Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201607/sao-cu-phai-tat-nuoc-theo-mua-689070/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201607/sao-cu-phai-tat-nuoc-theo-mua-689070/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Sao cứ phải 'tát nước theo mưa'? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 11/07/2016, 09:59 [GMT+7]

Sao cứ phải 'tát nước theo mưa'?

1. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ việc hai cô bé 9X “gây chiến” trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP Hồ Chí Minh. Chỉ với mấy tấm ảnh nhỏ được người trong cuộc chụp lại đã tạo làn sóng mạnh trên các trang facebook, fapage, thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận.

Hai nhân vật chính trong câu chuyện đều là người khá nổi tiếng trên cộng đồng mạng. Lúc đầu, hai bên lời qua tiếng lại, sau đó hẹn nhau đến 19 giờ cùng ngày gặp tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ngay khi cả hai khiêu chiến và công khai hẹn nhau “làm rõ mọi chuyện ở ngoài đời” đã gây xôn xao dân mạng, khiến rất đông bạn trẻ hiếu kỳ, tò mò và rủ nhau đi xem. Không những vậy, bạn bè hai bên còn khiêu khích, cổ vũ và xúi hai cô bé “đánh nhau để giải quyết vấn đề”.

Tranh minh họa
Tranh minh họa

Sau khi hai nhân vật chính đăng thông tin về thời gian, địa điểm gặp gỡ, hàng trăm lượt chia sẻ đã được thực hiện, lôi kéo hàng nghìn người đến phố đi bộ để xem thực hư chuyện tỉ thí. Chính hai cô bé cũng không ngờ việc cá nhân của mình lại thu hút nhiều người quan tâm đến vậy. Chẳng biết câu chuyện nghiêm trọng đến mức nào, chỉ biết rằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ đêm hôm đó chật kín người, lực lượng chức năng phải tìm mọi cách giải tán đám đông hiếu kỳ và tập trung giải quyết vụ việc.

2. Ngày 7/5/2016, từ một tài khoản facebook, bức ảnh NSND Lan Hương bỏ dở chuyến đi Trường Sa đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dân mạng. Tính chất câu chuyện càng trở nên phức tạp hơn khi người đăng tải và loan truyền thông tin này trên mạng xã hội đã hướng dư luận hiểu theo nghĩa, nghệ sĩ Lan Hương chê điều kiện sinh hoạt trên tàu không tốt, nên “bỏ cuộc chơi”. Và như thế, từ cô bé Hà Nội đáng yêu trong lòng công chúng, Lan Hương trở thành người “đào ngũ”. Cộng đồng mạng, những “anh hùng bàn phím” thi nhau bình luận, thậm chí đòi tước danh hiệu của chị, mà chẳng cần tìm hiểu lý do hay nguyên nhân tận cùng của sự việc.

Ngay cả khi Lan Hương đưa ra lời giải thích: “Khi xuống tàu, hơi máy, hơi dầu xộc lên, tôi bị ngạt thở nên sợ đi đường không may xảy ra chuyện gì sẽ ảnh hưởng đến mọi người. Tôi cũng đang ốm chưa khỏi…”. Và trước khi dừng chuyến đi, chị đã xin phép và được lãnh đạo đoàn đồng ý.

Tình huống mà nghệ sĩ Lan Hương gặp không phải là chuyện hiếm trong đời thường. Việc chúng ta phải dừng lại, bỏ dở hành trình, chuyến đi nào đó, vì nhiều lý do khách quan là điều không thể tránh khỏi, nhất là nó lại liên quan đến vấn đề sức khỏe. Chỉ khác ở một chỗ, Lan Hương đi Trường Sa. Với người Việt Nam, Trường Sa là niềm tự hào, thiêng liêng, mà mỗi lần nhắc đến, ai cũng xúc động. Được đi Trường Sa là mong ước của nhiều người và không phải ai cũng có cơ hội may mắn đó. Đối với người nghệ sĩ, Trường Sa không chỉ là niềm yêu thương cá nhân mà việc cất cao tiếng hát, tìm hiểu, động viên, sẻ chia cuộc sống với các chiến sỹ trên đảo còn là trách nhiệm với đất nước, với nhân dân. Đó cũng chính là lý do khiến Lan Hương không được nhiều người cảm thông và bị dân mạng đẩy đi theo chiều hướng tiêu cực.

Chỉ đến khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tìm hiểu và xác định lý do đã cản trở Lan Hương tham gia chuyến đi, cùng những chia sẻ của người trong cuộc thì câu chuyện mới phần nào được lắng xuống.

3. Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn thấy toàn bộ sự thật, hãy đặt mình trong tình cảnh của người trong cuộc để hiểu tại sao họ làm vậy. Thế nên, khi có được một sự kiện, một tấm hình hay một phần của sự thật, chúng ta đừng vội vàng phán xét, phê bình.

Hiện nay, với sự phát triển nhanh của internet, mạng xã hội, đặc biệt là facebook và tâm lý “hùa” của đám đông đã làm cho sự lan truyền của những phán xét, phê bình tăng nhanh. Rất nhiều phán xét đó là đúng và giúp cho xã hội chặn đứng được những cái xấu, giảm được sự xuống cấp về văn hóa… Tuy nhiên, cũng đã có không ít những nhận xét của chúng ta chưa chính xác, thậm chí sai sự thật, gây tổn thương, ảnh hưởng xấu đến cá nhân, tổ chức nào đó.

Mỗi người sống, làm việc không thể tách rời khỏi tập thể và quá trình đó khiến cá tính, trình độ mỗi cá nhân được bộc lộ và hoàn thiện dần. Tuy nhiên, không phải lúc nào, số đông cũng đúng và ta nên làm theo. Trong thực tế, có rất nhiều cá nhân vì áp lực của cộng đồng, dân mạng đã bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Vì vậy, những người trẻ, những người làm chủ thông tin trong thời đại mới, trước khi vội vàng đưa ra lời bình luận nào, hãy bình tĩnh, dù một giây thôi, để thử tìm hiểu xem, vì sao nhân vật ấy lại rơi vào tình huống đó. Một giây với mỗi người, là một phút lắng lại, để không trở thành người vội vàng, thậm chí vô tình và một phút đó, để tạo cơ hội hiểu và bao dung hơn với người khác.

.

Mai Hậu

.