Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201608/o-ngoai-do-bien-van-cho-696721/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201608/o-ngoai-do-bien-van-cho-696721/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Ở ngoài đó, biển vẫn chờ… - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 31/08/2016, 15:38 [GMT+7]

Ở ngoài đó, biển vẫn chờ…

(Congannghean.vn)-Cũng như bao ngư dân khác trên mảnh đất hình chữ S thân yêu, những ngư dân mà tôi có điều kiện gặp, tiếp xúc luôn đau đáu nỗi niềm gắn bó, thiết tha với biển cả. Biển là nguồn sinh kế, là nơi nối tiếp truyền thống từ bao đời và còn hơn thế, biển là quê hương, máu mủ, là nơi dạy con cháu biết quý trọng lao động, biết giữ gìn tình cảm làng xóm, đồng bào và gắn bó với quê hương, đất nước. Những khó khăn, thử thách trong thời gian vừa qua, dù tác động nhiều tới cuộc sống của họ nhưng trong sâu thẳm mỗi người, họ chưa bao giờ có ý định rời xa biển.

Đội tàu ở xã Diễn Bích chuẩn bị ra khơi
Đội tàu ở xã Diễn Bích chuẩn bị ra khơi

“Mong muốn có nhiều nghiệp đoàn hơn nữa…”

Chúng tôi về xã Diễn Bích khi địa phương vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm sau khi Nghiệp đoàn nghề cá đi vào hoạt động.

Chia sẻ về mô hình nghiệp đoàn đầu tiên tại Nghệ An do Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với UBND huyện Diễn Châu xây dựng, ông Thạch Đình Nghĩa, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích cho biết: Xã Diễn Bích có khoảng 1.800 lao động đi biển với 200 tàu đánh bắt. Trong những năm gần đây, Chính phủ và tỉnh có chủ trương đẩy mạnh, phát triển khai thác xa bờ, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, đồng thời góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Trên cơ sở đó, mô hình Nghiệp đoàn nghề cá được thành lập với các hội viên có tàu từ 90CV trở lên. Những tàu nhỏ hơn thì hoạt động trong Hội nghề cá - mô hình truyền thống được thành lập từ lâu tại các xã ven biển. Hiện, tại địa phương có 88 tàu đánh bắt xa bờ với công suất từ 90 - 400CV.

Trong thời gian qua, Nghiệp đoàn đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực tăng cường hỗ trợ, liên kết giữa các tàu đánh bắt; giúp đoàn viên cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập và bảo vệ người lao động trong quan hệ với người sử dụng lao động, với chính quyền các địa phương và đặc biệt là với sự tranh chấp ngư trường trên biển đang gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp.

Đồng quan điểm về hiệu quả và lợi ích của Nghiệp đoàn Nghề cá trong hoạt động sản xuất, đánh bắt của ngư dân, ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho biết: Sau 2 năm thành lập, Nghiệp đoàn đã kết nạp thêm 23 hội viên vào tổ chức. Dưới các Nghiệp đoàn còn có các tổ hội được thành lập ở các xóm. Thông thường, tổ hội thường tập hợp những tàu, thuyền có khu vực đánh bắt gần hơn nhằm tăng tính liên kết giữa các thuyền viên. Thời gian qua, các thuyền viên trong nghiệp đoàn đã hỗ trợ nhau trong việc đánh bắt, cứu hộ, cứu nạn.

Để minh chứng cho nhận định trên, ông Liên đã đưa ra hàng loạt những số liệu thống kê cụ thể mà các thuyền viên đã tham gia. Điển hình như vào tháng 10/2015, tàu của anh Nguyễn Hữu Khon ở tổ Quyết Thắng bị gió thổi vào cạn. Sau khi nhận được thông tin, Nghiệp đoàn đã thông báo và phối hợp với các tàu gần khu vực đó tập trung cứu hộ, không gây tổn thất gì.

Mới đây nhất, vào ngày 18/8, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tàu của anh Hồ Văn Tưởng ở xóm Quyết Thắng cũng bị gió đẩy mắc cạn. Mặc dù lúc đó, các tàu khác đang trú ngụ ở khu vực xa (từ 15 - 20 km) nhưng vẫn tích cực đến hỗ trợ, lai dắt giúp tàu thoát nạn.

Biển cả mênh mông, thiên nhiên lại diễn biến bất thường, vì thế, dù đã chuẩn bị rất chu đáo cho các chuyến ra khơi, nhưng những chuyện bất trắc, tai ương làm sao có thể tránh được. Mỗi năm, trung bình tại xã có ít nhất 1 người bị thương nặng (thậm chí tử vong) do gặp tai nạn trong lúc đánh bắt xa bờ. Những lúc này, công tác cứu hộ các thuyền viên phải được đặt lên hàng đầu.

Năm 2015, do bão quá lớn đánh tàu chìm, ông Nguyễn Văn Tụy ở xóm Hải Nam đã bị đuối nước. Dù đang ở ngư trường rất thuận lợi nhưng anh Trần Văn Sơn, tổ Hải Nam đã gác lại hoạt động đánh bắt, cùng các thuyền viên miệt mài cả ngày lẫn đêm tìm kiếm thi thể của người hàng xóm thân thiết. Bỏ qua những ngại ngần về tâm linh trong dân gian vẫn truyền tai khi đánh bắt, gạt đi những lợi nhuận kinh tế trước mắt, sau khi tìm thấy thi thể ông Tụy, tàu anh Sơn đã rẽ sóng vào bờ, đưa thi thể của ông về quê nhà sớm nhất có thể. Giữa muôn trùng biển khơi, tình đồng bào ruột thịt của các thuyền viên chưa bao giờ mạnh mẽ như thế…

Về nguồn kinh phí để Nghiệp đoàn hoạt động, chủ yếu là dựa vào sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên. Lúc mới thành lập, sự trùng chéo giữa nguồn đóng góp cho cả Nghiệp đoàn và Hội nghề cá (vốn được thành lập từ trước) gây khó khăn cho hội viên.

Tuy nhiên, sau một thời gian, Nghiệp đoàn đã thống nhất và tách riêng nguồn quỹ hoạt động cho tàu có công suất lớn hơn 90 CV và tàu công suất thấp hơn. Cũng nhờ tăng tính liên kết mà sản lượng khai thác tại địa phương đã tăng lên không ngừng, trung bình từ 20 - 25%/năm.

Chưa bao giờ có ý định rời xa biển

Chúng tôi có mặt tại bến thu mua hải sản xã Diễn Bích khi tàu của ông Trần Văn Đồng (SN 1969, tổ Quyết Thắng) vừa cập bến. Lần này, nhờ thời tiết thuận lợi, tàu ông đã thu hoạch hơn 10 tấn hải sản. Cũng giống như các chủ tàu khác, tàu của ngư dân Trần Văn Đồng chủ yếu đánh bắt ở ngư trường vịnh Bắc Bộ, mỗi chuyến đi kéo dài từ 5 - 10 ngày.

Ngư dân Trần Văn Đồng và các thuyền viên chia sẻ với phóng viên về những chuyến ra khơi.
Ngư dân Trần Văn Đồng và các thuyền viên chia sẻ với phóng viên về những chuyến ra khơi.

Bên ấm nước chè xanh, ông Đồng và các thuyền viên chia sẻ về Nghiệp đoàn cũng như những nỗi niềm, tâm sự qua bao nhiêu năm gắn bó với biển. Ông Đồng tham gia nghề đi biển từ lúc 13 tuổi, nối tiếp truyền thống đánh bắt của cha ông để lại. Gia đình có 5 anh em thì 3 người đi biển.

Từ lao động thủ công, qua bao năm chắt chiu, ông đã mua được 4 con tàu có công suất 380CV, với 9 thuyền viên/thuyền. Những năm trước, hải sản được giá nên công việc có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do tác động từ sự cố môi trường nên giá trị hải sản bị giảm đáng kể. Với khối lượng hải sản thu hoạch như nhau nhưng cách đây 1 năm, giá trị khoảng 100 triệu đồng, giờ chỉ còn khoảng 40 - 50 triệu đồng.

Chắt chiu, vay mượn để mua tàu công suất lớn đi khai thác, tuy nhiên, giữa biển khơi đầy bí hiểm, mưa gió thiên tai bất ngờ, chuyện tàu bị đắm, bị va đập là điều không thể tránh khỏi. Năm 2015, 2 tàu công suất 380CV của ông đã bị đắm khi đang đánh bắt ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, thiệt hại khoảng 1,5 tỉ đồng. May mắn nhất là các thuyền viên vẫn an toàn.

Chia sẻ về những khó khăn trước mắt, người ngư dân rắn rỏi này cho biết: “Chuyện tai nạn trên biển khó tránh lắm. Nhưng đi biển đã là nghiệp của cha ông rồi, làm sao mình bỏ được. Tôi có 3 đứa con trai, đứa lớn 24 tuổi, đứa nhỏ mới 18 tuổi. Chưa tham gia đánh bắt cùng mọi người nhưng tôi vẫn quyết định cho con vào Nghiệp đoàn. Có tổ chức đoàn thể mình yên tâm hơn chứ. Sau này, mình mất đi rồi, có chỗ để con cái dựa vào mà sinh hoạt, phát triển. Nói gắng gượng qua khó khăn thì được, chứ bỏ biển thì không bao giờ…”.

Việc thành lập Nghiệp đoàn là nhu cầu bức thiết đối với mỗi ngư dân. Sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau giữa các chủ tàu, thuyền viên càng cần được tăng cường khi thiên nhiên ngày càng diễn biến bất thường, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Chia sẻ những lúc gian khó cũng chính là cách mà các ngư dân này muốn truyền lại cho con cháu tinh thần gắn bó, đoàn kết với đồng bào.

Rời bến cá xã Diễn Bích, lời của ngư dân Trần Văn Đồng và các thuyền viên vẫn văng vẳng trong tâm trí tôi: “Chỉ có những người gắn bó với biển mới biết, biển giá trị và quan trọng như thế nào. Chuyện ô nhiễm ở mô tôi không biết, chứ hải sản đánh bắt xa bờ về, tôi và con cháu trong nhà vẫn dùng bình thường. Chỉ mong Chính phủ có hỗ trợ thêm cho ngư dân những lúc vất vả này. Nếu không, xa biển chúng tôi cũng chẳng biết sống thế nào. Nhưng, chắc chắn là không thể xa được. Ngoài chuyện cơm áo, đó còn là chủ quyền, là máu thịt cha ông mình đánh đổi để lại. Phải giữ và bảo vệ chứ!”.

.

Mai Hậu

.