Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201406/chung-tay-xoa-bo-bao-luc-xam-hai-tre-em-491059/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201406/chung-tay-xoa-bo-bao-luc-xam-hai-tre-em-491059/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chung tay xóa bỏ bạo lực, xâm hại trẻ em - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 01/06/2014, 08:48 [GMT+7]

Chung tay xóa bỏ bạo lực, xâm hại trẻ em

Nhức nhối tình trạng trẻ em bị bạo lực

Ảnh minh họa

Trong những năm qua, nhiều chính sách và chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em được ban hành nhằm thực hiện quyền trẻ em, giải quyết tình trạng bạo lực, xâm hại đối với trẻ em. Việc phòng, chống bạo lực đối với trẻ em đang được chú trọng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp xã hội. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hải Hữu - Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, vấn đề trẻ em bị bạo lực và lạm dụng vẫn rất nhức nhối. Theo thống kê, riêng 2 năm 2008-2009, trên 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã xảy ra đến 2.260 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Năm 2010 cũng ngót nghét 919 vụ, trung bình mỗi năm có 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Số vụ hiếp dâm trẻ em chiếm gần 66%. Tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em đặc biệt nghiêm trọng và đáng báo động về sự suy đồi đạo đức như hiếp dâm tập thể, hiếp trẻ em dưới 15 tuổi, hiếp rồi giết trẻ em, thầy giáo xâm hại học sinh. Thậm chí có một số vụ việc mang tính loạn luân như cha dượng hiếp con riêng của vợ, cha đẻ xâm hại con ruột trong thời gian dài.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận đã phải bàng hoàng và phẫn nộ trước không ít vụ bạo hành trẻ em tàn độc và dã man. Điều khiến xã hội sửng sốt và đau lòng hơn là nhiều vụ xâm hại và bạo lực tàn bạo lại do chính bố mẹ, người thân ruột thịt trong gia đình các em gây ra. Cách đây không lâu, tháng 3/2014, dư luận vô cùng phẫn nộ trước câu chuyện đắng lòng, cậu bé Đỗ Doãn Lộc mới 8 tuổi (Bắc Ninh) đã bị chính tay bố đẻ dùng điếu cày đánh đập dẫn tới tử vong. Hay trước đó, Nguyễn Văn Lam (SN 1983, ở thôn 1, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắc Lắc) đã nhẫn tâm đánh 3 con gái chỉ vì mất một bao hồ tiêu khô 20kg, dẫn tới cái chết của cháu Nguyễn Thị H. (SN2002)...

Thực trạng trên khiến xã hội không khỏi bức xúc bởi trẻ em là đối tượng còn non nớt cần được xã hội bảo vệ. Đáng buồn hơn là các cơ quan quản lý nhận định, số lượng các vụ bạo hành thống kê được đưa ra mới chỉ là mỏm nổi của tảng băng chìm mà thôi. Con số thực tế chắc chắn còn cao hơn nhiều. Nguyên nhân có sự chênh lệch này là do công tác quản lý chưa chặt chẽ, nhiều vụ bị che giấu do tâm lý mặc cảm của gia đình nạn nhân hoặc không tố giác vì có sự thỏa thuận bồi thường giữa hai bên.

Theo các nhà quản lý, một trong những lý do khiến tình trạng bạo hành trẻ em diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua là vì sự hiểu sai quan niệm “thương con cho roi cho vọt”. Với lối biện minh “con hư thì cha mẹ phải dạy”, hay “con tôi sinh ra tôi có quyền đánh”, nhiều bậc làm cha, làm mẹ đã tự cho mình cái quyền được dạy dỗ con cái bằng bạo lực. Nhận thức không đầy đủ cũng khiến nhiều người, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố… coi chuyện trẻ bị đánh đập “là việc riêng của nhà người ta”, không quan tâm.

Ngoài việc nhận thức về xâm hại trẻ em của cộng đồng còn thấp, điểm yếu hiện nay là chúng ta có nhiều luật nhưng vẫn không bảo vệ được trẻ em bởi thiếu quy định chặt chẽ, chế tài xử phạt nhiều khi không tương xứng với hành vi bạo lực cần xử lý. Ông Đặng Đức San – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, theo kết quả rà soát các văn bản luật hiện hành thì có tới 22 đạo luật có liên quan đến quyền trẻ em như: Bộ luật Lao động; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự; Luật Chăm sóc sức khỏe nhân dân; Luật Khám chữa bệnh; Luật Xử lý vi phạm hành chính... Ngoài ra, chúng ta còn có Công ước quốc tế về quyền trẻ em và các Điều ước quốc tế mà nước ta phê chuẩn, gia nhập là các nguồn pháp luật quan trọng giúp cho việc tổ chức, thực hiện pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên ông nhận xét, luật nhiều nhưng hạn chế là có nhiều quy định mang tính nguyên tắc, còn phải nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện, gây hạn chế trong quá trình thi hành Luật.

Ngoài ra, hệ thống giám sát, bảo vệ trẻ em hoạt động chưa hiệu quả, thiếu nhân lực; việc phát hiện, tố giác tội phạm, quy trình tiếp nhận và bảo mật thông tin, bảo vệ nhân chứng trong các vụ việc liên quan đến trẻ em cũng chưa được quy định cụ thể... cũng là những nguyên nhân khiến tình trạng trẻ em bị bạo lực và lạm dụng diễn biến phức tạp.

Cần giải pháp quyết liệt để bảo vệ trẻ em

Bạo hành trẻ em không chỉ gây thương tích về mặt thể xác mà còn gây cho các em nhỏ sự sang chấn rất nặng về tinh thần. Đây là tổn thương tuy không giám định, đo đếm được song lại ảnh hưởng rất nặng nề. Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, bởi vậy mà việc tìm ra các biện pháp để ngăn chặn, phòng ngừa và bảo vệ để các em thoát khỏi nạn bạo hành là rất quan trọng.

Ảnh minh họa

Như thường thấy, khi việc đã xảy ra thì các cơ quan chức năng sẽ giải quyết bằng cách khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam khẩn cấp những người vi phạm. Cần phải nhận thức rằng trừng trị không giải quyết được tận gốc vấn đề, mà quan trọng hơn là tuyên truyền, giáo dục, làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình.

Ông Nguyễn Hải Hữu cho rằng, để bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn trong thời gian tới, cần hướng tới những giải pháp chủ yếu như thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội để giảm bớt gánh nặng mưu sinh, từ đó các gia đình sẽ có cơ hội chăm sóc con cái nhiều hơn, giảm nguy cơ trẻ em bị bỏ mặc. Song song với đó là tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm của nhà trường, cộng đồng và chính bản thân trẻ em trong việc phòng ngừa những hành vi xâm hại. Đồng thời cần quan tâm và củng cố hệ thống cán bộ, hệ thống dịch vụ chăm sóc trẻ em; xây dựng cơ sở dữ liệu, bám sát trẻ có nguy cơ cao, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt...

Bộ LĐ-TB&XH cũng đã đề xuất khi sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cần bổ sung thêm những quy định về bảo vệ trẻ em, nhằm tăng khả năng phòng, ngừa, ngăn chặn các nguy cơ xâm hại, bạo lực trẻ em; quy định rõ các thủ tục và quy trình phòng ngừa, trợ giúp và giải quyết các trường hợp bị xâm hại, bạo lực đối với trẻ em; bổ sung quy định cụ thể về hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, các cơ sở trợ giúp trẻ em...

Bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng bạo hành, lạm dụng là vấn đề không của riêng ai mà là trách nhiệm chung của cộng đồng, của toàn xã hội. Mỗi năm, chúng ta đều tổ chức chương trình Tháng hành động vì trẻ em. Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề là “Hành động vì một xã hội không bạo lực và không xâm hại trẻ em” là dịp phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại, bóc lột để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, được phát triển toàn diện

.

Nguồn: dangcongsan.vn