Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201808/bao-so-4-gay-thiet-hai-nang-ne-810317/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201808/bao-so-4-gay-thiet-hai-nang-ne-810317/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bão số 4 gây thiệt hại nặng nề - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 21/08/2018, 16:48 [GMT+7]

Bão số 4 gây thiệt hại nặng nề

(Congannghean.vn)-6 người chết; 23 ngôi nhà bị sập; 13 ngôi nhà bị tốc mái; 364 hộ dân buộc phải di dời do sạt lở, ngập úng; gần 14.000 con gia súc bị chết, nước lũ cuốn trôi; hơn 4.000 ha lúa bị ngập; hơn 22 km đường giao thông bị sạt lở, cuốn trôi… Đó là những số liệu thống kê hậu quả do bão số 4 gây ra tại Nghệ An, ước tính thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

Công an huyện Kỳ Sơn giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ
Công an huyện Kỳ Sơn giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Mặc dù bão số 4 không đổ bộ trực tiếp vào Nghệ An, tuy nhiên, do hoàn lưu của bão gây mưa lớn 2 ngày liên tiếp (từ ngày 16/8 đến 7 giờ ngày 18/8, phổ biến: 100 - 300 mm) kết hợp với một số thủy điện như Bản Vẽ, Bản Ang và Nậm Nơn xả lũ khiến các huyện miền núi phía Tây Nghệ An như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn... ngập sâu trong nước. Đặc biệt, nhiều xóm, xã nằm ven sông Lam bị ngập nặng làm nhiều tài sản, hoa màu, gia súc, gia cầm... bị chết, bị cuốn trôi theo dòng nước.

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TTCN) tỉnh Nghệ An cho biết, đến 17 giờ ngày 18/8/2018, do ảnh hưởng bão số 4, riêng địa bàn huyện Kỳ Sơn có 6 người bị thiệt mạng do lũ cuốn trôi. Tại huyện Tương Dương, QL7 đoạn từ Km120+150 đến Km 120+400 qua xã Tam Quang, huyện Tương Dương bị ngập sâu 1,5 m, đến trưa 18/8 nước đã rút nhưng các phương tiện giao thông vẫn chưa đi qua được, bùn vẫn đang ngập khoảng 0,8 m. Vì vậy, QL7A từ Kỳ Sơn, Tương Dương xuống Con Cuông và ngược lại đang bị ách tắc.

Tương tự, tại huyện Con Cuông, do nước lũ từ thượng nguồn đổ về dâng cao khiến 13 hộ dân ở thôn Vĩnh Hoàn với gần 52 nhân khẩu thuộc xã Bồng Khê phải sơ tán. Tại khối 6, thị trấn Con Cuông có 35 hộ dân cũng bị cô lập, nước tràn vào nhà và phải sơ tán. Tại xã Thạch Ngàn, nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn khiến mực nước các khe, suối dâng cao và nhanh, giao thông ách tắc và chia cắt, cô lập các bản làng trong xã thành 4 vùng; một số thôn bản như Đồng Tâm, Thanh Bình, Kẻ Trai, Kẻ Tắt, Bá Hạ đang bị cô lập do cầu tràn ngập.

Chính quyền huyện Con Cuông đã kịp thời chỉ đạo các lực lượng triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ người dân vùng bị cô lập, hàng trăm lượt CBCS và người dân phải ngâm mình trong dòng nước lũ để đưa người và đồ đạc của người dân các xã Bồng Khê, Chi Khê và thị trấn Con Cuông đến nơi an toàn. Trong quá trình tham gia ứng cứu giúp dân, có 2 chiến sỹ Công an bị thương do bị kính cắt gót chân, phải đi cấp cứu.

Lực lượng Công an và Bộ đội giúp người dân thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông vận chuyển đồ đạc ra khỏi vùng lũ - Ảnh: Trường Khuyên
Lực lượng Công an và Bộ đội giúp người dân thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông vận chuyển đồ đạc ra khỏi vùng lũ - Ảnh: Trường Khuyên

Mưa lũ cũng gây thiệt hại nghiêm trọng tại huyện Quỳ Hợp khiến 529 nhà bị ngập, 57 ngôi nhà bị sạt lở phải di dời khẩn cấp, 975,5 ha lúa bị vùi lấp, gần 150 ha cây hoa màu, hơn 177 ha ao cá bị nước tràn bờ, hơn 3.500 con gia cầm bị cuốn trôi. Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn cũng bị sụt lún, sạt lở ta luy âm gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Đặc biệt, tuyến QL48C qua xã Bắc Sơn, QL532 đoạn qua xã Châu Cường bị sạt lở nghiêm trọng và ngập sâu không lưu thông được. Toàn huyện có 105 điểm cầu tràn bị ngập, 6 cầu tạm bị cuốn trôi; công trình tuyến Kè, xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp bị cuốn trôi hoàn toàn, sạt lở 5,56 ha đất nông nghiệp, 3.750 m kênh mương hư hỏng, 1 đập thủy lợi bị vỡ, 6 cột điện, 1 trạm biến thế và nhiều cột viễn thông, đường dây hạ thế bị gãy đổ. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 36,2 tỉ đồng.

Tại huyện Anh Sơn, đường đi từ trung tâm huyện vào các xã Tam Sơn, Thành Sơn, Bình Sơn, Thọ Sơn, Hùng Sơn bị chia cắt, không thể đi vào trung tâm xã. Tại huyện Nghĩa Đàn, cầu tràn Dinh Km97+850 nối liền xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn và xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp ngập sâu trên mặt cầu 2 m; các tràn khác trên địa bàn huyện như thị trấn Nghĩa Đàn và xã Nghĩa Bình ngập sâu từ 0,5 - 0,7 m... Đặc biệt, tại xã Nghĩa Hưng, đường đi lại của 11 xóm với hơn 1.000 hộ dân đã bị chia cắt và cô lập.

Trước tình hình mưa lũ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi sát diễn biến của mưa lũ, tăng cường thông tin đến các cấp chính quyền và người dân. Đặc biệt, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ sau bão để chủ động sơ tán, di dời dân cư ở vùng thấp trũng, cửa sông vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng hạ du các hồ đập theo các kịch bản đã xây dựng trong phương án phòng, chống thiên tai của tỉnh và địa phương để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Đồng thời, các địa phương phải thống kê các thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra; tập trung xử lý ách tắc giao thông do mưa gây sạt lở; hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn cho người khu vực bị ngập, tràn qua suối, bến đò ngang.

Cùng với đó, Công ty Điện lực Nghệ An đảm bảo cung cấp điện kịp thời cho các trạm bơm vận hành tiêu úng; nhất là phải đảm bảo điện phục vụ cho các trạm bơm tiêu úng, vận hành hồ đập. Ngành thủy lợi cần kiểm tra an toàn và vận hành công trình trong các hệ thống thủy nông, chủ động tiêu úng phù hợp với tình hình của từng địa phương. Thực hiện các phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa nước thủy lợi; bố trí trực ban tại công trình 24/24 giờ trong thời gian có mưa lũ để kiểm tra, phát hiện, xử lý ngay từ giờ đầu khi có nguy cơ mất an toàn.

.

Đức Thắng

.