Thứ Ba, 03/12/2019, 14:43 [GMT+7]

Sử dụng nick ảo lừa bán người để bóc lột tình dục

Các đối tượng sử dụng mạng xã hội với nick ảo, tên, tuổi, địa chỉ giả để lừa bán nạn nhân.
 
Theo đại diện Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng, từ năm 2013 đến nay, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới, vùng biển, đảo luôn diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
 
Các đối tượng triệt để lợi dụng điều kiện kinh tế khó khăn, nhu cầu tìm việc làm của một bộ phận thanh niên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, thông qua điện thoại di động, mạng xã hội (Zalo, Facebook…), sử dụng nick ảo, tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, môi giới tìm việc làm, môi giới hôn nhân, vờ yêu đương rồi lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm bóc lột sức lao động, kết hôn trái pháp luật, bóc lột tình dục...
 
Báo cáo của Bộ Quốc phòng cho biết, từ năm 2013 đến tháng 6/2019, lực lượng Bộ đội biên phòng xác minh, giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho 1.154 nạn nhân, trong đó, phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước giải cứu 613 nạn nhân, tiếp nhận 335 nạn nhân từ nước ngoài trao trả, 186 nạn nhân tự trở về.
 
Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, thống kê chưa đầy đủ thì từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2019, các Bộ, ngành và tỉnh, thành phố đã tổ chức gần 1 triệu cuộc truyền thông cộng đồng với trên 41,5 triệu lượt người tham dự; tổ chức hơn 1.500 lớp tập huấn cho 132.864 lượt người tham gia; xây dựng 23.000 pano, 68.500 áp phích; cấp phát trên 3 triệu tờ rơi, 730.000 sách mỏng có nội dung về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân.
 
Các đơn vị trực thuộc và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện kế hoạch hỗ trợ nạn nhân ổn định cuộc sống; huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, tránh sự kỳ thị, phân biệt đối xử; tăng cường các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa theo chức năng nhiệm vụ của ngành thông qua các chương trình xóa đói, giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm; rà soát, đánh giá thực trạng dịch vụ, cơ sở vật chất hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; đề xuất nâng cấp trang thiết bị đảm bảo phục vụ công tác này, đồng thời, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân ở các địa phương theo quy định.
.

Nguồn: Huyền Linh/Chinhphu.vn

.