Thứ Tư, 22/05/2019, 08:39 [GMT+7]

Nơi bạn đọc gửi gắm niềm tin

(Congannghean.vn)-Mỗi năm Tòa soạn Báo Công an Nghệ An nhận được hàng trăm đơn, thư hoặc thông tin phản ánh của bạn đọc khắp nơi gửi về. mỗi lá đơn là một niềm mong mỏi sự việc được báo chí làm sáng tỏ. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều lá đơn mang tính chất “nặc danh” cố ý bôi xấu, hạ thấp uy tín người khác nhằm thỏa mãn mục đích nào đó, đòi hỏi công đoạn xác minh phải hết sức kỹ lưỡng, cẩn thận!

Tác giả (người đeo kính) trong lần gặp già làng La Văn Yêu ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông
Tác giả (người đeo kính) trong lần gặp già làng La Văn Yêu ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông

Cho đến bây giờ, người viết bài này vẫn nhớ như in cảm giác sung sướng, hân hoan của các thành viên trong gia đình bà Phan Thị Thanh ở xóm 6, xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên khi dọn vào ngôi nhà mới khang trang cách đây hơn 6 năm, sau hơn nửa đời lênh đênh trên sông nước với chiếc nốc (thuyền nhỏ) xi măng cũ nát, bám dưới chân cầu Cửa Tiền, TP Vinh.

Trở lại câu chuyện này, tình cờ tôi biết đến hoàn cảnh “đặc biệt” của một gia đình thân nhân liệt sỹ. Cả gia đình ấy có đến 3 người thân đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thế nhưng, hơn 30 năm, gia đình họ vẫn phải sống lênh đênh trên chiếc nốc xi măng cũ kỹ, tồi tàn, hàng ngày vẫn neo đậu dưới chân cầu Cửa Tiền.

Qua tìm hiểu mới biết, đôi vợ chồng già này là ông Nguyễn Xuân Liệu và bà Phan Thị Thanh. Họ đến với nhau trong một hoàn cảnh hết sức éo le, bi đát. Bà Thanh có chồng là liệt sỹ, một mình nuôi con, ông Liệu có vợ và bố là liệt sỹ, cũng một mình nuôi con, họ gặp nhau trong cảnh kẻ côi phu, gặp người góa phụ mà nên duyên chồng vợ. Chiếc nốc xi măng trước đó dùng để vận chuyển cát thuê để kiếm sống, sau này nó cũ nát quá, thành nơi trú ngụ của cả gia đình. Hoàn cảnh đói nghèo, lấy việc làm thuê, làm mướn để sinh sống, các con của bà Thanh đều thất học, cả gia đình duy nhất chỉ bà biết chữ. Dường như mong ước về “tấc đất cắm dùi” của gia đình bà Thanh bao năm là mơ ước quá xa vời!

Sau khi tìm hiểu thông tin sự việc, ngày 14/10/2012, Báo Công an Nghệ An đã đăng tải bài viết “Gia đình thân nhân liệt sỹ mòn mỏi chờ xét duyệt cấp đất”; tiếp đó, ngày 20/3/2013, bài viết “Cần đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho thân nhân người có công” cũng đã được đăng tải. Nội dung các bài báo tập trung phản ánh về hoàn cảnh và nguyện vọng tha thiết của một gia đình thân nhân liệt sỹ xin được cấp đất để dựng nhà.

Sau khi các bài báo được đăng tải, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành địa phương nên gia đình bà Phan Thị Thanh đã được xét duyệt cấp một lô đất theo định giá Nhà nước, có diện tích 220 m2, tại xóm 6, xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên. Tiếp đó, được sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể, tháng 9/2013, công trình nhà tình nghĩa tặng gia đình bà Thanh được khởi công xây dựng, với tổng kinh phí 145 triệu đồng. Từ tháng 11/2013, ngôi nhà hoàn thành và được bàn giao cho gia đình bà Thanh sử dụng. Đúng như ước nguyện, sau khi có tấc đất “cắm dùi”, có nhà mới để ở, gia đình bà Thanh đã soạn sửa bàn thờ thật trang trọng để vong linh các liệt sỹ được an lòng.

Nhiều năm sau, mỗi lần gặp lại, gia đình bà Thanh đều nhắc đến Báo Công an Nghệ An như một sự tri ân sâu sắc. Bà Thanh nói, cả đời tôi sẽ không quên ân tình này!

Trong số hàng nghìn tin, bài đã đăng tải trên Báo Công an Nghệ An, bản thân tôi không thể quên lá đơn của những người dân ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương phản ánh những bất cập trong quá trình thu hồi đất tại khu vực Khe Mừ, thuộc xã này để thực hiện Dự án tái định cư cho các hộ dân chịu ảnh hưởng sạt lở ven sông Lam.

Thời điểm đó, vào khoảng năm 2012 - 2013, trong một chuyến công tác tại xã Thanh Thủy, chúng tôi gặp ông Nguyễn Sỹ Bình, một trong những hộ dân có đất rừng bị thu hồi để thực hiện Dự án. Ông Bình cho hay, người dân ở đó rất bất bình về một số vấn đề liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, trong đó có việc Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng “bỏ qua” việc đền bù “chi phí đầu tư còn lại” trên các thửa đất bị thu hồi, khiến người dân bức xúc. Sau khi nghiên cứu tài liệu, chúng tôi đã thực hiện liên tục nhiều bài viết phản ánh sự việc trên. Và sự mong đợi của người dân đã được đáp ứng, Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư dự án đã xem xét lại việc đền bù, hỗ trợ trước đó!

Hay như một trường hợp gần đây (chúng tôi không tiện nêu địa chỉ đích danh) của một gia đình nghèo nhiều lần bị trả hồ sơ trong quá trình xin cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Chủ hộ cho biết, sau nhiều lần chỉnh sửa hồ sơ, thậm chí nhờ người có am hiểu để hoàn thiện hồ sơ gửi lên Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện (VPĐKQSDĐ), tuy nhiên, hồ sơ tiếp tục bị trả về với lý do, đất của hộ gia đình này không nằm trong vùng quy hoạch đất ở của xã.

Tiếp nhận thông tin phản ánh, chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu nguồn gốc vấn đề chủ hộ nói trên phản ánh. Sau khi xác minh nguồn gốc sử dụng đất, bản đồ quy hoạch của UBND xã, chính quyền địa phương cho biết, đất của hộ dân này đã nằm trong vùng quy hoạch đất ở ổn định.

Tuy nhiên, khi làm việc với cán bộ VPĐKQSDĐ, người này khăng khăng rằng thửa đất chúng tôi phản ánh nằm trong quy hoạch đất nông nghiệp, không phải đất ở (theo bản đồ quy hoạch đất ở của huyện). Cán bộ này khẳng định, để cấp được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính quyền địa phương phải đưa khu đất đó vào quy hoạch đất ở ổn định! Việc quy hoạch lại bản đồ đất đai của xã không phải muốn làm khi nào cũng được mà phải chờ đến kế hoạch triển khai cả huyện, cán bộ VPĐKQSDĐ cho hay. Không đồng thuận với giải thích trên, phóng viên tiếp tục đưa ra các bằng chứng chứng minh thửa đất kia nằm trong vùng quy hoạch đất ở! Sau một lát suy nghĩ, vị cán bộ VPĐKQSDĐ xin hẹn lại để kiểm tra hồ sơ, bản đồ thửa đất.

Thật bất ngờ, sáng hôm sau, khi chúng tôi đã về TP Vinh thì nhận được điện thoại từ vị cán bộ trên thông báo, thửa đất của hộ gia đình nói trên đã được quy hoạch vào đất ở, cán bộ này giải thích do có sự nhầm lẫn trước đó! Dĩ nhiên, sau đó việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã hoàn thành nhanh chóng! Và chủ hộ đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với tác giả, bởi trước đó cũng vì lý do nói trên, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ bị trả lại nhiều lần với hy vọng mong manh!

Điểm qua một số sự việc mà chúng tôi đã xác minh, phản ánh lên báo in, báo điện tử Công an Nghệ An, qua đó đã đóng góp được tiếng nói nhất định vào tiến trình giải quyết sự việc của các cơ quan chức năng liên quan, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có không ít sự việc sau khi báo phản ánh nhiều lần nhưng không hiểu vì lý do gì mà các cơ quan chức năng “bỏ quên”, không xử lý sự việc cũng không trả lời báo chí?! Ngoài ra, một số đơn thư, thông tin phản ánh đến tòa soạn là đơn thư “nặc danh”, qua xác minh sự việc cho thấy thông tin phản ánh thiếu chính xác hoặc có tính chất cá nhân, hạ thấp uy tín người khác. Những đơn thư thuộc dạng này chúng tôi không thực hiện bài viết cũng như không có địa chỉ để phản hồi thông tin.

Trải qua 35 năm xây dựng và trưởng thành, ngoài việc tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt, những chiến công của lực lượng Công an Nghệ An, Báo Công an Nghệ An đã và đang khẳng định được vị thế của mình trong thời đại mới, là địa chỉ tin cậy của bạn đọc trong và ngoài tỉnh.

.

Trần Đức Thắng

.