Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201904/hoan-tho-sau-khai-khoang-con-nhieu-an-hoa-848762/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201904/hoan-tho-sau-khai-khoang-con-nhieu-an-hoa-848762/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hoàn thổ sau khai khoáng: Còn nhiều ẩn họa - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 11/04/2019, 14:06 [GMT+7]

Hoàn thổ sau khai khoáng: Còn nhiều ẩn họa

(Congannghean.vn)-Chỉ trong thời gian chưa đầy 1 tháng, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn lao động khiến 4 người chết, 2 người khác bị thương. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp khai thác khoáng sản “quên” hoàn thổ sau khai thác, để lại những “cái bẫy” chết người.
 
Chiều tối 5/4/2019, một nhóm người cùng trú tại xã Châu Hồng rủ nhau đến khu vực mỏ Thung Khoong, thuộc xã Châu Hồng (Quỳ Hợp) để mót quặng thiếc đem bán. Đây là khu vực trước đây có doanh nghiệp khai thác thiếc, nhưng đã dừng hoạt động nhiều năm nay. Trong lúc đang mót quặng, bất ngờ một lượng bùn đất lớn sạt lở và vùi lấp chị Lô Thị Huế (SN 1984) trú tại bản Poòng và chị Vi Thị Hương (SN 1980) trú tại bản Na Hiêng, cùng xã Châu Hồng. Chị Hương may mắn được những người đi cùng kịp thời cứu sống, còn chị Huế bị vùi lấp sâu trong đống bùn đất và tử vong.
Những “cái bẫy” chết người của các doanh nghiệp                      khai thác khoáng sản để lại sau thời gian khai thác
Những “cái bẫy” chết người của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản để lại sau thời gian khai thác
Trước đó, vào ngày 13/3, tại khu vực núi Lan Toong, Suối Bắc, xã Châu Hồng cũng đã xảy ra vụ sập hầm khai thác khoáng sản làm 3 người chết. Danh tính 3 nạn nhân gồm: Lương Văn Tuấn (SN 1977), Lương Thị Hảo (SN 1982) và Sầm Thị Hải (SN 1987), đều trú tại bản Chảo, xã Châu Hồng. 
 
Hai vụ việc mất an toàn lao động trên địa bàn Quỳ Hợp có chung đặc điểm là đều xảy ra tại các vị trí mà trước đây, các doanh nghiệp khoáng sản đã khai thác, sau khi có quyết định đóng cửa mỏ của UBND tỉnh, đã rời đi, bàn giao lại mặt bằng cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, tại các vị trí này, doanh nghiệp đã hoàn thổ hay “quên” hoàn thổ, khôi phục lại mặt bằng, hiện trạng khu vực khai thác thì đang là một vấn đề khác, bởi nói như ông Lương Văn Long, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng thì trên địa bàn còn nhiều điểm mỏ đã dừng khai thác và đều được ngành chức năng chứng nhận đã hoàn thổ đúng quy trình và quy định. Tuy nhiên, những điểm mỏ được cho là hoàn thổ ấy hiện vẫn còn là những “cái bẫy” chết người. 
 
Theo quy định, hoàn thổ (khôi phục lại mặt bằng, hiện trạng khu vực sau khai thác) là nghĩa vụ bắt buộc của các đơn vị, doanh nghiệp sau khi kết thúc hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản. Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 68 của Chính phủ, Thông tư 126 của liên Bộ Tài chính, Công nghiệp, Tài nguyên và Môi trường cũng đã quy định rõ các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng phải ký Quỹ phục hồi môi trường tùy theo mức độ, diện tích và trữ lượng mỏ nhằm giải quyết những hậu quả về môi trường sau khai thác. Quỹ phục hồi môi trường sẽ tương xứng với phần chi phí bồi hoàn, khắc phục lại hiện trạng trước khi tiến hành khai thác. Nhà nước sẽ giữ số tiền các doanh nghiệp khai thác ký quỹ. Sau khi khai thác xong, doanh nghiệp hoàn thổ hiện trạng đúng như cam kết thì được rút khoản tiền đó ra. Trường hợp doanh nghiệp không làm, Nhà nước dùng quỹ đó để trả chi phí thuê thực hiện.
 
Quy định là vậy, nhưng phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều hoặc đối phó, hoặc “quên” hoàn thổ sau khai thác. Tại nơi được ví là “thủ phủ” khoáng sản của Nghệ An, số liệu thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp cho thấy, trên địa bàn huyện này có 46 mỏ đá và quặng thiếc được cấp phép. Trong số 20 mỏ hết phép khai thác thì chỉ có 2 mỏ đã hoàn thổ mặt bằng. Qua các đợt kiểm tra, huyện này đã nhiều lần có ý kiến đề xuất với Sở Tài nguyên và Môi trường, cần có các biện pháp mạnh, yêu cầu doanh nghiệp hoàn thổ để đảm bảo an toàn nhưng vẫn có nhiều đơn vị phớt lờ.
 
Cũng không riêng tại huyện Quỳ Hợp, rất nhiều mỏ khoáng sản trên địa bàn Nghệ An, việc trả lại mặt bằng sau khai thác đang bị xem nhẹ. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 140 mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác hoặc ngừng hoạt động, cần phải thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Bên cạnh công tác hoàn thổ, tại các mỏ khai thác khoáng sản, đặc biệt là những mỏ hoạt động trong lĩnh vực khai thác đất, đá, quặng sắt và quặng thiếc, mới đây đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An chủ trì, tiến hành kiểm tra việc chấp hành thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công, việc tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động, các vi phạm pháp luật về lao động đối với các hoạt động khai thác tại các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn. 
 
Kết quả, đã chỉ ra nhiều sai phạm, bất cập tại các mỏ khai khoáng này, trong đó sai phạm chủ yếu là việc đầu tư xây dựng cơ bản mỏ và tổ chức khai thác chưa đảm bảo theo đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động trong khai thác và chế biến. Ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động và người lao động tại một số doanh nghiệp chưa nghiêm. Việc tổ chức khai thác chủ yếu được thực hiện theo cách cổ điển, truyền thống, giao khoán cho các thợ khai thác không có trình độ chuyên môn, dẫn đến khai thác sai thiết kế và mỏ không an toàn lao động.
.

THIÊN THẢO

.