Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201705/bao-hiem-y-te-phao-cuu-sinh-cho-nguoi-nhiem-hiv-738689/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201705/bao-hiem-y-te-phao-cuu-sinh-cho-nguoi-nhiem-hiv-738689/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bảo hiểm y tế - 'Phao cứu sinh' cho người nhiễm HIV - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 21/05/2017, 09:30 [GMT+7]

Bảo hiểm y tế - 'Phao cứu sinh' cho người nhiễm HIV

(Congannghean.vn)-Việc quan tâm, chăm sóc người bị HIV/AIDS luôn được Nhà nước, các cấp ngành đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, trước thông tin thuốc điều trị HIV không được cấp miễn phí từ ngày 1/1/2018 khiến không ít bệnh nhân và gia đình lo lắng, hoang mang. Trong bối cảnh đó, tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trở thành "phao cứu sinh" với nhiều người nhiễm HIV trong nỗ lực điều trị, chăm sóc sức khỏe.

Việc sử dụng thuốc ARV được ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) xác định không chỉ giúp điều trị cứu sống bệnh nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn mang tính chất phòng dịch HIV/AIDS cho cộng đồng.

Bệnh nhân có thể nhận thuốc ARV tại các cơ sở phòng khám ở địa phương
Bệnh nhân có thể nhận thuốc ARV tại các cơ sở phòng khám ở địa phương

Từ khi bị nhiễm HIV vào năm 2010, anh Nguyễn Thế T. (TP Vinh) phải thường xuyên sử dụng thuốc ARV. Đây được xem là phương pháp hữu hiệu để anh phục hồi sức khỏe, ngăn ngừa vi rút HIV phát triển. Tuy nhiên, từ cuối năm 2015, khi nghe thông tin các tổ chức quốc tế dừng cung cấp thuốc miễn phí, anh T. khá lo lắng. Nếu tính sơ sơ, lúc đó, số tiền anh phải mua thuốc đã lên đến gần 4 triệu đồng/năm - một số tiền không nhỏ với anh và gia đình. Bản thân anh chạy xe ôm, vợ thì bán hàng ở chợ, 2 con nhỏ đang đi học. Nếu không có nguồn hỗ trợ khác, khả năng anh phải dừng dùng thuốc ARV là rất lớn.

Anh T. chỉ là một trong hàng nghìn bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS tại Nghệ An đang lo lắng tìm phương cách để mua thuốc ARV khi không còn các nguồn tài trợ quốc tế. Theo đó, khi các nguồn tài trợ rút đi, quỹ BHYT sẽ chi trả những chi phí của thuốc ARV theo như quy định. Việc làm thế nào để người nhiễm HIV có cơ hội tiếp cận với dịch vụ BHYT là vấn đề của ngành y tế và bảo hiểm, cũng như xã hội đang đặc biệt quan tâm.

Để vận động những người nhiễm HIV/AIDS hiểu được lợi ích khi tham gia BHYT, ngành y tế và BHXH đã nỗ lực truyền thông bằng nhiều hình thức để những người nhiễm HIV/AIDS hiểu và tự nguyện tham gia trong giai đoạn thuốc ARV không còn được cung cấp miễn phí.

Theo ông Trịnh Hùng Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Nghệ An: Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 5.300 người nhiễm HIV đang còn sống, trong đó có 4.170 người đã đăng ký điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh. Số lượng người tham gia BHYT đạt khoảng 55%, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi.

Ông Trịnh Hùng Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS: “HIV là căn bệnh mãn tính, cá nhân tôi nghĩ thẻ BHYT không nên phát 1 lần/năm mà có thể lưu lại thông tin để người bệnh thực hiện khám, điều trị tại cơ sở y tế. Việc làm lại rất mất thời gian và gặp nhiều khó khăn”.

Theo đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã triển khai 25 cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Trong đó: 19 cơ sở đặt tại các bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố, thị xã và 2 trung tâm y tế có giường bệnh (Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn, Trung tâm Y tế TX Hoàng Mai); 1 cơ sở tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh, 1 cơ sở chăm sóc điều trị nhi khoa tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, 2 cơ sở tại Trại giam số 3 và số 6.

Trên thực tế, việc thanh toán qua BHYT không gây nhiều khó khăn cho người nhiễm HIV khi tiếp cận dịch vụ. Trước hết, người bị nhiễm HIV thường lo lắng sẽ bị lộ danh tính khi tham gia BHYT. Trong khi, theo quy định, người nhiễm HIV sẽ nhận thẻ BHYT trong đó có mã số mà chỉ bác sĩ điều trị mới biết họ là người nhiễm HIV, tương tự như đối tượng người nghèo, người có công… đi khám, chữa bệnh.

Đối với Thông tư 15, BHXH Việt Nam cũng đã có hướng dẫn tới các địa phương tổ chức ký hợp đồng khám, chữa bệnh đối với các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị ARV. Nếu như đủ tiêu chuẩn đăng ký khám, chữa bệnh BHYT theo quy định, thì đã ký hợp đồng. Với những bệnh viện có chuyên khoa HIV, cũng đã hướng dẫn họ bổ sung các nội dung về điều trị HIV như quy định tại Thông tư 15 để đảm bảo khi người bệnh bị nhiễm HIV tham gia BHYT khi đến khám, chữa trị thì sẽ được chi trả các nội dung theo đúng luật định.

BHXH Việt Nam đã cùng Bộ Y tế xây dựng Thông tư 15 về việc hướng dẫn thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người nhiễm HIV. Đây cũng là một điều đặc biệt vì đây là đối tượng đặc biệt. Tuy nhiên, từ trước đến nay không phải quỹ BHYT chưa thanh toán cho người nhiễm HIV. Đối với trường hợp những người nhiễm HIV đã tham gia BHYT thì vẫn được thanh toán các chi phí điều trị. Riêng chi phí thuốc ARV, theo Luật BHYT, đối với những chi phí do nguồn viện trợ khác chi trả thì không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, cho nên chưa được quỹ thanh toán.

Trong trường hợp người nhiễm HIV đã có thẻ BHYT của hộ nghèo, bệnh nhân sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh thuộc phạm vi quỹ BHYT chi trả. Riêng đối với những bệnh nhân sử dụng thuốc ARV trước đó đã được nguồn kinh phí khác chi trả (hoặc tài trợ chi trả hay được cấp miễn phí) thì nay khi tham gia BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả 100%. Người nhiễm HIV bên cạnh việc được khám, điều trị, xét nghiệm và được thanh toán theo chế độ của BHYT còn được cấp thuốc kháng virus, được hưởng các chế độ liên quan đến những bệnh nhiễm trùng cơ hội và được thanh toán liên quan đến chế độ thai sản nếu bị nhiễm HIV.

Sau khi có hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ, Nghệ An là một trong hai tỉnh đầu tiên ra Nghị quyết về thực hiện BHYT cho người bị nhiễm HIV trên địa bàn. Xác định rõ những khó khăn trên, các cơ sở y tế, BHXH đã tìm nhiều giải pháp để hạn chế đến mức tối đa những khó khăn từ người bệnh. Theo đó, khi người nhiễm HIV không có điều kiện mua theo hộ gia đình thì các đơn vị luôn khuyến khích mua BHYT tự nguyện. Cơ chế để người bị nhiễm HIV được thực hiện quyền lợi khi tham gia BHYT đã được ngành Y tế, Bảo hiểm Nghệ An tích cực triển khai. Vấn đề còn lại phụ thuộc rất nhiều vào công tác truyền thông, vừa để người bệnh hiểu rõ lợi ích, vượt qua rào cản tâm lý, vừa để xã hội tránh kỳ thị, thực hiện tốt hơn nữa dịch vụ chăm sóc người bị nhiễm HIV.

.

Mai Hậu

.