Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201212/25230-bam-ban-chong-ret-cho-trau-bo-393356/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201212/25230-bam-ban-chong-ret-cho-trau-bo-393356/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bám bản chống rét cho trâu, bò - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 31/12/2012, 08:04 [GMT+7]
25230

Bám bản chống rét cho trâu, bò

Do đặc thù Tương Dương là một huyện vùng núi, khí hậu khắc nghiệt, về mùa đông khí hậu xuống thấp, nhiều địa phương đã xảy ra hiện tượng gia súc bị chết do trời rét. Đặc biệt, tập quán thả rông gia súc trong rừng, dẫn đến tình trạng trâu, bò bị chết rét vào mùa đông rất lớn.
 
Để khắc phục những hạn chế trên, bước vào vụ đông năm nay, huyện Tương Dương rút kinh nghiệm từ những mùa đông năm trước, cụ thể như chỉ trong gần một tháng rét đậm rét hại năm 2008 - 2009 đã có hơn 600 con trâu bò trên địa bàn huyện Tương Dương bị chết, gây thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng.
 
Gia súc bị chết chủ yếu là nghé con và trâu, bò già, sức đề kháng yếu, khiến cho số lượng trâu bò trong toàn huyện giảm đáng kể, gây khó khăn cho người nông dân.
 
Công tác phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc được huyệnTương Dương đặc biệt quan tâm     
 
Mùa đông năm nay, để đối phó với tình hình rét đậm, rét hại kéo dài xảy ra, UBND huyện Tương Dương nhắc nhở, đôn đốc các địa phương xuống tận thôn bản, hộ gia đình khắc phục những mặt còn hạn chế trong phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho vật nuôi, hướng dẫn bà con lợp kín tất cả chuồng trại bằng phên nứa, giữ nền chuồng sạch sẽ khô ráo và lót ấm bằng rơm, rạ, cỏ khô.
 
Vận động bà con không thả rông trâu, bò trên núi mà phải đưa về chuồng để bảo vệ. Khuyến cáo bà con không thả trâu, bò khi nhiệt độ quá thấp. Tích cực chủ động thu giữ rơm rạ và các loại lá cây rừng để dự trữ bảo đảm thức ăn xanh cho trâu bò trong những ngày giá rét; chú trọng các biện pháp chăm sóc cho bê, nghé như đốt lửa, trùm bao tải che lạnh...
 
Đến thời điểm này, cán bộ các địa phương đang tích cực triển khai phòng, chống rét và tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc. Nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đàn trâu, bò nhiều, như: Xã Tam Đình, Tam Quang, Thạch Giám, Yên Na, Yên Hòa, Nga My… công tác phòng, chống đói rét, dịch bệnh được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, các cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm thú y thường xuyên bám bản tuyên truyền, hướng dẫn người dân khử trùng tiêu độc chuồng trại, vệ sinh…
 
Tuy nhiên, công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc trên địa bàn Tương Dương còn rất nhiều khó khăn, do thói quen thả rông gia súc trong rừng của đồng bào vẫn còn phổ biến, tập trung ở các thôn bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, dẫn đến công tác phòng chống đói, rét, dịch bệnh còn khó khăn.
 
Theo ông Lô Khăm Kha - Phó phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Tương Dương: “Mặc dù thời gian qua, một số địa phương đã hạn chế tối đa thiệt hại do đàn gia súc chết đói, rét. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là việc phòng chống rét, tiêm phòng cho đàn trâu, bò thả rông. Trong khi đó tỉ lệ trâu, bò chết rét khi thả rông là rất cao.
 
Một số hộ chăn nuôi còn chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, chuồng trại không kiên cố, che chắn qua loa. Để nhân dân thay đổi tập quán chăn nuôi này, huyện đang tích cực chỉ đạo cán bộ các xã tiếp tục rà soát chuồng trại, vận động người dân không thả rông trâu bò trong rừng, thu gom rơm, sắn phơi khô, sửa chữa và làm mới chuồng nuôi gia súc, mặt khác căn cứ vào hương ước, quy ước của thôn, bản để xử phạt các hộ chăn nuôi cố tình vi phạm quy ước, hương ước”.

Trường Khuyên
.