Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201401/manh-ghep-cua-nhung-so-phan-lam-lo-441893/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201401/manh-ghep-cua-nhung-so-phan-lam-lo-441893/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Mảnh ghép của những số phận lầm lỡ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 16/01/2014, 14:09 [GMT+7]

Mảnh ghép của những số phận lầm lỡ

(Congannghean.vn)- Họ từng một thời chỉ vì phút nông nổi, lầm lỡ để rồi phải trả giá cho hành vi của mình khi cuộc đời còn rất trẻ. Thời gian ở tù, qua bao nhiêu cái xuân xanh, những mảnh ghép cuộc đời đã không thể hoàn thiện được. Nhưng khi trả án xong, họ lại khao khát được làm lại từ đầu bằng chính ý chí, nghị lực của mình. Những người mà tôi muốn nói ở đây đang xây dựng cuộc sống hạnh phúc bên vợ, con ngay trên chính mảnh đất mà mình đã từng “gắn bó” cải tạo tại Trại giam số 3 (Bộ Công an) ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ.

1. Ngày còn là cán bộ của ngành hàng hải, Phạm Văn Trắng (SN 1958) ở xã Tiên Tiến, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) được người dân vô cùng cảm phục bởi ý chí vươn lên của anh. Cũng như bao lớp trai làng khác, năm 18 tuổi, Trắng lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc. Đến năm 1979, anh xuất ngũ trở về địa phương và theo học lớp Kỹ thuật vận hành tàu biển rồi phục vụ trong ngành hàng hải tại Hải Phòng. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, anh trai là liệt sỹ thời kỳ chống Mỹ nên Trắng sớm tu chí làm việc để tích cóp xây dựng cho mình một tổ ấm riêng tại quê nhà.

Vợ chồng ông Phạm Văn Trắng hạnh phúc bên nhau

Nếu không có cái ngày định mệnh vào cuối tháng 7/1980, khi Trắng ra tay sát hại người chị dâu thứ 2 của mình chỉ vì sự nông nổi của tuổi trẻ, thì giờ anh cũng có một cuộc đời tươi sáng hơn. Ngày gặp chúng tôi gần đây, Trắng tâm sự, bây giờ nếu được quay lại thời kỳ đó, anh cũng đã khác rồi. Trắng còn nói rằng, chỉ vì quá thương bố mẹ nên khi chị dâu lời qua, tiếng lại xúc phạm thân sinh của mình, Trắng đã không kiềm chế được hành vi.

Cuối năm 1980, Phạm Văn Trắng bị TAND TP Hải Phòng tuyên phạt án chung thân. Kể từ đó, ngã rẽ cuộc đời của chàng trai tuổi 22 còn phơi phới xuân xanh đã phải trả giá bằng chuỗi ngày tù tội. Sau khi Tòa án phán xét tội danh, Phạm Văn Trắng được đưa đi cải tạo tại Trại giam Hoành Bồ (Quảng Ninh) một năm, sau đó chuyển vào Trại giam số 3 (Bộ Công an) đóng tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Đến ngày cận kề Tết Nguyên đán năm 1997, nhờ cải tạo tốt, Trắng được giảm án rồi ra tù trước thời hạn.

Ra tù, Phạm Văn Trắng vừa mừng, vừa buồn. Giáp Tết Nguyên đán năm 1997, xe cộ về Hải Phòng quê anh ngày đó không dễ dàng như bây giờ. Ở lại xã Nghĩa Dũng, người vợ bây giờ - cô giáo làng ngày nào, đã chấp nhận hy sinh tất cả để đến với một người từng tù tội, với Phạm Văn Trắng là sự động viên để anh làm lại cuộc đời. Hiện tại, anh Phạm Văn Trắng và chị Nguyễn Thị Nhật đã có với nhau 1 đứa con và sống hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ gần Trại giam số 3. Tuy chị Nhật sức khỏe đã yếu dần do ảnh hưởng của chất độc da cam ngày còn là nữ thanh niên xung phong phục vụ tại nước bạn Lào, còn anh Trắng tóc đã ngả màu, nhưng hàng ngày họ vẫn quấn quýt, yêu thương nhau.

2. Năm 1974, Hồ Văn Thuyết quê ở xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, bị tuyên phạt 20 năm tù vì tội Giết người, phải vào cải tạo tại Trại giam số 3, Bộ Công an khi đã ở tuổi 27. Trong thời gian cải tạo, do tự ý mang mìn ra sông đánh cá nên Thuyết bị cụt một tay và bị tuyên phạt thêm 7 năm tù. Năm 1986, nhờ cải tạo tốt, Thuyết được đặc xá trước thời hạn. Qua mai mối, Hồ Văn Thuyết xây dựng gia đình với một người con gái quê ở huyện Đô Lương được 2 năm, nhưng rồi sau đó người vợ cũng bỏ đi.

Ảnh minh họa

Chán nản, phó mặc tất cả cho số phận, Hồ Văn Thuyết trở lại xã Nghĩa Dũng, nơi mình từng cải tạo, làm thuê cho bà con trong vùng. Vào rừng, lên non, bất kể việc gì, Thuyết cũng chăm chỉ làm những mong số phận sẽ đổi khác. Rồi một lần cùng đi phát rừng thuê, tình cờ Thuyết quen chị Vi Thị Ngân (SN 1965), quê xã Nghĩa Dũng. Chị Ngân là người bản địa, đã qua một lần đò, có 2 người con riêng. Năm 1999, Thuyết cưới chị Vi Thị Ngân về làm vợ. Sau 2 năm sống trong ngôi nhà nhỏ nằm xa trung tâm xã Nghĩa Dũng, anh Thuyết và chị Ngân cũng có với nhau 1 người con trai đặt tên là Hồ Văn Lưu.


Nói về cuộc đời của mình, người đàn ông với khuôn mặt khắc khổ, năm nay đã ngoài 60 tuổi vẫn chưa thể quên được tội lỗi của một thời tuổi trẻ nông nổi. Bây giờ, bên cạnh người bạn đời, Hồ Văn Thuyết đã có các con riêng của vợ và con ruột của mình, hàng ngày sống cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng luôn tràn ngập hạnh phúc.

3. Từng là sỹ quan phục vụ trong quân đội với cấp hàm trung úy, nhưng chỉ vì lòng lam, nghĩ cạn mà Bàn Tuấn Thái (SN 1952) quê xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng bị tuyên phạt 20 năm tù giam vì tội Hủy hoại tài sản. Mất quyền công dân, công danh, sự nghiệp đều mất khi Thái mới 30 tuổi đời. Ngày bị bắt, Thái đã có vợ và đứa con trai đầu lòng chưa đầy 2 tuổi. Một năm sau, Bàn Tuấn Thái được đưa đi cải tại tại Trại giam số 3, Bộ Công an. Khi chồng đi tù chưa đầy 2 năm, người vợ của Thái đã đi bước nữa với người đàn ông khác.

Những ngày ở tù, đặc biệt khi biết tin vợ mình lấy chồng khác, Thái mất hết niềm tin, trở nên bi quan, chán nản. Nhờ sự động viên, quan tâm của cán bộ trại giam. Bàn Tuấn Thái cố gắng vượt qua nỗi đau tinh thần, quyết tâm cải tạo tốt để mong sớm có ngày được ra trại, làm lại cuộc đời. Tháng 7/1997, Bàn Tuấn Thái được tha tù trước thời hạn 5 năm. Tháng 7, tiết trời xứ Nghệ mưa ngâu rả rích, con đường trở về quê hương của Thái lầy lội, nhơ nhoét. Sau bao năm trả án, Bàn Văn Thái trở về Cao Bằng thì cha mẹ không còn nữa, anh em cũng ly tán, hy vọng còn đứa con trai là niềm động viên sum họp cuối cùng cũng bỏ xứ ra đi.

Chán nản, không còn lối thoát, Bàn Tuấn Thái lại xách ba lô quay trở lại mảnh đất Nghĩa Dũng như muốn “nhập trại” một lần nữa. Và, cũng chính tại nơi này, Thái làm đủ nghề mưu sinh rồi cuối cùng cũng tìm được bạn đời cho mình là chị Trần Thị Hoa, người con gái thôn quê ít hơn anh 10 tuổi. Bỏ qua mặc cảm, vượt lên số phận, 2 người đến với nhau trong một đám cưới đơn sơ, giản dị.

Bây giờ, họ đã có với nhau 2 người con gái đang học cấp 2. Ngày đi làm đủ mọi việc, tối về, họ lại quây quần đầm ấm trong ngôi nhà cấp 4 cùng hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Quá khứ không muốn nói nhiều, nhưng từ trong sâu thẳm lòng mình, ông vẫn không nguôi khát khao được gặp lại người con trai đầu của mình đã xa cách trọn 30 năm nay. Còn với người vợ thứ 2 này, với ông vừa là một ân nhân, vừa là một người bạn tri âm, tri kỷ giúp mình làm lại cuộc đời.

Vĩ thanh

Còn rất nhiều số phận như ông Trắng, ông Thuyết, ông Thái từng phạm sai lầm phải cải tạo tại Trại giam số 3, rồi ngày trả án xong, họ quyết tâm ở lại mảnh đất này để hoàn thiện mảnh ghép cho cuộc đời mình. “Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại”, câu nói mang hàm nghĩa nhân văn ấy đã giúp những người tù tội sớm hối cải để làm lại cuộc đời.

Nhưng, trong những mảnh ghép hoàn lương ấy, nếu không có những người phụ nữ, người vợ như chị Nguyễn Thị Nhật, chị Vi Thị Ngân, chị Trần Thị Hoa và nhiều người đồng cảm khác nữa ở xã Nghĩa Dũng thì số phận hoàn lương, hướng thiện của những người mà tôi đề cập trong bài viết này sẽ không biết đoạn kết sẽ như thế nào?!

Như chính lời xác nhận của ông Hoàng Đình Tâm - Trưởng Công an xã Nghĩa Dũng, hầu hết những người ở nơi khác sau khi cải tạo tại Trại giam số 3 rồi quyết tâm ở lại gây dựng cuộc sống, làm lại cuộc đời, họ đều tu chí làm ăn, sống có tình, có nghĩa. Hoàn lương, hướng thiện thật sự chưa muộn nếu họ vẫn còn khao khát mưu cầu hạnh phúc.
 

.

Ngọc Thái