Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201704/ky-uc-ngay-304-qua-loi-ke-cua-nhung-nguoi-linh-735100/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201704/ky-uc-ngay-304-qua-loi-ke-cua-nhung-nguoi-linh-735100/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Ký ức ngày 30/4 qua lời kể của những người lính - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 29/04/2017, 08:31 [GMT+7]

Ký ức ngày 30/4 qua lời kể của những người lính

(Congannghean.vn)-Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ và vĩ đại của dân tộc ta, mở ra trang sử mới của dân tộc Việt Nam khi đất nước được thống nhất, non sông thu về một mối. Nhớ lại mốc son chói lọi đó, những người lính năm nào vẫn vẹn nguyên ký ức về ngày 30/4 lịch sử cách đây 42 năm về trước.

“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”

Cũng như bao thanh niên khác lúc bấy giờ, 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai Nguyễn Xuân Dinh háo hức lên đường nhập ngũ với lời thề sắt son “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Để rồi mỗi khi bước vào cuộc chiến, bất kể người lính nào cũng sẵn sàng hy sinh thân mình, không tiếc máu xương để nước nhà được thống nhất, giang sơn thu về một mối. 32 năm trong quân ngũ, Đại tá Nguyễn Xuân Dinh, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 đã kinh qua bao nhiêu cuộc chiến nhưng ký ức về ngày 30/4 lịch sử vẫn vẹn nguyên trong ông.

Đại tá Nguyễn Văn Dinh kể lại thời khắc lịch sử ngày 30/4
Đại tá Nguyễn Văn Dinh kể lại thời khắc lịch sử ngày 30/4

Tháng 12/1974, ông đang làm nhiệm vụ tại chiến trường Quảng Trị thì được lệnh rút vào Bạch Mã tiến đánh phía Nam Thừa Thiên Huế. Sáng 24/3/1975, quân ta đồng loạt tiến công, hình thành nhiều mũi bao vây địch, mở màn cuộc tiến công Huế. Sau khi đánh thẳng vào  Phú Lộc, Tiểu đoàn 8 với khí thế tiến công như vũ bão hành quân tiến đánh đèo Phu Thượng, Phu Gia, Lăng Cô rồi đến đèo Hải Vân… 9 giờ ngày 30/3, quân ta đánh chiếm đèo Hải Vân; đến 11 giờ thì chiếm lĩnh toàn bộ căn cứ liên hợp Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà. Với chiến thắng này, Tiểu đoàn 8 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, được Nhà nước phong tặng Tiểu đoàn Anh hùng, 2 đồng chí được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại tá Nguyễn Xuân Dinh nhớ lại: “Với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, quân ta thừa thắng xông lên tiến vào giải phóng các tỉnh phía Nam. Dọc theo Quốc lộ 1A, đoàn xe và đoàn người của ta hừng hực khí thế, xe tăng đi trước, bộ binh, pháo binh đi sau, đánh thẳng vào sào huyệt, hang ổ khiến kẻ địch phải khiếp sợ. Sau khi giải phóng tỉnh Quảng Nam, mỗi ngày quân ta giải phóng 1 tỉnh dọc Quốc lộ 1A từ Phú Yên, Bình Định, Phan Rang… đến Phan Thiết”.

Sau khi giải phóng hoàn toàn vùng Trung Trung Bộ, phá vỡ âm mưu co cụm của địch, đơn vị của đồng chí Dinh lúc bấy giờ đang ở Bà Rịa - Vũng Tàu thì được lệnh rút về chuẩn bị cho đòn tấn công cuối cùng, giải phóng Sài Gòn. 17 giờ ngày 26/4, quân ta nổ súng mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh, năm cánh quân ta vượt qua tuyến phòng thủ của địch tiến vào trung tâm Sài Gòn. Trung đoàn 18 tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa. Cả 2 đều là căn cứ không quân lớn giữ vị trí chiến lược số 1 của địch, vì vậy nhiệm vụ quan trọng là phá hủy các mục tiêu trọng yếu của địch, làm tê liệt sự chi viện và đường rút lui của địch.

Những ngày cuối tháng 4, sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa rực lửa bởi những đòn tấn công quyết liệt, dồn dập của quân ta. Quân giải phóng thừa thắng xung phong đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu. 11 giờ 30 phút ngày 30/4, lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của quân và dân ta.

42 năm trôi qua, mỗi khi nhớ lại thời khắc thiêng liêng đó, Đại tá Nguyễn Xuân Dinh không giấu được niềm xúc động: “Thế hệ những người lính như chúng tôi bình thản bước vào cuộc chiến chẳng một chút do dự, sợ hy sinh. Theo mệnh lệnh của Tổng tư lệnh quá cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo báo, táo bạo hơn nữa”, chúng tôi đã chiến đấu như thể đó là lần cuối cùng được cầm súng. Sự cống hiến, hy sinh của chúng tôi để miền Nam được giải phóng, nước nhà được độc lập thì đó là sự hy sinh xứng đáng, là niềm tự hào của người chiến sỹ Quân đội Việt Nam anh hùng”.

12 ngày đêm đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, chiến dịch Xuân Lộc là một trận chiến vô cùng khó khăn, khốc liệt của các lực lượng giải phóng quân. Đại tá Hồ Văn Hồng, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 vẫn nhớ như in những ngày tháng khói lửa ta và địch giành giật nhau từng ngôi nhà, từng góc phố.  Xuân Lộc là vị trí chiến lược quân sự quan trọng của chính quyền Mỹ, ngụy, chúng biến nơi đây thành nơi “tử thủ” để bảo vệ Sài Gòn. Chính tướng Weyand, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, đã trực tiếp lên Xuân Lộc thị sát và nhấn mạnh: “Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Để giữ Xuân Lộc và bảo vệ Sài Gòn, chính quyền Mỹ, ngụy đã bố trí tại đây lực lượng và phương tiện phòng ngự mạnh nhất, bao gồm khoảng 12.000 quân do tướng ngụy Lê Minh Đảo chỉ huy.

Đại tá Hồ Văn Hồng xem lại những bức ảnh cùng đồng đội ở Sư đoàn 341
Đại tá Hồ Văn Hồng xem lại những bức ảnh cùng đồng đội ở Sư đoàn 341

Đại tá Hồ Văn Hồng kể: Sư đoàn 341 được lệnh phối hợp với Sư đoàn 7 tiến công vào Xuân Lộc. 5 giờ 45 phút ngày 9/4, Quân đoàn 4 nổ súng tiến công, các trận địa pháo của Quân đoàn, Sư đoàn đồng loạt nhả đạn. Quân địch dùng hỏa lực chặn hết các cánh cửa vào thị xã, lực lượng bộ binh bắt đầu xung phong, mở toang các cánh cửa tiến thẳng vào Xuân Lộc. Sau khi nổ súng tiến công Xuân Lộc, ngày đầu tiên quân ta đã chiếm được một nửa TX Long Khánh toàn bộ khu hành chính tiểu khu, đã đưa được 3 tiểu đoàn chốt trong thị xã và chia cắt đường số 1 từ ngã ba Dầu Giây đến đèo Mẹ Bồng Con. Qua 3 ngày chiến đấu, về cơ bản quân ta đã chiếm được một số mục tiêu, diệt được một bộ phận sinh lực địch trong thị xã, giữ một số bàn đạp quan trọng. Tuy nhiên, với dã tâm giành lại các căn cứ bị chiếm đánh, quân địch liên tục được chi viện và phản công quyết liệt khiến quân ta bị tổn thất và thương vong nhiều.

Trước tình hình căng thẳng ở Xuân Lộc, Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã thay đổi cách đánh mới là chia cắt và cô lập lực lượng quân Mỹ, ngụy. Từ ngày 12/4/1975, với cách đánh mới, quân ta đã đồng loạt triển khai các lực lượng đánh vòng ngoài, chặn cắt các ngả đường tiếp tế, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, bẻ gãy toàn bộ các đợt phản kích của chính quyền Sài Gòn. Sư đoàn 341 của Đại tá Hồng được giao nhiệm vụ phối hợp với Sư đoàn 6, Trung đoàn 95B chốt chặn tại đèo Mẹ Bồng Con, cắt đứt mọi đường chi viện và tháo chạy của chúng, quân ta làm chủ toàn bộ tuyến đường 20.

Trưa 20/4/1975, đài quan sát của ta báo về, địch cho đốt lửa trong thị xã. Nhận định quân địch đang chuẩn bị rút chạy, Sư đoàn 341 được lệnh khép chặt vòng vây, truy kích không cho quân địch tháo chạy, ta bắt sống, tiêu diệt nhiều tên địch bỏ chạy theo tuyến đường 20. Rạng sáng 21/4/1975, “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị phá đã mở toang cánh cửa cho Quân đoàn 2, Quân đoàn 4 thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, xông thẳng vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Mỹ, ngụy. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1945, Quân đoàn 2 đã cắm cờ Tổ quốc trên nóc Dinh Độc Lập. Đại tá Hồng cùng đồng đội sau khi phối hợp với đơn vị đặc công tiêu diệt địch ở sân bay Biên Hòa thì chiều 30/4 về tới Dinh Độc Lập.

“Đánh vào nơi địch cho là “cánh cửa thép” với hệ thống phòng thủ nhiều tầng lớp, quân ta đã gặp nhiều tổn thất, thương vong. Nhưng với lòng yêu nước và sự mưu trí, dũng cảm, các cánh quân của ta đã đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của địch sau 12 ngày đêm chiến đấu, mở đường cho quân giải phòng tiến vào Sài Gòn. Từ chiều 30/4, cả Sài Gòn cuồn cuộn dòng người cờ hoa rực rỡ, tiếng hò reo ăn mừng ngày giải phóng. Giây phút đó mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc, từ nay Bắc Nam sum họp một nhà”, Đại tá Hồng xúc động.

Đại tá Nguyễn Văn Dinh và Đại tá Hồ Văn Hồng là 2 nhân chứng lịch sử được mời giao lưu trong chương trình tọa đàm kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước do UBND huyện Quỳnh Lưu tổ chức vào sáng 30/4. Tại chương trình, các nhân chứng lịch sử sẽ cùng nhau ôn lại những trang sử chói lọi của dân tộc ta, đặc biệt là chiến thắng ngày 30/4 đã đi vào lịch sử như một bản hùng ca bất diệt. Đây cũng là dịp để nhân dân Quỳnh Lưu, đặc biệt là thế hệ trẻ tôn vinh, thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc đối với những đóng góp, hy sinh của thế hệ cha anh đi trước, từ đó ra sức học tập, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

 

.

Huyền Thương

.