Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201609/can-giai-quyet-che-do-kip-thoi-cho-nguoi-bi-nhiem-chat-doc-da-cam-697540/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201609/can-giai-quyet-che-do-kip-thoi-cho-nguoi-bi-nhiem-chat-doc-da-cam-697540/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần giải quyết chế độ kịp thời cho người bị nhiễm chất độc da cam - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 06/09/2016, 14:59 [GMT+7]

Cần giải quyết chế độ kịp thời cho người bị nhiễm chất độc da cam

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, các cấp, ngành đã không ngừng quan tâm, hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nhằm giúp họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay vẫn còn không ít nạn nhân chất độc da cam chưa được giải quyết chế độ kịp thời. Đây cũng là vấn đề được đưa ra tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri HĐND các cấp trong thời gian qua.

Nỗi đau dai dẳng

Trong giai đoạn chiến tranh từ năm 1962 - 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống các chiến trường ở Việt Nam khoảng 80 triệu lít chất độc hoá học, chủ yếu là dioxin (còn gọi là chất độc da cam). Loại hoá chất này không chỉ huỷ diệt môi trường sống mà chính con người cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi di chứng để lại. Nhiều người lính từng tham gia tại chiến trường nơi có chất độc dioxin rải xuống, khi sống sót trở về đã vĩnh viễn không thể sinh con.

 Giải quyết kịp thời chế độ cho nạn nhân chất độc da cam để họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống
Giải quyết kịp thời chế độ cho nạn nhân chất độc da cam để họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống

Nhiều cặp vợ chồng may mắn được làm bố, làm mẹ nhưng niềm hạnh phúc đó cũng không được trọn vẹn khi con cái họ bị dị tật, dị dạng… Đau đớn hơn, có những trường hợp, di chứng của chất độc da cam kéo dài đến cả 3 đời. Nghĩa là, khi bố hoặc mẹ bị nhiễm chất độc này thì thế hệ con, cháu của họ cũng bị ảnh hưởng. Nỗi đau da cam đã bao trùm lên không ít gia đình Việt Nam và đến nay, họ vẫn còn khắc khoải trong đau đớn, tuyệt vọng...

Ở khối 4, thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn, nhắc đến hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Năm thì ai cũng biết. Lấy nhau năm 1984 nhưng mãi đến năm 1987, vợ chồng bà mới sinh được cô con gái tên là Nguyễn Thị Dung. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì ông bà phát hiện con gái mình mang di chứng chất độc da cam. Khi lớn lên, Dung không gọi được rõ tên của cha mẹ và không thể đi, đứng được. Vì vậy, mọi việc từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân của Dung đều do bà Năm chăm sóc.

Chắt chiu từng đồng lương để chạy chữa cho con nhưng niềm mong mỏi của 2 vợ chồng không bao giờ trở thành hiện thực khi Dung không thể lành bệnh. Mang hết hy vọng đặt vào 2 người con trai kế tiếp là Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Văn Thọ nhưng cuối cùng ông bà cũng phải thất vọng vì cả hai đều nhiễm chất độc da cam từ người bố, do ông Nguyễn Văn Đề từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Năm chỉ là một trong số hàng nghìn trường hợp nạn nhân chất độc da cam hiện đang phải sống trong đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Điều đáng nói, ngoài những khoản phụ cấp ít ỏi từ Nhà nước, cuộc sống của họ đang gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, có một thực tế đang tồn tại hiện nay là việc giải quyết chế độ cho nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam vẫn còn rất chậm, gây thiệt thòi không nhỏ cho không ít gia đình.

Cần sớm giải quyết chế độ

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 17.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ được xem xét giải quyết chế độ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Cũng trong thời gian qua, việc xem xét, giới thiệu khám, giám định bệnh tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hoá học đối với người trực tiếp hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ đã được triển khai tới tận cơ sở.

Cụ thể, theo Thông tư 41/2013/TT-LĐTBXH đã được Sở LĐ-TBXH tập huấn, hướng dẫn các huyện, thành, thị triển khai thực hiện, đến nay, Sở cũng đã tiếp nhận và xét duyệt 3.347 lượt hồ sơ do UBND các huyện, thị, thành chuyển đến. Trong đó, đã có 2.169 lượt trường hợp được chuyển hồ sơ giám định y khoa tổ chức giám định. Tuy nhiên, công tác giải quyết chế độ cho người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học trong thời gian qua trên địa bàn còn rất chậm.

Ông Đinh Xuân Tứ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nghệ An cho biết: Nỗi đau da cam/dioxin đã khiến không ít gia đình phải chịu thiệt thòi trong cuộc sống. Nhiều người lính khi trở về từ chiến tranh đã không còn được thực hiện thiên chức của người cha, người mẹ.

Ở Nghệ An, nỗi đau da cam đã khiến hơn 40 nghìn người bị phơi nhiễm, để lại di chứng nặng nề. Kể từ khi thành lập đến nay (26/9/2006), Hội đã trở thành cầu nối để sẻ chia, giúp đỡ không ít trường hợp gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin để họ khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Đến nay, Hội đã vận động, tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân hơn 17 tỉ đồng để xây dựng hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa, hỗ trợ sản xuất, tặng quà khuyến học… cho gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn không ít trường hợp là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin vẫn chưa được giải quyết chế độ kịp thời. Thời gian tới, Hội mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn nữa để nạn nhân chất độc da cam được khoả lấp những thiệt thòi trong cuộc sống.

Tại buổi lễ kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8), 10 năm thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, đồng chí Lê Minh Thông, Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu chia sẻ, động viên các nạn nhân bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin trên địa bàn và ghi nhận những đóng góp của các tổ chức, cá nhân đối với nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam.

Đặc biệt, đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh cũng chỉ đạo các cấp cần sớm thực hiện chế độ, chính sách cho nạn nhân chất độc da cam/ dioxin một cách kịp thời, đúng đối tượng để họ giảm bớt khó khăn, gánh nặng trong cuộc sống.

.

Ngọc Thái

.