bờ sông Lam, chỉ cách cây cầu nhưng con người và phong tục tập quán hoàn toàn khác nhau. Hữu ngạn bên này dân tộc kinh sinh sống, Bên kia tả ngạn là bản làng người dân tộc Thái, nơi còn lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Ấy là bản Bộng thuộc xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn. Bản là 1 trong 4 đơn vị đầu tiên của tỉnh Nghệ An được công nhận là “bản, làng văn hóa”.
 
Bản Bộng, bản văn hóa
Thuở xa xưa, bản Bộng nằm tách riêng trong rừng sâu. Năm 1960, người dân nơi đây chuyển ra bờ sông an cư lạc nghiệp. Cuộc sống vốn thiếu thốn, đường sá đi lại ngày ấy khó khăn, ngày lên nương làm rẫy, tối giã gạo, thêu thùa vẫn không đủ ăn. Ngày chưa có cây cầu bắc qua, con em trong bản đến trường phải vất vả đi học bằng thuyền rất nguy hiểm mỗi lần mưa lũ.
 
Chính vì vậy, không khó hiểu mỗi năm con em trong bản phải bỏ học giữa chừng. Tình trạng mù chữ là nỗi ám ảnh với những người dân đồng bào dân tộc nơi đây. Dẫu vậy, theo thời gian mặc dù còn đó những khó khăn, bản Bộng vẫn vươn lên đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu, vẫn giữ được những giá trị văn hóa của dân tộc mình.
 
Anh Lô Ánh Hồng, một người con của bản hiện là Phó Bí thư Đảng ủy xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn cho biết: Bản Bộng hiện nay có 210 hộ, 617 khẩu, đều là dân tộc Thái. Năm 1997, bản được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là “Bản, làng văn hóa”. Đến với bản Bộng hôm nay đã khởi sắc trông thấy, hai bên đường mía bạt ngàn đang đến mùa thu hoạch.
 
Nhờ tiếp thu khoa học kỹ thuật, người dân đưa giống lúa lai vào sản xuất đạt năng suất cao. Những hàng tre mét (luồng) nối dài tít tắp, đây là nguồn doanh thu chủ đạo. Hiện nay, đã có trên 300 ha tre mét, nhờ vậy, cuộc sống của bà con dân bản đã khấm khá lên. Điện lưới đã về với bản. Hôm nay, bên ánh đèn điện, bên bếp lửa hồng, các thế hệ quây quần bên nhau chuyện trò rôm rả, ấm cúng, ngập tràn yêu thương.
 
Ông Lô Văn Quyết bên bộ chiêng của dòng họ
 
Từ ngày có cây cầu nối hai bờ, con em trong bản được đến trường, không còn cái cảnh lo âu của người cha, người mẹ mỗi bận lũ về. Bản Bộng đã có 1 cán bộ y tế chăm lo công tác vệ sinh phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Là người dân tộc, nhưng chị em trong bản thường hay bảo ban nhau thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
 
Từ năm 1993, bản Bộng không có người sinh con thứ 3, phong trào xây dựng nếp sống văn hoá, gia đình văn hóa sôi nổi trong từng hộ gia đình. Về với bản Bộng, điều mà chúng tôi ngỡ ngàng, đây là một trong những bản làm tốt công tác tự quản. 8 tổ tự quản được thành lập, sinh hoạt định kỳ vào tối thứ 5, đã giải quyết được mọi vướng mắc, va chạm hàng ngày xảy ra trong mỗi gia đình. Mọi tệ nạn xã hội dần được xóa bỏ, tình đoàn kết xóm làng, tính tương thân tương ái ngày càng phát triển.
 
Trước đây, việc ma chay diễn ra 2 đến 3 ngày, hủ tục đó nay đã bị xóa bỏ, thay vào đó là một lễ tang nghiêm trang đúng nghi thức dân tộc nhưng gọn nhẹ, văn hóa và tiết kiệm. Việc cưới xin từ chỗ vô cùng cầu kỳ và tốn kém, nay hầu hết đều do Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ đứng ra tổ chức. Hôn lễ được diễn ra tại hội trường của bản trong không khí tươi vui, lịch sự. Tục xôi, thịt, rượu chè từ 2 đến 3 ngày, có khi hàng tuần lễ để cúng mỗi khi bị ốm đau, bệnh tật hoàn toàn chấm dứt.
 
Lưu giữ nét văn hóa dân tộc
Chỉ qua cây cầu treo, đã thấy được nét khác biệt giữa người dân tộc Thái và người dân tộc Kinh. Vẫn còn đó những ngôi nhà sàn đặc trưng của người Thái. Chị em phụ nữ vẫn trong trang phục của dân tộc mình. Đầu chít khăn đen, mặc váy, với họ đó là điều thiêng liêng nhất của người phụ nữ.
 
Phụ nữ Thái ở bản Bộng miệt mài với nghề dệt thổ cẩm
 
Người con gái trước ngày đi lấy chồng được mẹ tặng cho một chiếc váy đã ấp ủ dệt nên cả năm trời, chiếc váy chứa đựng trong đó tình cảm của tình mẫu tử. Năm tháng trôi qua, bên khung cửi, chị em vẫn miệt mài dệt nên những chiếc váy, khăn choàng, rồi thêu những hoạ tiết bắt mắt, rất được nhiều người ưa chuộng.
 
Chị Mạc Thị Hường, một người dân trong bản cho biết: “Hiện nay, có trên 40 hộ còn lưu giữ khung cửi. Chị em trong bản vẫn thường bảo ban nhau phải giữ lấy cái nghề của dân tộc mình. Ngày còn thơ bé, nhìn bà, nhìn mẹ dệt vải rồi từ đó cứ thế mà làm. Chẳng ai bảo ai, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia vẫn giữ được cái nghề cha ông xưa để lại”. Ngoài lưu giữ nghề, đây còn là một trong những nguồn thu nhập chính của chị em phụ nữ bản Bộng.
 
Trong tiết trời se lạnh của những ngày sang Xuân, vang vọng đâu đó điệu hát lăm khắp, xuôi, nhuôn của các bà, các mẹ. Bản Bộng hôm nay vẫn còn lưu giữ được những điệu hát từ thuở xa xưa ấy. Tiếng hát ấm, trầm vang lên cùng với tiếng khèn, tiếng sáo tạo thành một bản nhạc Xuân làm say đắm lòng người.
 
Mế Lô Thị Hương, mế Lô Thị Mai, ông Lô Văn Quyết... là những người còn lưu giữ được những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Từng tham gia liên hoan văn hóa văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ 1, mế Lô Thị Hương vinh dự đạt giải A với điệu khắp “Bản Mường ơn Đảng”. Hay như già làng Lương Quế, một người có biệt tài thổi sáo, mỗi lần tiếng sáo vút lên mê hoặc lòng người.
 
Theo chân một người bạn, chúng tôi có mặt tại nhà ông Lô Văn Quyết, người lưu giữ bộ chiêng của dòng họ cũng là lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Năm nay đã 74 tuổi nhưng ông vẫn minh mẫn tiếp chuyện chúng tôi. Hiện, ông Quyết là tộc trưởng của dòng họ Lô và cũng là già làng ở bản Bộng. Ngay tại căn nhà sàn của mình, ông gọi mời chúng tôi bởi âm thanh của tiếng chiêng. Lúc trầm, lúc bổng, lúc réo rắt, lúc khắc khoải như thôi miên.
 
Bộ chiêng cổ là của dòng họ Lô đã có trên 200 năm. Bộ chiêng gồm 4 chiếc với kích thước khác nhau, được đúc với kỹ thuật điêu luyện, khi đánh lên âm thanh khác lạ, lôi cuốn lòng người. Bộ chiêng gồm đầy đủ chiêng mẹ, chiêng cao, chiêng ót và chiêng lá. “Bộ chiêng được xem là báu vật của dòng họ, của gia đình và của bản. Dẫu đôi lúc khó khăn nhưng tôi vẫn không bán nó. Nó là hồn văn hóa của dân tộc Thái chúng tôi” - ông Quyết chia sẻ.
 
Với bộ chiêng này cùng với nhiều bộ cồng chiêng khác trong bản đã từng đưa ra phục vụ cho bản đón nhận đơn vị văn hóa cấp tỉnh. Vào những ngày lễ đặc biệt như Tết Trung thu, Tết Nguyên đán... cả bản Bộng bừng lên trong các điệu hát khắp, xuôi, lăm, nhuôn, cùng uống rượu cần thả hồn mình bởi tiếng sáo du dương, tiếng cồng chiêng réo rắt.
 
Là điển hình của phong trào xây dựng nếp sống văn hóa vùng cao, vùng dân tộc ít người, bản Bộng trở thành địa chỉ quen thuộc đối với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Anh Sơn và tỉnh Nghệ An. Tháng 7/2000, bản Bộng vinh dự được đón đoàn đại biểu của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” Trung ương do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin dẫn đầu về thăm.
 
Chia tay bản Bộng khi sương chiều đã thấm lạnh, bà con dân bản đang hối hả từ nương rẫy trở về. Vậy là Xuân này, bà con dân bản lại có một cái Tết yên ấm, no đủ. Bà con bản Bộng tiễn khách bằng một lời mời: Mùa Xuân này mời cô ghé lại nơi đây để cùng uống rượu cần, vui hội ném còn. Dập dìu bên điệu nhảy sạp cùng hòa trong câu khắp, câu nhuôn, bên tiếng cồng chiêng đón mừng năm mới...

Phan Tuyết
.