Thứ Hai, 17/06/2019, 10:14 [GMT+7]

Nghiện game và rối loạn tâm thần

Có hơn 2 tỷ người trên thế giới chơi game. Trong đó, có nhiều trường hợp người chơi game cày game thâu đêm suốt sáng mỗi ngày 20 giờ liên tục, họ gặp phải vấn đề sức khỏe như thiếu ăn, thiếu ngủ, giảm các hoạt động thể chất. Theo báo cáo gần đây, tổ chức WHO công nhận nghiện game là 1 dạng rối loạn tâm thần. Vì sao lại như vậy, có sự tương đồng nào giữa nghiện game và bệnh rối loạn tâm thần?

Bấm Play để xem Video (Độc giả cần mở loa để nghe lời bình)

Những đối tượng nghiện game đến từ nhiều lứa tuổi và nhiều tầng lớp khác nhau, từ học sinh, sinh viên cho đến người đi làm, ở nhà. Những người nghiện game luôn có thể chơi hàng giờ liên tục không nghỉ bên cạnh máy tính hay điện thoại của mình.
 
Nhận thấy, mức độ nguy hiểm của nghiện game, WHO vừa chính thức bổ sung chứng nghiện trò chơi điện tử là một bệnh về rối loạn tâm thần trong danh sách cập nhật phân loại bệnh quốc tế (ICD).
 
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rối loạn chơi game hay nghiện game là một rối loạn tâm thần, đặc trưng bởi hành vi chơi dai dẳng, tái diễn, dù là trực tuyến hay ngoại tuyến.
 
Trong Phân loại Thống kê Quốc tế về Bệnh tật và Các vấn đề Sức khỏe liên quan (ICD 11), WHO đưa rối loạn chơi game vào nhóm các rối loạn. Theo đó, ba dấu hiệu nhận biết một người nghiện game gồm:
 
- Có biểu hiện mất kiểm soát trong việc chơi game (chơi quá nhiều lần trong ngày, mỗi lần chơi quá lâu)
- Ưu tiên việc chơi game hơn các hoạt động khác, cản trở các sinh hoạt cá nhân khác
- Thường tiếp tục chơi game hay có chiều hướng gia tăng thời gian chơi game bất kể các tác dụng xấu của nó
 
Người ta có thể quan sát các triệu chứng kể trên để xác định mức độ nghiện game của một người có trầm trọng hay không. Quá trình phải được theo dõi ít nhất 12 tháng trước khi được chuẩn đoán. Tuy nhiên, thời lượng này có thể giảm xuống nếu phát hiện các dấu hiệu nghiêm trọng.
 
Dù vấp phải sự phản đối từ các nhà làm game và cộng đồng game thủ, nhưng việc công nhận nghiện game là 1 dạng bệnh rối loạn tâm thần có ý nghĩa cảnh báo mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Việc WHO nhận định việc phân loại rối loạn chơi game như một triệu chứng nghiện độc lập với mong muốn hỗ trợ chính phủ, gia đình cũng như nhân viên chăm sóc sức khỏe thận trọng hơn và biết cách nhận diện các nguy cơ.
 
Đến ngày 1/1/2022, quy định này mới bắt đầu có hiệu lực để áp dụng vào nhiều quy chuẩn y tế để kết hợp thống nhất thêm các lộ trình điều trị, phòng chữa bệnh cho các bệnh nhân gặp tình trạng này.
 
Nghiện game không khác gì so với nghiện ma túy và nghiện rượu. Não người nghiện game bị kích thích tương tự khi sử dụng ma túy và nhu cầu điều trị chứng nghiện game đang tăng cao khắp nơi.
.

Nguồn: ANTV

.