Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201302/26320-noi-ghi-dam-dau-an-tinh-huu-nghi-viet-lao-392515/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201302/26320-noi-ghi-dam-dau-an-tinh-huu-nghi-viet-lao-392515/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nơi ghi đậm dấu ấn tình hữu nghị Việt - Lào - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 22/02/2013, 08:27 [GMT+7]
26320

Nơi ghi đậm dấu ấn tình hữu nghị Việt - Lào

Nhưng một dấu ấn lịch sử khác ít ai biết, đó là nơi nghỉ dưỡng của đồng chí Cayxỏn Phômvihản và có một lãnh tụ cao cấp của Đảng nhân dân Cách mạng Lào là con nuôi ở đây.
Kỷ niệm thân thương
Sở dĩ có việc vị lãnh tụ kính mến của nhân dân Lào về đây nghỉ dưỡng là bắt nguồn từ mối giao tình đặc biệt giữa gia đình đồng chí Hồ Hữu Lợi và đồng chí Cayxỏn. Ông Hồ Hữu Lợi nguyên là Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An được điều sang giúp nước bạn Lào. Khi làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân sự Tây Lào, ông Lợi nhiều lần trực tiếp làm việc với đồng chí Cayxỏn, lúc đó là Phó chủ tịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Chính phủ kháng chiến Lào do hoàng thân Xuphanuvông làm Chủ tịch.
 
Họ trao đổi công việc, tương trợ lẫn nhau, coi nhau như anh em ruột. Cũng trong những năm đó, bà Hồ Thị Hoàng Én (vợ ông Lợi) được điều sang làm cố vấn cho vợ đồng chí Cayxỏn là Bí thư đoàn thanh niên Lào. Vì vậy quan hệ giữa hai gia đình càng đặc biệt và mật thiết.
 
Ngôi nhà nơi Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản nghỉ dưỡng nay đã xuống cấp
Năm 1952, khi biết tin đồng chí Cayxỏn được Đảng và Chính phủ ta mời sang Việt Nam an dưỡng, vợ chồng ông Lợi đề xuất với Chính phủ và mời đồng chí Cayxỏn về thăm nhà, đồng thời nghỉ dưỡng. Chủ tịch Cayxỏn đến quê biển Quỳnh Lưu với một hành trang cực kỳ gọn nhẹ, đi theo chỉ có 2 người Lào, một bảo vệ và một cần vụ.
 
Họ được ông Lợi đưa về nhà anh ruột mình là ông Hồ Tịnh, vừa rộng rãi kín đáo, vừa sát biển rất tốt cho sức khoẻ. Mọi việc nấu nướng, cảnh giới, liên lạc đều do bà Trương Thị Yến (vợ ông Tịnh) một người đảm đang sắc sảo đảm nhận. Bà con địa phương chỉ biết có ba người bạn Lào của ông Lợi “về chơi”.
 
Hai người không thạo tiếng Việt nên ít nói. Người nhiều tuổi nhất (tức Chủ tịch Cayxỏn) vui tính hay chuyện trò với mọi người bằng tiếng Việt và nói tiếng Việt rất sõi. Hàng ngày, đồng chí Cayxỏn thường đi quanh vùng hỏi han, trò chuyện với mọi người thân thiết như những người bạn, người anh em. Nhiều lần, ông xin ngư dân thử đóng thuyền, quẳng lưới, làm nước mắm, ngồi khung thử dệt vải.
 
Ông còn tha thiết xin theo thuyền ra khơi đánh cá. Sáng nào, đồng chí Cayxỏn cũng dậy sớm ra bãi biển tập thể dục, chạy, tắm biển và trèo núi để rèn luyện sức khỏe và ngắm cảnh. Mỗi buổi ban mai, ông thích đứng trên bãi cát phóng tầm mắt về phía ngọn núi Đầu Rồng hùng vĩ uy nghi, thả hồn theo những cánh chim chấp chới bay về phía chân trời. Những buổi hoàng hôn, bà con bắt gặp ông ngồi lặng hàng giờ nhìn ra biển cả, chắc ông đang nhớ đến quê hương và đồng bào mình chưa được hưởng tự do, độc lập.
 
Trong cuộc sống thường nhật, đồng chí Cayxỏn có tác phong sinh hoạt rất giản dị, thích ăn các món địa phương như cá tươi luộc, cá nấu dấm, cá nướng và thưởng thức vị đậm đà mặn mòi của nước mắm Phú Sơn. Những đêm trăng sáng, đồng chí nắm tay các em nhỏ cùng nhảy vòng tròn, tập cho các em từng bài hát, dạy các em múa lăm vông và kể chuyện cho các em nghe. Bài hát đồng chí Cayxỏn dạy cho các em mang tên "Kháng chiến".
 
Chuyện ông kể các em nghe nhiều nhất là về Bác Hồ, dặn các em phải nhớ làm theo 5 điều Bác dạy. Mỗi lần nhắc đến Bác, giọng ông trầm xuống tha thiết tôn kính, cảm phục và thương yêu. Ai cũng nghĩ, chắc ông “làm to” như ông Lợi được gần Bác Hồ nên mới biết nhiều chuyện về Bác như vậy. Ông thích nhất là những lúc được các cụ già mới ăn trầu, hút thuốc lào hoặc cùng các lão ngư nhâm nhi tý rượu đế người dân tự cất đóng chai nút bằng lá chuối khô rót vào cái chén hạt mít. Ông bảo, rượu này ngon hơn các loại rượu ngoại nhiều.
 
Gần 1 tháng ở làng biển Tiến Thủy, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã có những phút giây được nghỉ ngơi, thư giãn và nhận được trọn vẹn sự đùm bọc, chở che, yêu thương của già trẻ, gái trai trong làng. Tuy nhiên, Tổ quốc Lào đang từng ngày từng giờ mong đợi ông, cuộc kháng chiến chống Pháp đang trong giai đoạn cam go rất cần tay người chèo lái. Vì vậy, khi sức khỏe vừa bình phục, ông vội sắp xếp trở về Tổ quốc. Nghe tin đó, dân làng ào đến bịn rịn tay nắm tay không muốn rời ra. Họ tặng ông vài chai nước mắm đầu nõ (nước mắm cốt), ít chai rượu đế nút lá chuối khô. Ông ôm lấy từng người cảm động, rưng rưng…
 
“Chúng tôi là anh em”
Ở Tiến Thuỷ, bà con luôn tự hào nhắc lại câu chuyện đã được đăng trong cuốn “Bài ca XaMaKhi” do liên hiệp các tổ chức hội hữu nghị Việt - Lào xuất bản. Đó là khoảng vào đầu thập niên thế kỷ 20, ông Tạ Quang Châu một người con thành đạt của quê hương Tiến Thuỷ có ga-ra sửa chữa ôtô tại thành phố Vinh kiêm nghề buôn bán xe cũ từ Việt sang Lào và ngược lại.
 
Một hôm, khi chạy xe qua thị xã Thakhek, ông Châu thấy một sỹ quan Pháp đánh một thanh niên Lào rất tàn nhẫn, mọi người đứng nhìn không ai dám can thiệp. Ông liền dừng xe tiến đến hỏi: “Sao ông lại đánh anh ta”. Nghe cách phát âm tiếng Pháp rất chuẩn, lại thấy thái độ chững chạc của ông, tên lê dương khự lại trả lời: “Nó là lái xe của tôi. Xe hỏng, nó sửa mãi không nổ làm trễ công vụ”.
 
Ông Châu nghiêm giọng: “Nó lái xe có thể chỉ biết sửa chữa vặt thôi, lái xe cũng là người, không phải nô lệ, ông nên nhớ điều đó. Tôi sẽ sửa xe cho ông”. Ông Châu xắn tay áo chui vào xe xem xét, 30 phút sau, ông sửa xong, xe chạy tốt. Tên sỹ quan trầm trồ thán phục rồi đột ngột hỏi: “Ông người Việt, nó người Lào lại là kẻ làm thuê, sao ông bênh vực nó”. Ông trả lời gọn “Vì chúng tôi là anh em”, tên lính lê dương ngẩn người không hiểu.
 
Ông Châu quay sang ghé tai trao đổi bằng tiếng Lào với người lái xe rồi chia tay. Một thời gian sau, anh lái xe được ông Châu đón về Vinh làm trong xưởng kèm cặp thành người thợ giỏi và buôn bán xe cũ.
 
Tuy nhiên, đó chỉ là vỏ bọc để anh thanh niên tiếp cận học hỏi đường lối kháng chiến của Việt Nam, đồng thời tích cóp của cải vật chất cho cuộc kháng chiến lâu dài nhằm dành tự do độc lập cho quê hương Lào. Đó chính là đồng chí NuHắc Phumxavẳn (Nouhak phoumsavan), sau này là Chủ tịch nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào (1992 - 1998).
 
Cũng chính những năm này, ông Nuhắc gặp và nên duyên vợ chồng với bà Nguyễn Thị Lan, một cán bộ cách mạng Việt Nam, tô dệt thêm mối tình thắm thiết Việt Lào. Năm 1953, khi nhận được tin anh Lê Quang Hợp con trai duy nhất của ông Châu là bộ đội tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trong một trận đánh Pháp trên đất Lào, ông NuHắc vô cùng đau xót, xin được làm lục liêng (tức con nuôi) của gia đình ông Châu. Lúc đó, ông Nuhắc đang là Bộ trưởng Bộ Kinh tế và tài chính trong Chính phủ kháng chiến Lào Itxara.
 
Muôn đời keo sơn
Vào một ngày đầu Xuân rét cắt da cắt thịt, chúng tôi về xã Tiến Thuỷ tìm đến ngôi nhà, nơi trước đây Chủ tịch Cayxỏn nghỉ dưỡng. Thật may mắn khi dù đã 60 năm trôi qua nhưng nơi đây vẫn nguyên như cũ. Ngôi nhà ngói 3 gian thiết kế kiểu cổ vẫn đứng vững nhờ có 2 vì gỗ lim chắc chắn dù tường vôi đã lở loác, mái ngói tiêu điều theo thời gian. Cái giếng đào nơi ông tắm giặt vẫn còn, cây thị cổ thụ nơi ông ngồi hóng mát và cùng các cháu nhỏ chơi đùa, ghế ông ngồi và chiếc gường ông nằm còn đó như một dấu ấn về quan hệ thuỷ chung son sắt của tình hữu nghị Việt - Lào.
 
Tự hào vì quê hương ghi dấu ấn hai vị lãnh tụ nước bạn Lào, lại đã từng chiến đấu trên đất Lào những năm đầu thập kỷ 50, năm 2007, cụ Bùi Công Chính (86 tuổi) cùng anh ruột mình là Bùi Công Thịnh nguyên trưởng đoàn thanh niên quân tình nguyện Việt Nam tại Lào đã thành lập “Ban liên lạc những người tham gia cách mạng Lào” ra mắt ngày 26/9/2007 gồm 12 người.
 
Dần dần, tổ chức này mở rộng thành phần bao gồm: Quân tình nguyện trực tiếp chiến đấu, dân công hoả tuyến, doanh nhân đang hợp tác tại Lào, lưu học sinh Lào đang học tại Nghệ An và học sinh, sinh viên cùng những người yêu mến đất nước hoa chăm pa tươi đẹp. Ban liên lạc mở rộng hoạt động, liên hệ với Hội hữu nghị Việt Lào Nghệ An, đại sứ quán Lào tại Hà Nội. Tết Bun Pi May của Lào năm 2009, 50 người cả Lào lẫn Việt hội tụ về xã Tiến Thuỷ đến thăm nơi Chủ tịch Lào dừng chân và gia đình đồng chí Nuhắc làm con nuôi. Đêm ấy, các lưu học sinh Lào (Đại học Vinh) cùng các bạn Việt nắm tay nhau hát vang bài ca “kháng chiến” mà Chủ tịch Cayxỏn dạy từ năm 1952 và cùng hoà chung điệu múa Lăm Vông.
 
Sau khi được ông Thái Văn Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Lào Nghệ An chấp nhận, ngày 14/12/2010, “Chi hội hữu nghị Việt - Lào Tiến Thuỷ” chính thức ra mắt gồm 57 thành viên, trong đó có bà Tạ Thị Lương con gái ông Tạ Quang Châu, em nuôi đồng chí Nuhắc Phumxavẳn và bà Hoàng Thị Tuyết, trở thành chi hội thứ 7 của Liên hiệp Hội hữu nghị Việt - Lào Nghệ An.
 
Đôi điều trăn trở
Hiện nay, ông Lợi, bà Én, ông Châu đều đã mất, ngôi nhà cũ do con dâu của gia đình là bà Hoàng Thị Tuyết ở. Các kỷ vật mà Chủ tịch Cayxỏn dùng gia đình vẫn giữ nguyên và đem dùng hàng ngày. Chiếc ghế chủ tịch ngồi đã gãy mất 3 song được thay vào 3 song mới. Cái giếng ghép đá ong còn đó nhưng bị lấp 1/2 không còn nước. Nhà đã xuống cấp, nếu gia đình có điều kiện họ sẽ phá đi làm nhà mới bởi không ai bảo họ phải giữ lại.
 
Cụ Bùi Công Chính trăn trở: “Tôi đã liên hệ với Viện bảo tàng Xô Viết, họ về thăm nhưng chưa thấy hồi âm, nếu cứ thế này thì dần dần các kỷ vật sẽ mai một hết”. Còn ông Hồ Hoàng Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Tiến Thuỷ tâm sự: “Nếu cấp trên cho kinh phí, nhân dân Tiến Thuỷ sẽ tôn tạo, giữ gìn, xây dựng thành một khu lưu niệm”.
 
Năm tháng qua đi, dòng Mê Kông có khi vơi khi đầy, mặt trăng có khi mờ khi tỏ, nhưng tình hữu nghị Việt - Lào mãi mãi trường tồn rực cháy muôn đời. Nó không những được thắp lên từ tình bạn trong sáng thuỷ chung son sắt giữa hai dân tộc, mà còn được xây từ những mối tình quốc tế của những chàng trai, những cô gái, những gia đình, những miền quê mà Tiến Thuỷ là một điển hình.

Nguyễn Đình Lộc
.