Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201404/gia-cuoc-van-tai-ruc-rich-tang-475880/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201404/gia-cuoc-van-tai-ruc-rich-tang-475880/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Giá cước vận tải rục rịch tăng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 21/04/2014, 09:36 [GMT+7]

Giá cước vận tải rục rịch tăng

 

(Congannghean.vn)-Việc thực hiện quy định của Tổng cục Vận tải Đường bộ Việt Nam tiến hành lắp đặt trạm cân di động ở những tuyến đường trọng điểm bắt đầu từ ngày 1/4/2014, đến nay đã được triển khai ở các tỉnh, thành trong cả nước. Điều này đã cho thấy, việc đảm bảo ATGT đang được các cấp, ban ngành quan tâm hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, việc siết chặt tình trạng xe chở quá khổ, quá tải liệu có trở thành mối lo ngại về việc tăng giá cước vận tải trong thời gian tới.
 
Theo số liệu mà Hiệp hội Vận tải Nghệ An cung cấp, hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 45 doanh nghiệp với khoảng 3.000 phương tiện tham gia kinh doanh vận tải. Đây là con số thống kê mà doanh nghiệp tham gia vận tải đăng ký là thành viên của Hiệp hội, với nhiều chủng loại, phương thức vận tải khác nhau. Còn số phương tiện cá nhân, hộ gia đình tự mua sắm để tham gia vận tải hàng hóa thì còn lớn hơn nữa.
 
Theo phản ánh, từ khi Chỉ thị 1095/CT-TCĐBVN ngày 21/3/2014 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam ra đời, bằng việc xây dựng các trạm cân di động hoạt động bắt đầu từ ngày 1/4/2014 ở các tỉnh, thành phố, việc siết chặt tình trạng xe quá khổ, quá tải đã đi vào quy củ và hiệu quả. Từ đó, tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tăng lợi nhuận bằng cách chở hàng vượt quá trọng tải cho phép của xe đã bị nghiêm cấm, với việc đưa ra các mức xử phạt thích đáng theo quy định của pháp luật. Việc doanh nghiệp có “thói quen” chở hàng hóa quá trọng tải cho phép đã có dấu hiệu giảm trong thời gian qua. Tuy nhiên, với việc chở hàng đúng trọng tải cho phép của xe, nhiều doanh nghiệp vận tải đang đứng trước thách thức về giá cả, cước phí vận tải để không phải bù lỗ cho đơn vị của mình.
 
Siết chặt tình trạng xe chở quá khổ, quá tải, liệu doanh nghiệp vận tải có tăng giá cước?
Siết chặt tình trạng xe chở quá khổ, quá tải, liệu doanh nghiệp vận tải có tăng giá cước?
Anh Trần Nguyên Ngân - chủ của một đơn vị kinh doanh vận tải ở huyện Quỳnh Lưu lo ngại cho biết: “Việc lắp đặt trạm cân di động vừa qua trên địa bàn tỉnh rất được các doanh nghiệp tham gia vận tải ủng hộ. Tuy nhiên, việc cân trọng tải xe hiện nay cũng cần phải được làm tận gốc, triệt để và công bằng. Đơn vị chúng tôi tham gia kinh doanh vận tải từ hàng chục năm nay, thú thật hầu hết đều chở hàng quá tải so với quy định cho phép. Tuy nhiên, nếu không chở quá tải thì doanh nghiệp không thu lãi được vì giá cước phí vận tải hiện nay quá thấp”.
 
Cùng chung ý kiến với anh Ngân, phần lớn các doanh nghiệp vận tải cho rằng, hiện nay, thuế giá trị gia tăng (VAT) là quá lớn, cộng với việc thực hiện chở đúng trọng tải thì nhiều doanh nghiệp phải bù lỗ cho doanh thu của mình. Các doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải cũng nêu ý kiến, việc kiểm tra trọng tải xe bằng cân di động hiện nay vẫn chưa có sự công bằng?! Nhiều doanh nghiệp cố tình “né” trạm cân di động trên đường thì có lãi khi vận chuyển, còn doanh nghiệp chấp hành nghiêm thì thua lỗ. Chưa kể, một số doanh nghiệp có phương tiện tham gia kinh doanh vận tải đã phải “tấp bạt” nằm chờ vì không dám chở hàng như trước đây nữa. Có chở hàng thì cước giá phải thay đổi, doanh nghiệp vận tải mới thực hiện được.
 
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Nghệ An thì cho rằng: Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn hiện nay đều sử dụng phương tiện vận chuyển có trọng tải rất nhỏ. Khi chưa có chủ trương xây dựng trạm cân di động để kiểm tra trọng tải xe thì nhiều doanh nghiệp đã “né” được việc chở hàng quá quy định khi lưu thông. So với quy định chặt chẽ như hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước tình trạng khó khăn rất lớn. So với trước kia (giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2009), Nhà nước đã áp dụng mức thuế VAT thấp nhất đối với doanh nghiệp tham gia vận tải là 5%. Nhưng từ 2010 đến nay, mức thu VAT đã nhảy vọt lên 10%. Đây là trở ngại rất lớn đối với các doanh nghiệp vận tải hiện nay. Việc kiểm tra trọng tải xe, các hội viên trong Hiệp hội Vận tải hoàn toàn ủng hộ và nêu ý kiến phải công bằng, triệt để trong việc kiểm tra. Vậy nhưng, thách thức đặt ra đối với doanh nghiệp muốn kinh doanh có lãi thì phải đầu tư thay đổi phương tiện vận tải mới tồn tại được. Điều này, nên chăng Nhà nước cũng cần có gói vay ưu đãi đối với doanh nghiệp, để họ có điều kiện thay đổi phương tiện vận tải.
 
Cũng theo ông Hùng, tính đến thời điểm hiện nay, việc các doanh nghiệp tiến hành tăng giá cước vận tải là chưa đáng kể. “Sắp tới, với việc siết chặt kiểm tra trọng tải xe, có khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ tăng mức giá trần cước phí vận tải. Việc này cũng đang là bài toán khó đối với doanh nghiệp, vì còn liên quan đến thuế và các yêu cầu khác” - ông Hùng cho biết.
.

Ngọc Thái