Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201709/tai-xa-quynh-chau-huyen-quynh-luu-tinh-nghe-an-thieu-phong-hoc-gan-250-chau-mam-non-khong-duoc-den-truong-756097/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201709/tai-xa-quynh-chau-huyen-quynh-luu-tinh-nghe-an-thieu-phong-hoc-gan-250-chau-mam-non-khong-duoc-den-truong-756097/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thiếu phòng học, gần 250 cháu mầm non không được đến trường - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 07/09/2017, 16:04 [GMT+7]
Tại xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An

Thiếu phòng học, gần 250 cháu mầm non không được đến trường

(Congannghean.vn)-Do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nên hiện nay, hàng trăm học sinh bậc mầm non xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu đang phải học nhờ tại 7 nhà văn hóa xóm. Tuy nhiên, do các nhà văn hóa chật hẹp, lại là nơi hội họp, diễn ra nhiều hoạt động khác của xóm nên việc học của các em không được đảm bảo, thường xuyên bị gián đoạn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học.

Thiếu cơ sở vật chất, các cháu mầm non xã Quỳnh Châu đang phải học nhờ ở các nhà văn hóa thôn
Thiếu cơ sở vật chất, các cháu mầm non xã Quỳnh Châu đang phải học nhờ ở các nhà văn hóa xóm

Năm học 2017 - 2018, Trường Mầm non Quỳnh Châu có 762 cháu đăng ký học, phân đều ở 22 nhóm lớp, trong đó nhóm 5 tuổi có 8 lớp, nhóm 4 tuổi có 9 lớp, nhóm 3 tuổi có 3 lớp và 2 nhóm lớp nhà trẻ. Thời gian qua, do điều kiện cơ sở vật chất tại cụm Trung tâm thiếu thốn, không thể đáp ứng nhu cầu học bán trú của tất cả các cháu trên địa bàn, nên hiện nay toàn xã đang có 6 lớp phải học tạm tại trụ sở ủy ban cũ và 7 lớp phải học nhờ tại các nhà văn hóa xóm, điều này gây khó khăn trong công  tác dạy và học.

Các cô giáo phụ trách những lớp lẻ này ngoài chuyên môn, còn phải đảm nhiệm thêm nhiều phần việc khác như: Đưa các cháu vào nhà dân xin đi vệ sinh, xách từng xô nước về cho cả lớp dùng, thường xuyên phải sắp xếp lại đồ đạc trong nhà văn hóa xóm để dành diện tích cho lớp. Hơn nữa, trong cùng 1 lớp học, các cháu đủ lứa tuổi (2 tuổi, 3 tuổi, 4 tuổi), giáo viên cũng khó để chọn được phương pháp dạy phù hợp. Đó là chưa kể tới việc, tại các lớp lẻ ở nhà văn hóa, mỗi lớp thường có sĩ số học sinh ít nhất 40 em. Việc học của các cháu luôn bị gián đoạn mỗi khi xóm có việc cần dùng đến nhà văn hóa. Có thể nói, học ở nhà văn hóa xóm, trẻ được chơi là chính, học và các hoạt động khác chỉ là phụ.

“Vì học nhờ nhà văn hóa của xóm nên khi xóm tổ chức các sự kiện hàng năm là lớp phải nghỉ học. Bên cạnh đó, xung quanh lớp có máy xay xát và các công trình chuồng trại của người dân nên gây tiếng ồn và mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học”, cô giáo Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quỳnh Châu cho biết.

Hầu hết điểm học ở các nhà văn hóa xóm đều không tổ chức ăn bán trú nên việc đưa con ngày 2 buổi đến trường gây rất nhiều khó khăn cho các bậc phụ huynh. Vì thế, rất nhiều phụ huynh mong muốn cho con vào học bán trú ở một ngôi trường có đầy đủ điều kiện học hành và vui chơi.

Tại cụm trung tâm Trường Mầm non Quỳnh Châu hiện có 9 phòng học, trong đó có 8 phòng ưu tiên cho các cháu 5 tuổi. Riêng 2 phòng chức năng gồm phòng âm nhạc và phòng y tế được xây dựng năm 2013 cũng được nhà trường đưa vào sử dụng để dạy cho các cháu lớp 4 tuổi. Do thiếu phòng học nên trong đợt tuyển sinh năm học 2017 - 2018, ngoài việc ưu tiên cho nhóm lớp 5 tuổi và 4 tuổi, Trường Mầm non Quỳnh Châu chỉ tuyển thêm 90 cháu nhóm lớp 3 tuổi. Điều này đồng nghĩa với việc trên địa bàn xã đang còn gần 250 cháu nhóm lớp 3 tuổi không được đến trường.

Ông Trịnh Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu cho biết: Địa phương cũng đã thống nhất sắp tới sẽ xây dựng thêm 1 cụm trung tâm ở xóm 4b. Hiện nay, đất đã quy hoạch nhưng kinh phí để xây dựng chưa có. Địa phương đang cố gắng xin hỗ trợ từ các dự án và mong muốn được sự quan tâm của huyện cũng như cấp trên, tạo điều kiện để xây dựng trường, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn.

Ở nhiều địa phương khác, muốn có học sinh bán trú, thầy, cô giáo phải đi vận động từng gia đình. Tuy nhiên, riêng ở xã Quỳnh Châu, vào đầu năm học, phụ huynh đăng ký học bán trú cho con em mình nhưng không được. Mơ ước có một ngôi trường để các cháu bậc mầm non được học tập trung không biết đến bao giờ mới thành sự thật?

.

Thanh Toàn

.