Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201902/doc-dao-phong-tuc-don-tet-co-truyen-838242/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201902/doc-dao-phong-tuc-don-tet-co-truyen-838242/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Độc đáo phong tục đón Tết cổ truyền - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 07/02/2019, 10:23 [GMT+7]

Độc đáo phong tục đón Tết cổ truyền

(Congannghean.vn)-Trong dịp Tết cổ truyền, dân tộc Thái ở các huyện miền núi Nghệ An có nhiều cách tổ chức ngày Tết theo tập quán riêng, tạo nên nét đặc sắc, độc đáo về phong tục, lối sống, góp phần làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. 
 
Xưa kia, dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An không ăn Tết Nguyên đán như ngày nay mà theo phong tục riêng của mình. Ngoài lễ cúng bản (xên bản), cúng mường (xên mường), hàng năm, người Thái chỉ ăn Tết cơm mới (khẩu mớ) tổ chức vào tháng 7 lịch Thái (tháng Giêng âm lịch). Chỉ từ sau Cách mạng tháng 8/1945 trở lại nay, đồng bào Thái mới ăn Tết Nguyên đán theo người Kinh. Thậm chí, các nhóm Thái ở 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn mãi sau những năm 60 của thế kỷ trước mới ăn Tết Nguyên đán. Riêng nhóm Thái Tày, Mường thì từ lâu vừa cúng bản, cúng mường, ăn Tết cơm mới, vừa ăn Tết Nguyên đán theo người Kinh. 
Nam thanh nữ tú  múa hát trong  dịp Tết
Nam thanh nữ tú múa hát trong dịp Tết
Từ sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954) trở đi, lễ cúng bản, cúng mường của người Thái đã mai một hoặc chỉ còn tồn tại ở một số nơi. Riêng Tết cơm mới vẫn được duy trì nhưng thường tổ chức đơn giản. Giống như nhiều dân tộc trong cả nước, bên cạnh các yếu tố văn hóa cổ truyền, những nét đặc sắc trong phong tục đón Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Thái đã và đang xâm nhập, hòa quyện vào đời sống của họ. 
 
Ông Lương Tiến Phượng, thầy mo ở bản Vẽ, huyện Tương Dương kể rằng, người Thái trên vùng cao Tương Dương ăn Tết chung với Tết Nguyên đán của cả nước. Tuy nhiên, tục đón năm mới của người Thái nơi đây lại có nhiều điều thú vị, mang đậm bản sắc riêng. Theo tập tục, người Thái bắt đầu ăn Tết từ ngày 25 tháng Chạp âm lịch cho đến hết mồng 10 tháng Giêng của năm mới, trong đó mâm cơm cúng Tết có những nét riêng biệt và độc đáo. 
 
Xưa kia, mâm cơm cúng trong ngày Tết của người Thái ở Tương Dương, đặc biệt là nhóm “Tay Mười” không thể thiếu các món ăn như cơm mới, cá moọc, cá chua, cơm đồ xôi trộn con cá, thịt thú rừng, nai khô, cơm cốm, măng khô… Đây là những món bắt buộc phải có trong mâm cỗ cúng Tết. Người Thái quan niệm, cỗ cúng Tết phải đầy đủ, nhiều thịt, cá… thì tổ tiên mới phù hộ cho làm nương được mùa, cái bụng no quanh năm. 
Lễ cúng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái
Lễ cúng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái
Theo tập tục, người Thái ở huyện Tương Dương cúng tổ tiên từ 25 tháng Chạp đến hết ngày mồng 5 của năm mới. Trước đây, đồng bào Thái cúng tổ tiên bằng những sản vật săn bắn được, còn ngày nay dù không thay đổi nhiều nhưng cũng có vài điểm khác. Sau này, người Thái mới có tục gói bánh chưng và thường gói vào 29 hoặc 30 Tết. Bánh chưng được chia thành 2 loại trắng, đen. Để làm bánh chưng đen, dân bản đốt rơm cây thơm lên, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi mới gói. Muốn bánh có màu đen đẹp bóng, ngay từ tháng 10 âm lịch, sau vụ gặt lúa mùa, người ta chọn nếp dẻo thơm nhất và rơm cọng to, có màu vàng ươm về cất sẵn. Ngoài ra, trước khi gói bánh thêm ít hạt vừng xay nhỏ trộn vào để tạo vị đậm đà cho bánh. Thường thì bánh chưng của dân tộc Thái ít dùng nhân, bởi đồng bào Thái quan niệm, hương vị của Tết trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của nếp mới, rơm vàng và lá dong. Theo đồng bào Thái, đó là tinh hoa của thành quả lao động để dâng lên tổ tiên. 
 
Tết của người Thái ở huyện Tương Dương còn có tục đón giao thừa “Pồng Cháy, kháy hoọng”. Tức là đêm đó mọi người sẽ không ngủ, đèn trên bàn thờ không được tắt, hương nhang không được tàn. Cả nhà ngồi quanh bếp lửa, làm các loại bánh trái như bánh ít, bánh rán, đồ cá, moọc, nạp… hoặc đơn giản là cùng chuyện trò với nhau, thỉnh thoảng con cháu đánh cồng chiêng báo hiệu giờ giao thừa sắp đến. Sáng mồng 1, các gia đình sẽ ra suối lấy nước mát về mong may mắn cả năm. Đến chiều, tất thảy già trẻ, trai, gái đều gội đầu để gột trôi hết mọi xui xẻo, vất vả của năm cũ, đón chờ những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.
 
Cách đón mừng năm mới của đồng bào Thái ở huyện Nghĩa Đàn cũng rất riêng và độc đáo. Theo tục lệ, sau khi thực hiện xong nghi lễ ở gia đình, tổ tiên, vào sáng mồng 1 Tết, tất cả bà con từ người già đến trẻ nhỏ quây quần tại nhà văn hóa làng để cùng nhau làm một mâm cỗ cúng đầu xuân năm mới. Mâm cỗ được chuẩn bị rất tinh tươm, ngoài các món truyền thống như gà, xôi, bánh chưng, còn có các loại bánh ít, ho móc, chà lam. Theo quan niệm của đồng bào Thái nơi đây, việc làm mâm cỗ cúng đầu xuân năm mới tại làng không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà còn thể hiện sự sung túc, no đủ; đồng thời, thể hiện lòng thành kính của con cháu nhớ về cội nguồn, tổ tiên, cầu mong được phù hộ sức khỏe dồi dào, con trâu, bò lớn nhanh như thổi. Đặc biệt, trong mâm cỗ cúng, các món gà và cá phải được người đàn ông có uy tín trong làng trực tiếp làm, còn các món xôi, bánh là do chị em phụ nữ đảm nhận. 
 
Còn người Thái Khăng ở huyện Kỳ Sơn không tổ chức chung với Tết Nguyên đán của người Kinh mà ăn Tết vào rằm tháng 7 hàng năm. Theo các già làng người Thái Khăng, Tết này giống như Tết hoa quả của người Kinh nên việc soạn sửa mâm cúng lễ không cần quá cầu kỳ, tuy nhiên, món không thể thiếu là “họ khầu xạc”. Món này được bỏ ít xôi, thịt, cá đùm trong lá dong. Ngoài ra, để cúng các cô hồn, người Thái Khăng còn treo lên cửa nhà 5 gói “họ khầu xạc”. Khi mọi thứ đã xong xuôi, gia chủ mời thầy cúng trong bản về nhà làm lễ, cầu 1 năm mới bình an, may mắn. Sau khi làm lễ xong ở nhà, mỗi gia đình phải mang 5 gói “họ khầu xạc” đến để góp cho mo làng, đây là nhân vật có tiếng nói nhất trong bản và điều  hành mọi việc tâm linh của dân làng. 
 
Năm mới cũng là dịp để bà con khắp làng trên bản dưới của đồng bào Thái cùng quây quần bên nhau nhìn lại những thành quả của 1 năm lao động sản xuất và hòa mình trong không khí lễ hội đông vui, rộn ràng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ bắt đầu diễn ra từ ngày mồng 1 Tết cho tới mồng 10. Từ già đến trẻ cùng nhau tham gia các tiết mục nhảy sạp, khắc luống, múa hát lăm vông, cồng chiêng… và thưởng thức món ngon truyền thống, mời nhau những chén rượu nồng, chúc nhau sức khỏe, thịnh vượng và an khang. Đặc biệt, những ngày này, mọi người đều quan tâm đến lời ăn tiếng nói, cách ứng xử với hàng xóm, láng giềng, bạn vè và người thân trong gia đình. Mọi người đều vui mừng, hồ hởi trong không khí ấm áp của mùa xuân và rất kỵ to tiếng vì sợ sẽ bị “dông” cả năm. 
 
Dù là người Thái ở địa phương nào, dù đón Tết trước hay chung với Tết Nguyên đán thì những ngày này đối với đồng bào Thái vẫn mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, trang trọng. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, ai cũng mong muốn mọi xui xẻo sẽ trôi đi theo năm cũ và những điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người trong năm mới...
.

Hồng Lĩnh

.