Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201402/nghi-luc-cua-mot-nguoi-tat-nguyen-450061/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201402/nghi-luc-cua-mot-nguoi-tat-nguyen-450061/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nghị lực của một người tật nguyền - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 12/02/2014, 09:17 [GMT+7]

Nghị lực của một người tật nguyền

(Congannghean.vn)-Sinh ra là một cậu bé khỏe mạnh với nhiều hoài bão, thế nhưng tai nạn bất ngờ ập đến đã cướp đi đôi chân lành lặn, khiến cho mọi ước mơ tan biến. Song, bằng nghị lực phi thường, giờ đây anh không chỉ có một công việc ổn định mà còn có thể gánh vác trọng trách của một người chồng, người cha. Anh là tấm gương điển hình về sự nỗ lực vượt khó cho rất nhiều người tại vùng quê nghèo.

Số phận nghiệt ngã

Đó là trường hợp anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1980) ở xóm 16, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, bố là liệt sĩ, Hùng sống cùng mẹ và em gái. Sớm mất bố, nên từ nhỏ Hùng đã có tính tự lập rất cao. Ngoài giờ lên lớp, Hùng  thường cùng em gái ra đồng mò cua bắt ốc kiếm thêm tiền học. Lớn lên, cũng như bao bạn bè cùng lứa khác, Hùng cũng nuôi ước mơ thi đại học. Năm 2000, anh làm hồ sơ thi và đậu vào Trường Đại học Thể dục Thể thao, với ước mơ sau này trở thành thầy giáo dạy học.

Anh Nguyễn Văn Hùng với công việc hằng ngày của mình
Anh Nguyễn Văn Hùng với công việc hằng ngày của mình

Tuy nhiên, do hoàn cảnh quá khó khăn, một mình mẹ không đủ sức nuôi cả hai anh em cùng học nên Hùng đành phải gác con đường học tập của mình lại, vào Nam làm việc phụ giúp mẹ và nuôi em gái ăn học, với dự định sau này có điều kiện sẽ đi học lại.

Người tính không bằng trời tính, khi cuối năm 2006, trong khi đang làm việc, một tai nạn lao động bất ngờ xảy ra đã khiến cho đôi chân của anh thành tàn phế, teo cơ không thể đi lại được. Hơn một năm nằm viện, số tiền mà gia đình vay mượn để chạy chữa cho anh đã lên đến gần 200 triệu đồng. Từ một chàng thanh niên khỏe mạnh, ham hoạt động, giờ đôi chân không di chuyển được là một cú sốc lớn đối với Hùng. Anh đã suy sụp rất nhiều khi biết mình phải mang tật nguyền suốt đời. Nhưng rồi, chứng kiến sự đau khổ của mẹ, sự lo lắng của em gái, anh tự ý thức rằng, mình không thể là một kẻ tật nguyền vô dụng. Vì thế, sau khi ra viện được vài tháng, anh xin phép mẹ cho mình theo học nghề sửa chữa điện dân dụng.

Đứng lên bằng đôi chân tật nguyền

Sau hơn một năm học nghề tại trung tâm, khi đã vững tay nghề, Hùng trở về nhà kiếm kế mưu sinh. Anh khởi đầu bằng hai bàn tay trắng và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Cảm nhận được sự nỗ lực của anh, một người quen thương tình đã cho mượn một gian nhà nhỏ để anh lấy chỗ hành nghề sửa chữa điện dân dụng. Những vật dụng như quạt, tivi trong gia đình bị cháy hay bị hỏng, người dân thường tìm đến anh nhờ vả. Với đôi tay khéo léo, những món đồ hư hỏng vào tay anh đều trở nên như mới. Thương tình người dân cùng cảnh nghèo khó, số tiền công anh nhận sau khi đã sửa thành công các món đồ rất ít. Ngày ngày, dù mưa hay nắng, người ta vẫn thấy một chàng trai tật nguyền cần mẫn làm việc. Chính bởi sự cần cù, chịu khó, ki-ốt sửa chữa của Hùng ngày càng có nhiều khách tìm đến, nhờ đó, anh có một nguồn thu nhập ổn định.

Đầu năm 2010, Hùng đem lòng yêu thương và quyết định tiến tới hôn nhân với chị Trương Thị Yến, một cô gái hiền lành kề làng. Khi biết con gái mình có ý định lấy Hùng, gia đình chị đã hết sức ngăn cấm vì sợ anh không thể chăm sóc được cho vợ con sau này. Mặc cho sự can ngăn ấy, chị Yến vẫn quyết định làm vợ Hùng, chăm sóc chu đáo cho anh. Năm 2010, gia đình Hùng nằm trong diện gia đình chính sách nên được chính quyền ưu tiên hỗ trợ xây dựng một ngôi nhà khang trang. Với quyết tâm cùng nhau vượt lên số phận, cùng với ít vốn dành dụm được, anh chị đã vay mượn mở được một cửa hàng tạp hóa nhỏ và một cửa hàng sửa chữa đồ dân dụng, còn chị Yến thì chăm mấy sào ruộng, chăn nuôi để tăng thêm thu nhập.

Hiện, hai vợ chồng anh đang sống rất hạnh phúc và đã có với nhau hai mặt con. Khi hỏi về dự định trong tương lai, Hùng cho biết, đang có ý định học nâng cao tay nghề để có thể sửa chữa thêm điện lạnh. Nhưng mong muốn lớn nhất của anh chính là sớm đưa được hài cốt của người bố liệt sĩ về chôn cất ở quê nhà để tiện bề chăm sóc. Ẩn sau câu nói ấy là ánh mắt đượm buồn xa xăm… Hy vọng rằng, chính quyền địa phương sẽ có chính sách hỗ trợ để anh sớm có thể hoàn thành tâm nguyện của mình.

.

Đào Phan - Đan Phượng