Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201712/vi-sao-it-vu-xam-hai-tinh-duc-tre-em-duoc-dua-ra-xet-xu-770731/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201712/vi-sao-it-vu-xam-hai-tinh-duc-tre-em-duoc-dua-ra-xet-xu-770731/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Vì sao ít vụ xâm hại tình dục trẻ em được đưa ra xét xử? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 08/12/2017, 07:52 [GMT+7]

Vì sao ít vụ xâm hại tình dục trẻ em được đưa ra xét xử?

Đó là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm tại Hội thảo “Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em: Từ luật pháp, chính sách đến thực tiễn” do Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên CSAGA tổ chức vào ngày 7/12 tại Hà Nội.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh Nhật Thy
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh Nhật Thy
Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên ký Công ước về quyền trẻ em vào năm 1990. Chính phủ đã có riêng Luật Trẻ em và nhiều quy định luật pháp chính sách tiến bộ về chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Tuy vậy, việc bảo vệ trẻ em tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần quan tâm, trong đó xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) là một trong những vấn đề nổi cộm. Theo số liệu của Bộ Công an, chỉ tính 6 tháng đầu năm 2017, có gần 800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Tuy nhiên số vụ án được đưa ra xét xử là rất ít.
 
Theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA, vấn đề chính của các vụ XHTDTE hiện nay là rào cản về tâm lý từ gia đình nạn nhân; sự chậm trễ và thờ ơ của chính quyền địa phương; quá trình thu thập bằng chứng kéo dài và sự đe dọa của người xâm hại.
 
Bà Nguyễn Vân Anh cho biết, người nhà nạn nhân thường xấu hổ và mặc cảm bởi các định kiến xã hội, thiếu niềm tin vào công lý, thiếu hiểu biết về quyền được tiếp cận công lý và các dịch vụ hỗ trợ tại địa phương. Đáng nói là một số gia đình có xu hướng thỏa thuận dân sự với người xâm hại.
 
Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi pháp luật chưa đặt nguyên tắc bảo vệ an toàn cho nạn nhân lên trên hết; quá trình thu thập bằng chứng kéo dài, nhiều khi khuyến khích thỏa thuận dân sự giữa người xâm hại và nạn nhân.
 
Về vấn đề này, Trung tá Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng Đội 2, Phòng 6, C45 (Bộ Công an) cho biết, hầu hết các vụ XHTDTE xảy ra nơi vắng vẻ, đặc biệt tại các vùng nông thôn sông nước, miền núi hẻo lánh thường được phát hiện muộn nên rất khó thu thập được chứng cứ sinh học như máu, lông tóc, tinh dịch và các dấu vết khác; khó xác định độ tuổi vì nhiều trường hợp khai sinh muộn hoặc không có khai sinh. Việc giám định dấu vết và độ tuổi không được kịp thời nên khó chứng minh tội phạm đặc biệt là những vụ dâm ô rất khó khăn vì ít để lại dấu vết.
 
Do nạn nhân còn nhỏ tuổi, chưa có sự phát triển, ổn định yếu tố tâm lý và nhận thức, lại bị dư chấn bởi hành vi xâm hại tình dục nên lời khai thường tản mát, thiếu chính xác, thậm chí hay thay đổi lời khai, hoặc khai theo ý của người giám hộ (cha mẹ) nên khó thu thập tài liệu chính xác
 
Đôi khi, vì tâm lý sợ ảnh hưởng tương lai khiến trẻ em, gia đình nạn nhân không muốn tố giác tội phạm, né tránh cộng tác hoặc cộng tác, cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác...
 
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa tích cực tố giác và cộng tác với cơ quan Công an trong các vụ XHTDTE.
 
Về phía đơn vị chức năng, do áp lực sợ oan sai nên có tình trạng quá thận trọng, cầu toàn của cơ quan Công an trong việc đánh giá và sử dụng chứng cứ, kiến nghị khởi tố.
 
Để tăng các vụ án được đưa ra xét xử, đảm bảo công bằng cho các nạn nhân, theo Trung tá Khổng Ngọc Oanh cần tăng cường quan hệ giữa cơ quan Công an với Cơ quan LĐTB&XH, Chi hội phụ nữ và các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, tổ chức nhân đạo khác trong việc bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân là trẻ em bị XHTD, giúp các em ổn định tâm lý và phục vụ công tác lấy lời khai, điều tra vụ án…
 
Còn theo bà Nguyễn Vân Anh, việc đưa các vụ XHTDTE ra ánh sáng rất cần sự kịp thời, khẩn trương từ các ban ngành, cá nhân, trong đó an toàn của nạn nhân là nguyên tắc quan trọng số một. Phát huy sức mạnh và sự chung tay của cá nhân, tổ chức tại cộng đồng cũng như vai trò của truyền thông trong thúc đẩy tiến độ giải quyết vụ việc. Đồng thời thúc đẩy phòng ngừa từ các vụ việc được phát hiện, xử lý cũng như hỗ trợ báo chí đưa tin có nhạy cảm giới, tránh củng cố các định kiến hoặc ảnh hưởng nạn nhân.
.

Nguồn: Nhật Thy/Chinhphu.vn

.