Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201308/30006-bao-gio-thi-cham-dut-su-doc-quyen-cua-nganh-dien-403677/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201308/30006-bao-gio-thi-cham-dut-su-doc-quyen-cua-nganh-dien-403677/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bao giờ thì chấm dứt sự "độc quyền" của ngành điện - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 15/08/2013, 08:00 [GMT+7]
30006

Bao giờ thì chấm dứt sự "độc quyền" của ngành điện

Từ 1/8, giá điện mới được chính thức áp dụng, tăng 5% so với giá cũ. Điều đáng nói là, cách thời điểm trên không lâu, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu đã được thực hiện. Nỗi ám ảnh về một mặt bằng giá mới lại hiện về với nhiều người. Câu hỏi được dư luận đặt ra là, việc tăng giá điện có tỷ lệ thuận với chất lượng cung ứng dịch vụ? Và từ đây, câu chuyện độc quyền của EVN lại được đặt ra.
 
Nếu như ở những lĩnh vực kinh doanh khác, có nhiều doanh nghiệp trên cùng một “sân chơi”, doanh nghiệp nào có chất lượng sản phẩm tốt, phục vụ chu đáo, giá cả hợp lý sẽ được khách hàng lựa chọn. Lúc bấy giờ, khách hàng thực sự là các “thượng đế”. Điều này đã không xảy ra ở ngành điện khi người dân và các doanh nghiệp buộc phải mua điện với mức giá do EVN “định sẵn”, trong khi chất lượng dịch vụ, cung ứng còn rất nhiều tồn tại, bất cập.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, việc nuôi dưỡng thế độc quyền cho EVN như hiện nay là
khó có thể chấp nhận - Tranh minh họa
 
Còn nhớ, hơn 10 năm trước, trên thị trường mạng điện thoại di động chỉ có một nhà cung cấp, giá cước lúc đó luôn ở mức “trên trời”. Nhưng chỉ sau mấy năm, thị trường này bắt đầu sôi động với sự xuất hiện của nhiều “nhà mạng” mới, ngay lập tức giá cước di động liên tục hạ nhiệt. Trong môi trường cạnh tranh ấy, người tiêu dùng chính là đối tượng được hưởng lợi.
 
Như vậy, vấn đề phá vỡ thế độc quyền của ngành điện hiện nay càng đặt ra cấp thiết. Bởi có như vậy, nguồn điện mới hy vọng được cung cấp tốt hơn cho nhu cầu ngày càng tăng của công cuộc phát triển đất nước. Đồng thời, người dân sẽ không còn phải chịu cảnh giá điện chỉ có tăng mà không thấy giảm.
 
Cũng giống như nguồn nhiên liệu quan trọng là xăng dầu, điện là nguồn năng lượng thiết yếu để duy trì cuộc sống, sinh hoạt của người dân, tác động trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế và các vấn đề an sinh xã hội. Trong nhiều năm qua, cứ mỗi dịp hè về, thời tiết nắng nóng, nhu cầu điện tăng cao, người dân và các doanh nghiệp lại thấp thỏm nỗi lo thiếu điện. Và trên thực tế, tình trạng thiếu điện tái diễn hàng năm như một “điệp khúc”.
 
Trong những năm qua, tình trạng cắt điện luân phiên kéo dài của ngành điện đã kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội. Đáng nói là, việc cắt điện của “ông điện lực” nhiều khi rất ngẫu hứng, tùy tiện. Người dân và các doanh nghiệp lắm lúc bị cắt điện mà không được báo trước nên các hoạt động sản xuất, sinh hoạt bị rơi vào thế bị động. Cùng với đó, tình trạng cắt điện thiếu công bằng, nơi cắt ít, nơi bị cắt nhiều vẫn còn tồn tại có khi ngay trên cùng một địa bàn.
 
Tình trạng thiếu điện lẽ ra không đến mức trầm trọng như trong thời gian qua nếu như nhiều nhà máy điện đi vào vận hành đúng tiến độ. Tình trạng chậm tiến độ của các dự án điện diễn ra dai dẳng khiến cho ngành điện “hụt hơi” chạy theo nhu cầu phụ tải, nhưng chưa thấy có ai trong ngành điện đứng ra nhận trách nhiệm.
 
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và nhu cầu ngày càng cao của người dân, hàng năm, nhu cầu tổng lượng điện năng tăng từ 15 - 17% nhưng công tác tham mưu, hoạch định, “đi trước đón đầu” trong việc tìm biện pháp để cung ứng đủ lượng điện theo nhu cầu xã hội của ngành điện vẫn còn có một sức ỳ lớn.
 
Hệ quả kéo theo là hệ thống điện Quốc gia luôn ở vào cảnh “ăn đong”, phát điện được bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu mà không hề có công suất dự phòng để duy trì sự ổn định về nguồn điện khi tiến hành duy tu, bảo dưỡng và đảm bảo cung ứng điện ngay trong những tháng cao điểm mùa khô.
 
Điện năng suy cho cùng cũng là một loại hàng hóa, hơn thế còn là một loại hàng hóa đặc biệt. Người dân đã phải trả chi phí cao hơn cho mỗi KWh điện, lẽ ra chất lượng cung ứng điện phải được cải thiện thì ngược lại, tình hình thiếu điện càng trầm trọng hơn, chất lượng phục vụ khách hàng của ngành điện càng “đi xuống” hơn. Hàng loạt băn khoăn được dư luận đặt ra là: EVN đã minh bạch hóa hoạt động sản xuất kinh doanh của mình trước khi tăng giá điện?
 
Giá thành sản xuất mỗi KWh điện, chi phí quản lý ra sao? EVN đã làm tròn trách nhiệm với các “thượng đế” của mình hay chưa?... Lý lẽ mà EVN đưa ra cho mỗi lần đòi tăng giá điện là: Giá điện bình quân ở nước ta thấp hơn các nước khác trong khu vực xem ra cũng không thuyết phục, bởi mức thu nhập trên bình quân đầu người ở nước ta thấp hơn nhiều so với các nước mà ngành điện đưa ra so sánh.
 
Điện là nguồn năng lượng “đầu vào” thiết yếu nên việc tăng giá điện tất yếu sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng giá thành của sản phẩm, dịch vụ, đời sống xã hội sẽ có nhiều biến động. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây, là việc tăng giá điện phải tỷ lệ thuận với chất lượng cung ứng điện. Trước khi đòi tăng giá, ngành điện cần có giải pháp trong việc sớm khắc phục tình trạng xuống cấp, quá tải của các trạm biến áp.
 
Đầu tư, quy hoạch các dự án điện phải đồng bộ, hợp lý ngay từ đầu, tránh tình trạng khắc phục kiểu chắp vá. Về lâu, về dài, chừng nào chưa tìm ra lời giải cho bài toán tháo gỡ thế độc quyền của ngành điện thì câu trả lời cho băn khoăn: Đến bao giờ người dân mới có được nguồn điện ổn định, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống còn bị bỏ ngỏ!

Minh Tuấn
.