Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201905/nghia-cu-dep-cua-mot-cuu-binh-gia-852010/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201905/nghia-cu-dep-cua-mot-cuu-binh-gia-852010/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nghĩa cử đẹp của một cựu binh già - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 02/05/2019, 08:30 [GMT+7]

Nghĩa cử đẹp của một cựu binh già

(Congannghean.vn)-Trong câu chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng ông dừng lại như để giấu đi cảm xúc nghẹn ngào khi kể về những năm tháng cầm súng chiến đấu vì hòa bình, độc lập của dân tộc. Ông bảo, mình còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội khi được trở về lành lặn sau chiến tranh. Bởi thế mà, với ông, làm việc thiện chính là tâm niệm suốt cả cuộc đời…

Những năm tháng không thể nào quên

Chúng tôi đến thăm vợ chồng ông Bùi Tiến Đông (SN 1947) và bà Tăng Thị Ngọc Liễu (SN 1950) trú tại xóm 15, xã Nghi Kim, TP Vinh trong 1 ngày giữa tháng 4 trời nắng như đổ lửa. Ngôi nhà nằm sâu trong con ngõ nhỏ, cách không xa đoạn đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt Bắc - Nam tại Km 314+550. Lần dở từng kỷ vật chiến tranh, ông bà kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng ác liệt nhưng cũng là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mình.

Vợ chồng ông Đông, bà Liễu bên những kỷ vật chiến tranh
Vợ chồng ông Đông, bà Liễu bên những kỷ vật chiến tranh

Ông Đông sinh ra và lớn lên tại huyện Đông Sơn (nay là phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) trong 1 gia đình có 8 người con. Năm 1970, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ, tham gia huấn luyện tại Trung đoàn 16 đóng trên địa bàn huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Sau đợt huấn luyện, ông được điều động chiến đấu tại nhiều chiến trường như miền Đông và miền Tây Quảng Trị, chiến trường miền Nam rồi tham gia chiến đấu ở Lào với nhiều trận đánh ghi dấu lịch sử.

Cho đến tận bây giờ, ông vẫn không thể nào quên những ngày tháng cùng đồng đội đối diện với kẻ thù, khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Ông vẫn nhớ như in hình ảnh đồng đội hy sinh trên tay mình khi thân thể không còn nguyên vẹn, hình ảnh của những cô giao liên bị địch bắt, hãm hiếp và đánh đập tàn bạo cho đến chết. Điều đó đã ám ảnh ông ngay trong từng bữa ăn, giấc ngủ sau này. “Do ảnh hưởng của bom đạn nên có lúc chồng tôi không còn minh mẫn như trước. Nhiều đêm, khi cả nhà đang say giấc, nghe thấy tiếng chồng hét toáng lên rồi tỉnh dậy ôm mặt khóc nức nở là tôi biết trong giấc mơ, ông ấy đã gặp đồng đội. Lúc nào ông cũng nói với vợ con rằng, mình được sống sót trở về là một điều may mắn và kỳ diệu…”, bà Liễu - vợ ông Đông chia sẻ.

Do bị thương nên tháng 12/1975, ông Đông được chuyển về công tác tại Trung đoàn 105 thuộc Quân khu 4 đóng tại Nghệ An và đi xây dựng các công trình ở xã Trung Sơn, huyện Đô Lương. Khoảng thời gian này, ông quen biết bà Liễu - 1 cựu lính công binh tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào trở về. Sự đồng cảm, thấu hiểu đã giúp 2 người xích lại gần nhau. Năm 1976, hai ông bà nên duyên vợ chồng. Cũng từ đó, ông lấy Nghệ An làm quê hương thứ 2 của mình. Đến năm 1981, ông Đông phục viên và đưa vợ con từ Đô Lương xuống sinh sống, lập nghiệp tại xã Nghi Kim, TP Vinh. Ngày qua ngày, ông đi làm thợ xây, còn bà chạy chợ nuôi 4 đứa con ăn học thành người. Bà Liễu cho chúng tôi xem những mảng da thịt lồi lõm trên cơ thể do bom Mỹ gây ra. Bà bảo, giờ nghĩ lại vẫn chưa hết rùng mình nhưng vẫn vô cùng hạnh phúc và tự hào về những tháng ngày đẹp nhất trong cuộc đời…

Trạm gác tàu hỏa của vợ chồng cựu binh già

Nhà gần đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt Bắc - Nam nên hàng ngày, gia đình ông Đông đã quá quen thuộc với hình ảnh của những chuyến tàu thường xuyên qua lại. Đặc biệt, năm 2005 - 2006, khi lượng công nhân đổ về Công ty bật lửa ga đóng trên địa bàn ngày càng đông cũng là thời điểm ông bà phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn tàu hỏa thương tâm. Điều đó khiến ông trăn trở, suy nghĩ về việc gác tàu để nhắc nhở, cảnh báo người dân khi qua lại nơi đây. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, phải cùng vợ bươn chải mưu sinh nên ông chưa có điều kiện để thực hiện. Mãi đến Tết Nguyên đán năm 2006, sau khi chứng kiến cái chết thương tâm của cô gái trẻ làm việc tại Công ty bật lửa ga, ông càng quyết tâm hiện thực hóa tâm nguyện của mình.

“Ngày mồng 8 Tết năm ấy, cô bé ở xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên xuống Công ty làm việc. Khi cố băng qua đường sắt để sang nhà dân xin gọi điện thoại về cho gia đình, cháu đã bị tàu cán không còn nguyên vẹn. Chứng kiến cảnh gia đình và bạn bè đi dọc đường ray nhặt từng mẩu thi thể để làm lễ khâm liệm cho cháu mà tôi xót xa, rụng rời. Từ hôm đó, tôi quyết định ra đứng gác ở đường tàu này”, ông Đông chia sẻ.

Quyết định của ông không được con cái đồng tình, phần lớn là do khi kinh tế gia đình đã ổn định, họ muốn bố được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Tuy nhiên, bà Liễu lại hết lòng ủng hộ ông. Từ hôm đó đến nay đã 13 năm đằng đẵng, bất kể ngày đông giá rét hay ngày hè nắng nóng, ông Đông vẫn cần mẫn ra hướng dẫn người dân và công nhân qua lại đoạn đường ngang dân sinh. Có những thời điểm như năm 2005 - 2010, do Công ty bật lửa ga tăng cường thêm công nhân làm việc, lượng người qua lại đoạn đường này đông nên ông phải trực từ 5 giờ 30 phút đến 21 giờ, tuy nhiên chưa bao giờ ông cảm thấy áp lực, mệt mỏi và muốn từ bỏ công việc của mình.

Đã 13 năm trôi qua, bất kể giá rét hay nắng nóng, ông Đông vẫn đều đặn ra đường ngang dân sinh hướng dẫn người dân qua đường sắt được an toàn
Đã 13 năm trôi qua, bất kể giá rét hay nắng nóng, ông Đông vẫn đều đặn ra đường ngang dân sinh hướng dẫn người dân qua đường sắt được an toàn

13 năm, với người dân và công nhân ở đây, hình ảnh người đàn ông nhỏ bé đứng ra hiệu lệnh cho mọi người qua lại đã trở nên quá quen thuộc và gần gũi. Cảm phục tấm lòng của ông bà, thỉnh thoảng họ mang đến nhà biếu vài cân gạo, bó rau, còn Công ty bật lửa ga cũng hỗ trợ một phần kinh phí để động viên ông tiếp tục công việc. Tháng 11/2018, ông Đông bị tai nạn xe máy phải nằm điều trị một thời gian dài, bà Liễu lại thay chồng đều đặn ra đứng gác. Đến đầu năm 2019, ngành Đường sắt về khảo sát và tiến hành lập cột gác điện tử ở khu vực này nhưng ngày ngày, ông Đông vẫn ra hỗ trợ, vì theo ông, “cột gác điện tử tiện nhưng không nhạy, nhiều người ý thức kém vẫn cố tình băng qua sẽ xảy ra hậu quả đau lòng”.

Ông Phạm Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nghi Kim, TP Vinh cho biết: “Việc làm của vợ chồng cựu chiến binh Bùi Tiến Đông đã khiến nhiều người dân và hội viên hết sức cảm phục. Hiện, chúng tôi đang làm hồ sơ đề nghị lên cấp trên biểu dương gương điển hình của đồng chí trong công tác phối hợp đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn”.

Đã 13 năm trời ông Đông tự nguyện ra đứng gác ở đường ngang dân sinh cũng là chừng ấy thời gian, khu vực này không còn xảy ra vụ tai nạn đường sắt thương tâm nào. Mỗi lần qua lại nơi đây, nhìn thấy ông, người dân và công nhân Công ty bật lửa ga cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Có những người, chỉ vì một phút giây vội vàng, bất cẩn, cố tình băng qua liền bị ông ngăn lại, có lúc làm ngã cả người lẫn xe. Tuy nhiên, sau đó rối rít cảm ơn ông vì đã cứu mạng mình trong gang tấc… Tấm lòng của vợ chồng cựu chiến binh Bùi Tiến Đông đã giúp chúng tôi cảm nhận và hiểu sâu sắc hơn phẩm chất của những người lính cụ Hồ: Dù ở đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, trong khói lửa chiến tranh hay cuộc sống đời thường, họ vẫn tỏa sáng bởi sự cao đẹp, thiêng liêng nhưng cũng rất đỗi giản dị, chân thành…

.

Ngọc Anh

.