Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201707/ky-niem-70-nam-ngay-thuong-binh-liet-sy-2771947-2772017-phat-huy-truyen-thong-uong-nuoc-nho-nguon-749266/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201707/ky-niem-70-nam-ngay-thuong-binh-liet-sy-2771947-2772017-phat-huy-truyen-thong-uong-nuoc-nho-nguon-749266/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Phát huy truyền thống 'uống nước nhớ nguồn' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 26/07/2017, 07:42 [GMT+7]
Kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017)

Phát huy truyền thống 'uống nước nhớ nguồn'

(Congannghean.vn)-Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới nhưng những hy sinh, đóng góp của các liệt sỹ, thương, bệnh binh và người có công với cách mạng mãi mãi là bản hùng ca bất tử. Bằng những việc làm thiết thực, nhân văn, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đặc biệt là thế hệ trẻ luôn ghi nhớ, báo đáp công ơn của các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng, thể hiện trách nhiệm, tình cảm và truyền thống, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Tiếp bước truyền thống lịch sử và tri ân những hy sinh, đóng góp của thế hệ cha anh, tuổi trẻ Nghệ An nguyện sống, chiến đấu, lao động theo gương các anh hùng liệt sỹ (Trong ảnh: CBCS Công an Nghệ An dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt - Lào nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sỹ 27/7)
Tiếp bước truyền thống lịch sử và tri ân những hy sinh, đóng góp của thế hệ cha anh, tuổi trẻ Nghệ An nguyện sống, chiến đấu, lao động theo gương các anh hùng liệt sỹ (Trong ảnh: CBCS Công an Nghệ An dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt - Lào nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sỹ 27/7)

“Can trường, chịu nhiều mất mát, hy sinh”

Cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/2/1947, ban hành chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sỹ và quyết định chọn ngày 27/7 làm ngày Thương binh toàn quốc - ngày để tỏ lòng "hiếu nghĩa, bác ái" đối với những người có công với đất nước. Dấu mốc thời gian đó đã gắn liền với lịch sử dân tộc trong suốt sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng CNXH, khơi dậy và phát huy truyền thống, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa" trong mọi tầng lớp nhân dân và các thế hệ mai sau; đồng thời, định hướng cho việc hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách cơ bản của Đảng và Nhà nước ta đối với những người có công với cách mạng.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc; dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước thống nhất, giang sơn quy về một mối, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc được giữ vững. Có được chiến thắng đó, dân tộc Việt Nam đã phải chịu biết bao hy sinh, đau thương, mất mát.

Nghệ An - mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nghệ An là địa bàn trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù, vừa trực tiếp chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ với vô số trận địa ác liệt, vừa là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Cùng với cả nước, Nghệ An đã có hàng vạn người con ưu tú nối tiếp nhau lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong số những người con ưu tú ra đi, có biết bao người mãi mãi không trở về hoặc để lại một phần cơ thể nơi chiến trường khốc liệt, có người mang trên mình thương tích của chiến tranh. Những hy sinh, mất mát to lớn của đồng bào, đồng chí tỉnh nhà đã góp phần cùng quân dân cả nước tô đậm và viết tiếp những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Quan tâm chăm lo đối tượng chính sách, người có công

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, tạo bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, các chế độ, chính sách đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công trở thành một trong những chính sách cơ bản của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, thường xuyên được bổ sung, mở rộng và từng bước hoàn thiện. Đây là thời kỳ thực hiện chủ trương giải quyết các tồn đọng về chính sách sau chiến tranh và điều chỉnh các chế độ trợ cấp ưu đãi để nâng cao mức sống cho người có công. Thực hiện chủ trương đó, các đối tượng hưởng chính sách: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng của tỉnh tăng lên với số lượng lớn.

Để chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống của các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng, bên cạnh việc thực hiện các chính sách theo quy định của Nhà nước, Nghệ An đã có những chính sách cụ thể để động viên sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong công tác này.

Phòng Bảo vệ Chính trị Công an Nghệ An thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách tại xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn
Phòng Bảo vệ Chính trị Công an Nghệ An thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách tại xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn

Nghệ An là một trong những địa phương sớm có chủ trương thực hiện cuộc vận động toàn dân xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa". Bình quân mỗi năm, tỉnh vận động được hơn 18 tỉ đồng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ở các cấp. Từ nguồn quỹ này, cùng với sự hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa, trong thời gian qua, các địa phương, các ngành và đơn vị trong tỉnh đã tổ chức xây dựng mới 3.862 ngôi nhà và sửa chữa, nâng cấp 8.728 nhà tình nghĩa, tặng gần 40 nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình người có công trị giá hơn 10 tỉ đồng. Các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân đã đóng góp ngày công và kinh phí xây dựng hàng nghìn vườn cây, ao cá tình nghĩa.

Cuộc vận động đón thương, bệnh binh nặng về nuôi dưỡng tại gia đình đạt được kết quả tốt, đã có hàng trăm thương, bệnh binh nặng được đón về sinh sống với gia đình. Phong trào nhận phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng theo lời kêu gọi của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh hưởng ứng tích cực.

Đi đôi với việc trợ giúp trực tiếp gia đình liệt sỹ, thương, bệnh binh và người có công với cách mạng, Nghệ An đã quan tâm giải quyết những vấn đề cơ bản, lâu dài nhằm tạo sự ổn định và cải thiện đời sống các gia đình chính sách thông qua việc hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo. Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo tích cực thực hiện cải thiện nhà ở và xoá nghèo cho các hộ gia đình người có công, với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020, thực hiện xong việc xoá nhà ở tạm bợ, dột nát và hộ gia đình người có công nghèo.

Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sỹ đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Những năm qua, bằng sự nỗ lực cao, cả nước đã tìm kiếm, quy tập hơn 1.000 phần mộ liệt sỹ, đưa vào an táng tại nghĩa trang liệt sỹ hoặc nghĩa trang gia đình, dòng họ. Đặc biệt, hơn 30 năm qua, cả nước đã tìm kiếm, quy tập hơn 11 nghìn hài cốt liệt sỹ ở 47 tỉnh, thành, hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả tại nước bạn Lào về an nghỉ ở Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào huyện Anh Sơn, Đô Lương và Nghi Lộc. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng trong số hàng nghìn người con ưu tú đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, vẫn còn nhiều liệt sỹ chưa tìm được phần mộ, chưa xác định được danh tính.

Ngoài ra, việc xây dựng nghĩa trang, đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sỹ đã được các cấp, ngành quan tâm chăm lo chu đáo. Phong trào xây dựng đơn vị xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ theo 6 tiêu chuẩn hướng dẫn của Trung ương ngày càng đi vào chiều sâu, 100% xã, phường, thị trấn được công nhận là đơn vị làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.

Là những người “tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”, chia sẻ những khó khăn chung của đất nước và của tỉnh, trong những năm qua, hàng chục vạn thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng đã luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên trong cuộc sống đời thường, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các thương, bệnh binh và người có công luôn khắc ghi và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: "Thương binh tàn nhưng không phế" để công tác, hăng hái lao động sản xuất, kinh doanh và có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội.  

70 năm qua, cả hệ thống chính trị và toàn dân đã nỗ lực chăm lo thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công. Tuy nhiên, công tác này ở tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Để tiếp tục tôn vinh, đồng thời đẩy mạnh công tác “đền ơn đáp nghĩa”, thời gian tới, ngoài những việc làm, hành động thể hiện sự biết ơn đối với thế hệ cha anh đi trước, cần chú trọng tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, nhất là những trường hợp khó khăn; không để gia đình người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo; giải quyết xong những người có công với cách mạng chưa được hưởng chế độ do hồ sơ chưa đầy đủ, đảm bảo chặt chẽ với phương châm “thấu tình, đạt lý”; đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực người có công, nhất là công tác thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm mọi trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để vụ lợi, tiêu cực. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các chính sách ưu tiên trong đầu tư, hỗ trợ các nguồn vốn giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm cho con liệt sỹ, thương binh và người có công với cách mạng.

.

Xuân Thống

.