Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201507/trung-tam-cai-nghien-khat-nguoi-nghien-620390/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201507/trung-tam-cai-nghien-khat-nguoi-nghien-620390/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Trung tâm cai nghiện… 'khát' người nghiện! - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 04/07/2015, 10:31 [GMT+7]

Trung tâm cai nghiện… 'khát' người nghiện!

(Congannghean.vn)-Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị định 221 của Chính phủ về việc đưa người nghiện ma túy vào cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm, do vướng thủ tục pháp lý nên số đối tượng nghiện được đưa vào rất ít. Tại các trung tâm cai nghiện trên địa bàn hiện nay đều vắng bóng các học viên, nguyên nhân không phải là do số người nghiện giảm mà vì vướng thủ tục pháp lý, dẫn đến những hệ lụy khó lường. 
 
Nghịch lý trung tâm cai nghiện… “khát” người nghiện
 
Theo thống kê, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 7.279 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó có 849 người nghiện ma túy phát hiện mới, 1.967 người tái nghiện, 5.884 người nghiện ma túy có mặt tại cộng đồng và 1.163 đối tượng đang cai nghiện tại cộng đồng và các trung tâm giáo dục lao động xã hội, cùng với 223 người tại các trại tạm giam. Có 376 trong số 480 xã, phường tại 21 huyện, thành, thị có người nghiện ma túy.
Tại Trung tâm Giáo dục LĐXH 2 Nghệ An, dãy nhà ở cho học viên cai nghiện đang bị bỏ trống vì không có học viên
Tại Trung tâm Giáo dục LĐXH 2 Nghệ An, dãy nhà ở cho học viên cai nghiện đang bị bỏ trống vì không có học viên
Thời gian qua, công tác cai nghiện và quản lý sau cai trên địa bàn đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, khi triển khai theo Nghị định 221 thì việc đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc gần như không thực hiện được, vì vậy, nhiều trung tâm cai nghiện hiện nay gần như “vườn không nhà trống”, dẫn đến nghịch lý cán bộ trung tâm nhiều hơn cả học viên cai nghiện. 
 
Tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội 2 Nghệ An, chỉ tiêu 6 tháng đầu năm là 140 học viên nhưng đến nay, chỉ mới tiếp nhận được 19 học viên, trong đó có 14 học viên tự nguyện, chỉ có 5 hồ sơ đến theo tinh thần Nghị định 221. Với quy mô 300 học viên, nhưng hiện nay, chỉ có khoảng 50 học viên nên cơ sở vật chất được đầu tư hàng chục tỉ đồng đang rất lãng phí. Khu ở của học viên hiện chỉ sử dụng một nhà, còn khu đối diện gần như bỏ trống. Việc thiếu vắng học viên cai nghiện dẫn đến nhiều hoạt động khác như lao động, dạy nghề cũng bị ngưng trệ. Trước đây, mỗi năm, Trung tâm khai giảng từ 2 - 3 lớp dạy nghề, nhưng từ đầu năm đến nay, việc dạy nghề buộc phải dừng lại, bởi theo quy định, để mở lớp, phải có trên 35 học viên.
 
Ông Đào Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội 2 Nghệ An cho biết: Theo quy định, các đối tượng nghiện sử dụng Methadone thì không thuộc diện cai nghiện bắt buộc, song trên thực tế, các đối tượng nghiện hiện nay đều nghiện cả ma túy lẫn Methadone. Do vậy, việc áp dụng theo Nghị định mới vô hình trung sẽ “bỏ lọt” đối tượng. Ngoài ra, trước đây, trình tự lập hồ sơ chỉ do ngành Công an, sau đó Chủ tịch UBND cấp huyện, thành, thị ra quyết định, nhưng nay tòa án mới là cấp cuối cùng đưa ra quyết định nên thủ tục rất rắc rối. Hệ quả là trung tâm vắng học viên, nhiều ngành nghề mũi nhọn như cơ khí hàn, điện dân dụng, mây tre đan, giấy vàng mã… nay đã phải tạm dừng đào tạo vì không đủ học viên.  
 
Vướng đủ đường!
 
Tương tự, tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội TP Vinh, tính đến thời điểm này cũng chỉ có 30 học viên cai nghiện, phần lớn trong số này là cai nghiện tự nguyện. Ông Nguyễn Xuân Toàn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội TP Vinh cho biết: Trước khi Nghị định 221 có hiệu lực thì mỗi năm, thành phố đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc khoảng 200 đối tượng. Tuy nhiên, từ khi Nghị định có hiệu lực, thành phố mới chỉ đưa được 1 trường hợp đi cai nghiện tập trung. 
 
Ông Đào Xuân Lục, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết, năm 2014, toàn tỉnh chỉ mới đưa được 159 đối tượng vào trung tâm cai nghiện bắt buộc, đạt tỉ lệ 29%. Ngoài ra, để người nghiện ma túy cắt cơn, phải trải qua một quá trình tương đối dài, cần sự chung tay của cộng đồng. Nghị định 221 lại quy định thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ có 3 tháng. Đây là khoảng thời gian quá ngắn để có thể điều trị cai nghiện ma túy.
 
Cũng theo quy định mới, hồ sơ đề nghị đưa người đi cai nghiện bắt buộc vào cơ sở cai nghiện thuộc thẩm quyền của tòa án, trong khi muốn trình ký thì trong hồ sơ phải có văn bản xác định người nghiện ma túy. Thẩm quyền xác định người nghiện ma túy, theo quy định thì Bộ Y tế phải hướng dẫn việc tập huấn và cấp chứng chỉ về điều trị cắt cơn nghiện ma túy. Nhưng đến nay, hầu như lãnh đạo các phòng khám địa phương đều chưa có chứng chỉ này. 
 
Trước đây, việc đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp huyện. Từ ngày 1/1/2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, thẩm quyền về lĩnh vực này chuyển cho TAND cấp huyện. Thời gian từ khi bắt được một đối tượng nghiện ma túy đến khi đưa vào trại tập trung theo Nghị định 221 có quy trình từ 37 - 72 ngày so với trước đây là 15 ngày. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp, khi quyết định có hiệu lực thì người nghiện đã bỏ trốn. Hệ lụy của việc không đưa được người nghiện vào các trại cai nghiện tập trung là rất lớn.
 
Trong đó, đối với cộng đồng xã hội, tình trạng người nghiện mua bán, sử dụng, vận chuyển trái phép chất ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng xuất hiện nhiều đối tượng “ngáo đá” với những hành động gây họa cho cộng đồng. Đối với các trung tâm cai nghiện, lãng phí lớn nhất là cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, chương trình dạy nghề liên kết với các doanh nghiệp bên ngoài buộc phải ngưng trệ, cắt giảm, gây lãng phí và thất thoát một khoản ngân sách Nhà nước không hề nhỏ.
.

Thành Thảo

.