Thứ Tư, 10/06/2020, 11:04 [GMT+7]

Vỡ đập Bara Đô Lương, gần 8.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt

(Congannghean.vn)-Sự việc xảy ra vào đêm 6/6 tại đập tràn cũ hệ thống Bara Đô Lương, huyện Đô Lương. Theo đó, một đoạn đập tràn cũ bị nước cuốn trôi, khiến mực nước dâng của hệ thống Bara Đô Lương bị hạ thấp xuống, nước chảy về hệ thống sông Đào bị hạ thấp hơn 1m, nhà máy nước sạch gần đó không thể lấy nước thô, khiến cho gần 8.000 hộ dân trên địa bàn thiếu nước sinh hoạt.
Đoạn đập tràn cũ của hệ thống Bara Đô Lương bị vỡ,                                             khiến mực nước chảy vào sông Đào xuống thấp
Đoạn đập tràn cũ của hệ thống Bara Đô Lương bị vỡ, khiến mực nước chảy vào sông Đào xuống thấp
Tìm hiểu của phóng viên được biết, hệ thống Bara Đô Lương (đập tràn dâng nước chảy vào sông Đào) được người Pháp thiết kế xây dựng từ năm 1933 đến 1937, đập Bara Đô Lương dài hơn 340 m, có nhiệm vụ ngăn dòng chảy sông Lam, làm nước dâng lên cao 10 m so với mực nước biển, sau đó đổ vào sông Đào phục vụ tưới tiêu cho gần 29.000 ha đất nông nghiệp và tạo nguồn cấp nước cho công nghiệp, nước sinh hoạt cho 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và TX Hoàng Mai. Theo thiết kế, trung bình lưu lượng nước đổ về sông Đào đạt 43 m3/s. 
 
Tuy nhiên, sau hơn 80 năm khai thác, sử dụng hệ thống Bara Đô Lương đã xuống cấp, hư hỏng khá nhiều. Trước tình hình trên, Dự án nâng cấp đập Bara Đô Lương (thuộc dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An) có mức đầu tư hơn 300 tỉ đồng, chủ yếu vốn JICA (Nhật Bản), do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng. Công trình khởi công từ năm 2019, dự kiến hoàn thành năm 2021. Dự án do Công ty THHH Hòa Hiệp trúng thầu thi công.
 
Theo ông Phạm Đình Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp, hiện tại công trình đã thi công được 193 m tràn tự do, 2 cửa xả cát (mỗi cửa 21 m). Đoạn gặp sự cố nằm trong đoạn tràn tự do dài 102 m sắp thi công.
 
Sau khi sự cố vỡ đập xảy ra, đơn vị thi công đập tràn là Công ty TNHH Hòa Hiệp đã tăng cường công nhân, máy múc đưa những khối bê tông lớn cùng đá hộc trút xuống khu tràn bị vỡ để ngăn dòng chảy. Ngoài ra, 3 máy múc khác cũng được huy động hối hả múc cát để khơi thông dòng chảy đưa nước về sông Đào.
 
Qua trao đổi, ông Phạm Đình Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp cho hay, nguyên nhân vỡ đập là "công trình đã hư hỏng sẵn, không phải do thi công". Ông Hạnh cũng cho biết thêm, nhà thầu đưa đá và bê tông đúc sẵn xuống dòng chảy để giảm bớt dòng chảy, sau đó sẽ đóng kè để ngăn dòng, thi công công trình. Trước đây, dự kiến trong hai tháng nữa sẽ thi công xong đoạn này, tuy nhiên lại gặp sự cố. 
 
Theo ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Thủy lợi Nghệ An, vỡ thân đập cũ không ảnh hưởng tới hạ du sông Lam do mùa này mực nước đang rất thấp. Hiện có khoảng 10.000 ha lúa vụ hè thu đã cấy, một số khác chuẩn bị gieo cấy. "Dự kiến vài ngày tới việc khắc phục sẽ được xử lý, nguồn nước sẽ trở về sông Đào như cũ nên không ảnh hưởng nhiều tới tưới tiêu", ông Thành cho biết.
 
Về nguyên nhân sự cố, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho rằng, công trình đã cũ, sắt hoen gỉ, bê tông bị mủn. May mắn là phần lớn thân đập đã thi công xong. Nếu bị vỡ tất cả thì việc khắc phục sẽ rất khó khăn.
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến chiều 8/6, hơn 30 m đập tràn cũ được vá nên lưu lượng nước đổ về sông Đào tăng. Mực nước trên sông này tăng nửa mét so với lúc đập mới vỡ. Tuy nhiên, một số trạm bơm dọc sông Đào chưa thể hoạt động trở lại bình thường.
 
Kiểm tra thực tế tại công trường, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, sự cố vỡ đập tràn này không phải lỗi đơn vị thi công. Công trình đã có thời gian sử dụng 83 năm nên bê tông bị mủn, sắt hoen gỉ. Thời điểm xảy ra sự cố, mực nước ở cao trình khi qua tràn này chỉ 10 m, do đó không thể nói đơn vị thi công tính toán sai khiến áp lực nước mạnh làm vỡ. Do đó, UBND tỉnh xác định sự cố không phải do nhà thầu, do đó không yêu cầu điều tra nguyên nhân. Hiện, toàn bộ kinh phí khắc phục do đơn vị thi công bỏ ra.
 
Hiện tại, Ban Quản lý dự án và đơn vị thi công đã chủ động triển khai các phương án khắc phục, huy động đầy đủ các phương tiện, thiết bị thi công, tập trung chủ động khắc phục sự cố càng sớm càng tốt để bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và sản xuất hè thu. Sau khi khắc phục sự cố xong, công ty sẽ thực hiện ngay các biện pháp kỹ thuật như hợp long sớm, đóng cọc, chậm nhất đến ngày 11/6 phải đảm bảo mực nước cho hệ thống thủy lợi Đô Lương ở cao trình trên +10m để vừa đảm bảo an toàn vừa đáp ứng nhu cầu tưới; có phương án để hoàn thành thi công các khoang trước 30/8/2020, trước tiến độ được phê duyệt 1 năm, ông Phạm Đình Hạnh, Giám đốc Cty TNHH Hòa Hiệp cho biết.
.

Đ.T

.