Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201312/gas-tang-gia-va-noi-lo-nguoi-tieu-dung-429679/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201312/gas-tang-gia-va-noi-lo-nguoi-tieu-dung-429679/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Gas tăng giá và nỗi lo người tiêu dùng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 18/12/2013, 08:56 [GMT+7]

Gas tăng giá và nỗi lo người tiêu dùng

(Congannghean.vn)-Gas là một trong những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hiện nay đối với mọi người dân. Sau những đợt biến động đan xen về giá, vào thời điểm cuối năm 2013, giá gas đã tăng thêm 80.000 đồng/bình 12 kg, tức là vào khoảng 475.000 - 485.000 đồng/bình tùy từng hãng. Giá gas tăng đột biến vào thời điểm Tết đang cận kề đã khiến nhiều người lo ngại về việc sẽ kéo theo tăng giá đồng loạt các mặt hàng thiết yếu khác, bởi chi phí đầu vào cho sản xuất tăng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
 
“Nóng” vì tăng giá gas
 
Từ đầu tháng 12 đến nay, giá bán lẻ gas trên thị trường đã tăng từ 70.000 - 80.000 đồng/bình 12 kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng từ 475.000 - 485.000 đồng/bình 12 kg. Giá gas tăng đột ngột làm nhiều người tiêu dùng bị “sốc”, không biết dùng loại chất đốt nào để lo liệu cuộc sống không bị đảo lộn trong khó khăn chung của nền kinh tế. Nhìn lại năm 2013, nếu không có sự tăng giá lần này thì thị trường gas được đánh giá là tạm bình ổn. Trong thời gian 5 tháng đầu năm, giá gas bán lẻ liên tiếp giảm. Một thời gian sau đó, giá gas tăng, giảm đan xen khá đều đặn. Đến tháng 11, giá gas tăng ở mức 18.000 đồng/bình, nâng giá gas bán lẻ phổ biến khoảng 410.000 đồng/bình 12 kg. Và đợt tăng giá đầu tháng 12 này với mức tăng gần 80.000 đồng/bình 12 kg (tăng 19%). Giá gas tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, đặc biệt đối với đông đảo người có thu nhập thấp, đời sống càng khó khăn hơn.
 
Theo các nhà kinh tế nhận xét, nguyên nhân giá gas trong nước tăng là do giá gas thế giới trong tháng 12 tăng khoảng 267,5 USD/tấn so với tháng 11, lên mức 1.165 USD/tấn. Đây là đợt tăng giá gas lần thứ 6 và là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm 2013 của thị trường gas thế giới. Bên cạnh đó, giá gas tăng do lượng gas trong nước không đủ đáp ứng với nhu cầu ngày càng nhiều của người dân, nên các hãng kinh doanh vẫn phải nhập khẩu gas. Một nguyên nhân khác là do sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng. Do lợi nhuận béo bở của mặt hàng gas cao, xấp xỉ trên dưới 30% nên nhiều tổ chức và cá nhân tranh nhau buôn bán để tìm kiếm lợi nhuận. Không ít nơi, đặc biệt vùng xa thành phố, gas được dự trữ trong kho, chờ giá gas thế giới tăng là đồng loạt lên giá, làm thị trường gas bị thao túng, làm một số người được hưởng siêu lợi nhuận.
 
Giá gas tăng cao vào dịp cuối năm khiến người tiêu dùng lo lắng - Tranh minh họa
Giá gas tăng cao vào dịp cuối năm khiến người tiêu dùng lo lắng - Tranh minh họa
Sau khi giá gas tăng vào dịp cuối năm, khảo sát ở một số đại lý của các hãng gas Petrolimex, Dai Hai Petrol, Hascom… tại TP Vinh và các huyện lân cận cho thấy, giá tăng không đồng đều và có sự chênh lệch. Một nhân viên bán hàng cho đại lý Petrolimex trên đường Phạm Hồng Thái, phường Vinh Tân cho biết: Giá gas bán lẻ từ 1/12 niêm yết 485.000 đồng/bình 12 kg. Chỉ chưa đầy 10 ngày tăng giá mà tình hình tiêu thụ gas đã có chiều hướng giảm gần 20%. Còn tại một đại lý gas trên đường Quang Trung, TP Vinh có giá bán là 455.000 đồng/bình 12 kg vì cửa hàng đang thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá 20.000 đồng/bình nên chỉ tăng 50.000 đồng/bình... Còn đa phần các cửa hàng khác đều duy trì mức giá khoảng 485.000 đồng/bình 12 kg.
 
Nỗi lo tìm chất đốt thay gas
 
Trước sự kiện tăng giá gas trong thời điểm dịp lễ, Tết sắp tới và trong bối cảnh nền kinh tế chung còn gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng trở nên lo lắng và loay hoay tìm giải pháp để đối phó với tình trạng này. Không ít bà nội trợ từ dùng gas nay chuyển sang dùng bếp than, bếp từ hoặc bếp điện để tiết kiệm cho gia đình. Qua khảo sát tại TP Vinh, rất nhiều người đi tìm mua lò nấu bằng than, nhiều bếp ăn tập thể và đặc biệt gia đình đã đôn đáo chạy đi mua than tổ ong để dự trữ, sợ gas lại bất ngờ tăng giá. Tuy nhiên, đối với việc kinh doanh nhà hàng, cửa hàng ăn thì việc sử dụng gas lại không thể thiếu.
 
Trước đợt tăng giá gas lần này, chị Nguyễn Thị Lan, một chủ nhà hàng trên đường Lê Hồng Phong lo lắng: “Mỗi tháng cửa hàng cơm chúng tôi tiêu thụ khoảng 6 - 7 bình gas 12 kg. Trong thời điểm ai cũng khó khăn do suy thoái kinh tế như hiện nay mà giá gas lại tăng cao đã ảnh hưởng tới nhiều mặt đời sống người dân. Chúng tôi kinh doanh ăn uống cũng không thể tăng giá vì như thế sẽ mất hết khách, đành chấp nhận giảm nguồn thu nhập chứ biết làm sao”. Còn một số cửa hàng ăn khác trên đường Nguyễn Thái Học, Trường Chinh… có phương án chuyển sang sử dụng bếp than tổ ong. Tính ra nấu than rẻ hơn nhiều so với gas, tuy nhiên hạn chế là không thể làm đồ ăn nhanh được.
 
Giới sinh viên và những người có mức thu nhập thấp cũng choáng váng trước việc giá gas tăng. Dạo quanh một số dãy nhà trọ, nơi có hàng trăm công nhân xa nhà hiện đang làm việc tại công ty linh kiện điện tử đóng trên đường tránh Vinh hay Khu công nghiệp Bắc Vinh, nhiều công nhân cũng chuyển sang sử dụng bếp than đun nấu. Chị Trần Thị Lành, một công nhân quê ở Yên Thành tâm sự: “Lương công nhân ba cọc ba đồng, mỗi tháng, tiền thuê nhà cộng với tiền ăn uống cũng mất xấp xỉ 3 triệu đồng. Giờ giá cả leo thang, điện và gas không ngừng tăng lên, có chắt chiu, tằn tiện lắm cũng không có đồng dư dật. Nhưng chúng tôi vẫn phải bám trụ vì không biết làm gì nữa. Trước mắt đành phải chuyển sang dùng bếp than, ít ra cũng còn bớt được một phần chi phí”.
 
Đối với sinh viên, đối tượng có thu nhập rất thấp đang ở xa nhà phải tự nấu ăn hay đi ăn cơm hàng thì đợt tăng giá gas lần này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống hàng ngày của họ. Em Nguyễn Thị Thanh Hiền, quê ở Nghĩa Đàn - sinh viên Trường Đại học Vinh cho biết: "Mỗi tháng, gia đình chu cấp cho em 1,5 triệu đồng, phải chi rất nhiều khoản khác nhau từ tiền trọ, tiền ăn, tiền tiêu vặt... Bọn em ở trọ lâu dài nên phải tự nấu ăn, chứ ăn hàng đắt đỏ lại không đảm bảo vệ sinh. Trước thông tin giá gas liên tục tăng, sinh viên chúng em không biết sẽ như thế nào đây”.
 
Trong đời sống kinh tế hiện nay, gas tăng giá đang là vấn đề thời sự “nóng” đối với mọi tầng lớp nhân dân. Mong rằng, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, thực hiện quản lý mặt hàng gas chặt chẽ theo quy định của Chính phủ nhằm bình ổn thị trường gas trong nước, góp phần đảm bảo đời sống của người dân, nhất là thời điểm các ngày lễ và Tết cổ truyền sắp tới.
.

Hoa Lê