Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201904/hau-qua-khon-luong-tu-phong-trao-anti-vac-xin-847227/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201904/hau-qua-khon-luong-tu-phong-trao-anti-vac-xin-847227/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hậu quả khôn lường từ phong trào anti vắc-xin - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 03/04/2019, 09:54 [GMT+7]

Hậu quả khôn lường từ phong trào anti vắc-xin

(Congannghean.vn)-Đến thời điểm hiện tại, dịch sởi trên địa bàn cả nước nói chung và tại tỉnh Nghệ An nói riêng cơ bản đã được kìm giữ. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề tiêm chủng để phòng ngừa bệnh thì vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn, nhất là khi việc phản đối vắc xin đã gây ra những hậu quả khôn lường, đặc biệt là đối với trẻ em.

Tiêm chủng là giải pháp hữu hiệu nhất để giúp trẻ phòng ngừa các loại dịch bệnh
Tiêm chủng là giải pháp hữu hiệu nhất để giúp trẻ phòng ngừa các loại dịch bệnh

Thời gian qua, trong khi ngành Y tế và cả cộng đồng đang “gồng mình” tìm giải pháp để ngăn ngừa dịch sởi lây lan thì trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên tiêm vắc-xin cho trẻ. Điều đáng lo ngại đó là nhiều bậc cha mẹ khẳng định rằng, chính vắc-xin là nguyên nhân gây bệnh và bày tỏ quan điểm nhất quyết không tiêm phòng cho con, từ đó tạo ra phong trào  anti vắc-xin (có thể hiểu là phản đối vắc-xin).

Thậm chí, trên mạng xã hội còn lập ra trang facebook kêu gọi cộng đồng tẩy chay vắc-xin thu hút hàng chục nghìn người tham gia. Tại đây, họ chia sẻ nhiều thông tin thiếu căn cứ khoa học như khi tiêm vắc-xin, trẻ có nguy nhiễm độc chì, thủy ngân hoặc mắc bệnh tự kỷ... Vì thế, những người này cho rằng, nếu để phát triển theo tự nhiên, trẻ vẫn có thể khỏe mạnh, tự tạo ra hệ miễn dịch chống lại các loại bệnh tật mà không cần phải tiêm chủng. Chính sự thiếu hiểu biết và những quan điểm sai lầm của các bậc cha mẹ đã khiến cho con cái mình phải gánh chịu những hậu quả vô cùng nặng nề.

Năm 2014, đại dịch sợi bùng phát mạnh tại Việt Nam khiến hơn 100 trẻ tử vong là bài học nhãn tiền trong công tác phòng ngừa bệnh. Dịch sởi cũng là nỗi lo lắng, hoang mang của các nước trên thế giới khi năm 2018, tại 47 quốc gia châu Âu với dân số gần 900 triệu người, đã có khoảng 82.600 người được ghi nhận mắc bệnh sởi, trong đó có 72 trường hợp tử vong. Đây là mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Năm 2019 được dự báo là năm chu kỳ của dịch sởi và trên địa bàn cả nước đã ghi nhận gần 8.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có gần 900 trường hợp dương tính với sởi.

Còn tại Nghệ An, số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, từ ngày 1/1 - 10/3/2019, toàn tỉnh có 770 ca bị mắc sởi, phần lớn điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm, trong số những trường hợp bị mắc bệnh sởi thì hơn 95% là do không được tiêm chủng theo đúng định kỳ, trong đó tập trung nhiều nhất là đối tượng trẻ em và phụ nữ mang thai. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do nhận thức sai lầm của người dân về vấn đề tiêm chủng, trong đó phong trào anti vắc-xin phát triển mạnh mẽ tại nhiều nước trên thế giới và tất nhiên không loại trừ Việt Nam.

Để hoạt động tiêm chủng tiếp tục đạt hiệu quả, theo bác sĩ Nguyễn Văn Định, trong thời gian tới, Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng hệ thống tiêm chủng các cấp và tiêm dịch vụ, đảm bảo mục đích đạt chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực, đáp ứng nhu cầu khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm và tư vấn cho người dân. Sự phối hợp giữa hệ điều trị và hệ dự phòng trong quá trình tiêm chủng cũng được xem là yếu tố quan trọng nhằm hạn chế các phản ứng sau tiêm; đồng thời, phải cung ứng đầy đủ vắc-xin theo định kỳ để tạo thành thói quen, phong trào tiêm chủng đầy đủ trong nhân dân.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, hỗ trợ của các phương tiện truyền thông thực sự rất cần thiết. Thông qua báo đài, tờ rơi, áp phích, đội ngũ cộng tác viên y tế thôn bản và hệ thống chính quyền để người dân hiểu rõ bản chất của việc tiêm chủng, từ đó tạo đồng thuận, hưởng ứng trong nhân dân; đồng thời, tẩy chay những thông tin thiếu căn cứ khoa học như phong trào anti vắc-xin đã tuyên truyền trong thời gian qua.

Cần phải khẳng định rằng, vắc-xin là thành tựu của ngành y học thế giới và chương trình tiêm chủng quốc gia chính là một chính sách ưu việt, nhân văn của Việt Nam. Vì thế, chúng ta cần có sự nhận thức đúng đắn để tiếp tục nhân rộng, phát triển những thành quả đó nhằm đẩy lùi các loại dịch bệnh, đặc biệt là để cho những đứa trẻ không còn phải mang hệ lụy suốt cuộc đời…

.

Ngọc Anh

.