Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201707/giai-phap-nao-cho-cu-nhan-that-nghiep-o-mien-tay-nghe-an-745857/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201707/giai-phap-nao-cho-cu-nhan-that-nghiep-o-mien-tay-nghe-an-745857/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Giải pháp nào cho cử nhân thất nghiệp ở miền Tây Nghệ An? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 04/07/2017, 15:00 [GMT+7]

Giải pháp nào cho cử nhân thất nghiệp ở miền Tây Nghệ An?

(Congannghean.vn)-Từ trước đến nay, các huyện vùng cao Nghệ An được xác định là khó tìm nguồn nhân lực có chất lượng. Song, thực trạng đáng buồn là tại một số huyện vùng cao của tỉnh, thời gian qua, số lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề không có việc làm, làm trái ngành nghề đang chiếm tỉ lệ khá cao. Điều này đã tác động không nhỏ đến tư tưởng người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội và tình hình ANTT của địa phương.

Sau khi không xin được việc làm đúng ngành nghề đào tạo, em Lô Thị Thúy Nga mở cửa hàng bán quần áo
Sau khi không xin được việc làm đúng ngành nghề đào tạo, em Lô Thị Thúy Nga mở cửa hàng bán quần áo

Thực trạng đáng buồn

Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, năm 2016, toàn tỉnh có 4.000 cử nhân thất nghiệp hoàn toàn và khoảng 8.000 người đã tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ thiếu việc làm, phải làm trái ngành nghề đã học. Điều này không chỉ diễn ra tại TP Vinh, các huyện đồng bằng mà còn ở các huyện vùng cao - nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Cụ thể, huyện biên giới Kỳ Sơn là địa phương có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất với trên 500 người. Tiếp đó là các huyện Quế Phong trên 400 người và Tương Dương khoảng trên 300 người.

Cách đây 3 năm, Lô Thị Thúy Nga trở thành niềm tự hào của gia đình, dòng họ cũng như người dân thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) khi thi đỗ Học viện Nông nghiệp (Hà Nội). Sau 4 năm “dùi mài kinh sử”, tốt nghiệp với tấm bằng Khá, mang hồ sơ đi xin việc khắp nơi nhưng câu trả lời mà Nga nhận được luôn là “không có chỉ tiêu”.

Thúy Nga bộc bạch: “Em mong muốn được đi làm đúng ngành nghề đã được đào tạo, nếu không sẽ lãng phí bao nhiêu tiền của gia đình bỏ ra”. Để giúp bố mẹ trả khoản tiền vay mượn chu cấp cho mình ăn học, Nga mở tạm cửa hàng bán quần áo tại thị trấn Hòa Bình và chờ đợi cơ hội được đi làm đúng ngành nghề đào tạo.

Nỗi niềm của Lô Thị Thúy Nga cũng là nỗi niềm chung của các cử nhân, cử tuyển đang bị thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành nghề. Vi Thị Dung trú tại bản Bà, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, dù đã tốt nghiệp ngành Quản trị nhân sự Trường Đại học Lao Động - Xã hội hơn 2 năm nay nhưng đành phải làm đủ các nghề như bán vé tàu ở ga Vinh, bán điện thoại ở thị trấn Mường Xén… Hiện nay, em đang ở nhà phụ bố mẹ chăn nuôi để trang trải cuộc sống sau khi ra trường và trả nợ số tiền vay mượn để chi phí trong quá trình học tập.

Giải pháp cho “bài toán” thất nghiệp

Theo tính toán, mỗi gia đình vùng cao phải bỏ ra từ 150 - 200 triệu đồng cho 1 người con sau 4 - 5 năm học đại học xa nhà. Số tiền này là rất lớn đối với thu nhập của họ. Trong lúc con em đang chịu cảnh thất nghiệp thì gia đình phải chật vật trả khoản nợ đã vay để chi phí cho con cái học tập trước đó.

Việc thừa lao động được đào tạo ở vùng cao Nghệ An - nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống đang gây ra nhiều hệ lụy. Nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp, không tìm được việc làm đúng chuyên ngành dẫn đến chán nản, ăn chơi lêu lổng rồi dính vào các tệ nạn xã hội như nghiện ngập, thậm chí là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương. Còn đối với các bậc phụ huynh, khi thấy con em mình được đi học đàng hoàng, đến lúc tốt nghiêp nhưng không được làm “cán bộ” mà về làm rẫy hoặc phải đi làm trái ngành nghề nên không còn mặn mà với việc học tập của con cái.

Trao đổi với phóng viên về nguyên nhân khiến hàng trăm sinh viên vùng cao tốt nghiệp không có việc làm, hoặc phải làm trái chuyên ngành được đào tạo, ông Thò Bá Rê, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Kỳ Sơn cho biết: Phần lớn các gia đình ở vùng cao đều nặng nề tư tưởng cho con theo học để về làm cán bộ trong cơ quan Nhà nước chứ không phải để làm thợ. Các em chủ yếu tốt nghiệp sư phạm và các ngành học thuộc lĩnh vực xã hội, trong khi nhu cầu sử dụng lại hạn chế, rất khó để bố trí công việc. Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp của chúng ta lại chưa tốt. Ngoài ra, người dân các đồng bào DTTS có thói quen muốn sống gần gia đình, ngại đi xa.

Trước thực trạng trên, chính quyền và ngành giáo dục các huyện vùng cao Nghệ An đang triển khai nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong đó, chú trọng vào khâu đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề từ bậc học THCS và THPT. “Thời gian qua, Sở đã chỉ đạo các trường làm tốt công tác phân luồng giáo dục và định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh. Đối với các trường nghề cũng phải đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với tìm đầu ra cho học sinh, sinh viên. Đây là một trong những yếu tố then chốt kéo giảm tỉ lệ sinh viên không có việc làm sau đào tạo”, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ.

Hiện, toàn tỉnh nói chung và các huyện vùng cao nói riêng đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức trong nhân dân, chú trọng công tác hướng nghiệp, dạy nghề ngay từ các bậc học THCS, THPT; đồng thời, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho công tác đào tạo nghề, thu hút các dự án đầu tư, tạo công ăn việc làm. Với những giải pháp trên, hy vọng trong thời gian tới, các bạn trẻ ở các huyện vùng cao sẽ không phải chịu cảnh thất nghiệp, làm trái ngành nghề sau khi tốt nghiệp.

.

Phạm Thủy

.