Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201706/ton-trong-quyen-rieng-tu-gop-phan-bao-dam-an-toan-cho-tre-742925/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201706/ton-trong-quyen-rieng-tu-gop-phan-bao-dam-an-toan-cho-tre-742925/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tôn trọng quyền riêng tư góp phần bảo đảm an toàn cho trẻ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 15/06/2017, 15:26 [GMT+7]

Tôn trọng quyền riêng tư góp phần bảo đảm an toàn cho trẻ

Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, là món quà đặc biệt cho Tháng hành động vì trẻ em năm nay. Đây là cơ sở pháp lý và cũng là việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em trong tình hình mới; đồng thời cũng quy định trách nhiệm thực hiện các cam kết theo Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em của Việt Nam.
 
Nhân Tháng Hành động vì trẻ em năm 2017 với chủ đề “Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, Trang tin điện tử Tiếng Chuông đã có cuộc trao đổi với Luật gia Lê Thế Nhân, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng và công tác xã hội (CODES) về những vấn đề đang được quan tâm khi Luật Trẻ em có hiệu lực.
Luật gia Lê Thế Nhân.
Luật gia Lê Thế Nhân.
 
PV: Luật Trẻ em 2016 (có hiệu lực từ ngày 1/6/2017) và Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Một trong những hành vi bị cấm là cha mẹ công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân như bệnh án, kết quả học tập của trẻ... mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên, hoặc người khác đăng mà không có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ (đối với trẻ em dưới 7 tuổi). Ông đánh giá như thế nào về quy định này?
 
Luật gia Lê Thế Nhân: Quyền riêng tư, bí mật đời tư là quyền của tất cả mọi người, ai cũng có quyền này, không riêng gì trẻ em. Tôn trọng quyền riêng tư, bí mật đời tư góp phần bảo vệ nhân phẩm, sự tự do và an toàn cho bản thân cũng như người khác. Trẻ em dễ bị tổn thương bởi hành vi của người khác và của chính các em. Trẻ em cần được giám hộ để đảm bảo rằng tất cả những hoạt động liên quan đến trẻ em là vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Cha mẹ/người giám hộ có vai trò bảo vệ/đảm bảo quyền của trẻ em chứ không phải là người sở hữu quyền. Cho nên, cha mẹ/người giám hộ không có quyền tự ý quyết định thay mà phải dựa trên sự tôn trọng quyền, nguyện vọng, lợi ích tốt nhất của con cái/người được mình giám hộ. Một người lớn có trách nhiệm là luôn cân nhắc kỹ trước khi thực hiện bất kỳ điều gì liên quan đến trẻ em. Mấy câu hỏi chìa khóa có thể giúp phụ huynh thực hành điều này: Hành động này có thể ảnh hưởng gì đến trẻ, trong hiện tại và tương lai? Có cách nào khác? Làm như vậy đã vì lợi ích tốt nhất của trẻ chưa?
 
Việc hỏi ý kiến của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên là điều rất cần thiết, thể hiện việc ra quyết định của người lớn dựa trên nguyện vọng của trẻ em. Hỏi ý kiến có thể tiến hành bất kỳ trẻ em nào ở độ tuổi thấp hơn, như độ tuổi mẫu giáo, lớp 1. Việc này các bậc phụ huynh cũng đang làm hàng ngày khi hỏi thăm về tình hình học tập của con cái trong thời gian ở trường. Cần lưu ý rằng, cho dù có sự đồng ý của trẻ em và phụ huynh cho phép một ai đó sử dụng thông tin thuộc về đời sống riêng tư, bí mật gia đình - thì người sử dụng thông tin cũng cần cân nhắc sử dụng như thế nào để đảm bảo vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các trường hợp trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại.
 
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này khó thực hiện vì việc thích khoe con đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều ông bố bà mẹ, và hơn thế nữa không có chế tài xử lý. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
 
Luật gia Lê Thế Nhân: Tôi không nghĩ rằng tôn trọng người khác là một cái gì đó khó khăn. Khi một ai đó tự ý thảo luận về đời tư của bản thân chúng ta, chúng ta có cảm giác bị tổn thương/bất an không? Tôi tin là có. Cái có này thuộc về bất kỳ ai, không riêng người lớn, mà cả trẻ em. Đừng làm những điều mình không thích cho người khác. Khi cha mẹ quan niệm con cái là tài sản của mình thì cũng sẽ đối xử một cách ngộ nhận con người thành đồ vật, thích sử dụng như thế nào cũng được. Khi cha mẹ thấy rằng, con cái cũng giống mình, có tất cả các quyền như mình thì sẽ tôn trọng thân thể, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư của con mình. Điều này sẽ giúp trẻ em biết cách quý trọng bản thân, sở hữu bản thân và bảo vệ nó.
 
Việc vi phạm các quy định về quyền riêng tư, bí mật đời tư không phải là không có chế tài xử lý. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy trình bảo vệ trẻ em trong các tình huống bị vi phạm quyền riêng tư và Nghị định 56/2017/NĐ-CP vẫn mới chỉ bảo vệ quyền riêng tư trên mạng chứ chưa bảo vệ một cách toàn diện, theo tinh thần của Luật trẻ em.
 
Cha mẹ tự hào vì sự trưởng thành của con cái là những niềm hạnh phúc chính đáng. Làm sao sự tự hào đó được biểu đạt một cách phù hợp, đủ tôn trọng và không gây tổn hại đến con cái
 
PV: Theo ông, cần làm gì để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng?
 
Luật gia Lê Thế Nhân: Mỗi chủ thể khác nhau có vai trò bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng riêng. Tôi nhấn mạnh vai trò của 4 bên dưới đây:
 
Đối với trẻ em, không nên nói chuyện với người lạ trên internet; không nên cung cấp cho người khác thông tin cá nhân, gia đình, các địa chỉ, điện thoại, mối quan hệ, các hoạt động cá nhân, hình ảnh, video, tên tuổi... tất cả những thông tin thuộc về cá nhân khác; không nên để cho người khác biết mình đang ở đâu đó một mình, tâm trạng tồi tệ. Cần hỏi ý kiến của phụ huynh/người lớn đối với những lời đề nghị kèm theo lợi ích từ bạn bè trên mạng. Nên biết rõ những mối quan hệ trên mạng.
 
Đối với phụ huynh, nên cài đặt "chế độ trẻ em" trên các thiết bị có truy cập internet; không nên chia sẻ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật gia đình, tình trạng gia đình, con cái, họ tên, các địa chỉ, điện thoại, các mối quan hệ, hoàn cảnh... một cách công khai trên internet. Hỗ trợ, giám sát việc truy cập internet của con cái tránh khỏi các nguy hiểm do các tương tác trên môi trường mạng mang lại.
 
Đối với các nhà cung cấp dịch vụ, cần tăng cường việc đặt ra các tiêu chuẩn bảo vệ trẻ em tốt hơn. Xác minh độ tuổi truy cập vào các trang dịch vụ chỉ dành cho người lớn. Có những hành động can thiệp kịp thời đối với các hoạt động khiêu dâm trẻ em trên mạng qua các dịch vụ video/hình ảnh trực tuyến.
 
Đối với nhà nước, cần ban hành các hướng dẫn bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em một cách toàn diện hơn, không chỉ là bảo vệ trên mạng. 
 
Điều 33 Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: Tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.
 
Trân trọng cảm ơn ông!
.

Nguồn: Nhật Thy/Chinhphu.vn

.