Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201411/minh-tien-nguoi-ta-con-tien-nhanh-hon-562435/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201411/minh-tien-nguoi-ta-con-tien-nhanh-hon-562435/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Mình tiến, người ta còn tiến nhanh hơn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 24/11/2014, 14:29 [GMT+7]

Mình tiến, người ta còn tiến nhanh hơn

10 tháng năm 2014, lượng khách du lịch đến Việt Nam ước tính đạt 6.608.391 lượt, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, con số này tại Thái Lan là 14,4%; Malaysia là 28,6%...
 
Tiềm năng vượt trội
 
TS. Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du Lịch, Bộ VHTTDL nói trên Báo Hải quan: Việt Nam đứng top đầu trong các nước Đông Nam Á về số lượng di sản được thế giới công nhận. Bên cạnh đó, chúng ta còn có một nền văn hóa độc đáo, phong phú, đa dạng. Chúng ta có rất nhiều cảnh quan, bãi biển đẹp, sánh ngang, thậm chí hơn cả những bãi biển nổi tiếng tại Thái Lan hay Malaysia; có những địa điểm du lịch văn hóa thú vị như thủ đô Hà Nội hay phố cổ Hội An; còn có những kì quan du lịch khám phá như hang động Sơn Đoòng, núi Fansipan…
 
Xét trên nhiều tiêu chí, có thể nói Việt Nam có nhiều điểm vượt trội về tiềm năng. Tuy nhiên việc khai thác của chúng ta chưa thật sự bài bản, chưa đứng dưới góc nhìn của người quy hoạch chuyên nghiệp để khai thác. Cho nên dù có tiềm năng nhưng hiệu quả trong việc kinh doanh du lịch lại chưa cao.
 
Dẫn chỉ số về lượng khách tham quan quốc tế ông Lương cho biết, khoảng cách về chỉ số này giữa Việt Nam và các nước trong khu vực không thay đổi nhiều từ trước năm 2000 đến nay. Cụ thể, 10 tháng năm 2014, lượng khách du lịch đến Việt Nam ước tính đạt 6.608.391 lượt, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, con số này tại Thái Lan là 14,4%; Singapore là 9,4%; Malaysia là 28,6%... Nghĩa là mình tiến, người ta cũng tiến, nhưng người ta còn tiến nhanh hơn.
 
Nhưng "chậm tiến"
 
Về nguyên nhân khiến du lịch nước ta “chậm tiến” hơn so với các nước láng giềng, ông Lương nhận định, nếu ngành du lịch đang dần dần trở thành “gà đẻ trứng vàng” ở nhiều nước thì tại Việt Nam, chúng ta hầu như chưa thể làm được điều này.
 
So với các nước khác, ngành du lịch nước ta còn thiếu sót rất nhiều. Đầu tiên là nhận thức của xã hội đối với du lịch. Lấy một ví dụ, khi đặt chân tới Việt Nam, lực lượng làm việc ở sân bay như: Nhân viên Hàng không, Hải quan, Công an cửa khẩu là những người đầu tiên tiếp xúc với du khách. 
 
Nếu họ không nhận thức được mình là người đại diện cho Việt Nam, không nhận thức được thái độ của mình có tầm quan trọng như thế nào đối với ấn tượng của khách nước ngoài với Việt Nam thì dù nước ta đẹp đến mấy, giàu tiềm năng đến mấy cũng không hấp dẫn được du khách.
 
Đặc biệt, du lịch nước ta còn thiếu chuyên nghiệp trong sự phối hợp giữa các ban ngành. Du lịch chưa có sự kết hợp với ngoại giao, thương mại… nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp.
 
Còn một nguyên nhân khác, hiện Nhà nước ta cũng chưa chú trọng đầu tư để ngành du lịch phát triển. Chỉ nói ví dụ trong hoạt động xúc tiến quảng bá, Malaysia trong năm 2013 đã đầu tư trên 150 triệu USD, Thái Lan khoảng 120 triệu USD, Singapore cũng có con số xấp xỉ cho việc quảng bá, thì đất nước mình chỉ hơn 2 triệu USD…
 
Để "gà đẻ trứng vàng"
 
Để du lịch Việt Nam có thể trở thành “gà đẻ trứng vàng”, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thời gian tới, theo ông Lương cần chú trọng vào bốn điểm.
 
Thứ nhất, phải chú trọng phát triển hạ tầng liên quan đến du lịch. Nhà nước ta phải làm việc này quyết liệt hơn nữa. Nếu Nhà nước xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn thì phải đầu tư bởi bản thân du lịch là ngành kinh tế không có đầu tư thì không thể phát triển được.
 
Thứ hai, tạo điều kiện cho khách quốc tế làm visa dễ dàng, nhanh chóng hơn. Trong xu thế hội nhập phải “mở tung” như các nước khác thì mới hấp dẫn khách du lịch đến được.
 
Thứ ba, chính là hoạt động xúc tiến quảng bá. Thông tin đến với thị trường của của du lịch Việt Nam vẫn còn rất ít. Cách chúng ta làm quảng bá du lịch thiếu chuyên nghiệp, chưa biết dựa vào đặc điểm của thị trường để tiếp thị du lịch. Ví dụ có những thị trường họ thích sản phẩm về mặt văn hóa thì mình phải quảng bá về mặt đó; còn những thị trường khác họ thích về du lịch khám phá, thám hiểm thì mình phải quảng bá theo kiểu tuyên truyền về đất nước cảnh quan. Đây là cách quảng bá chuyên nghiệp mà mình vẫn chưa làm được.
 
Thứ tư, cách phục vụ trong du lịch cần được nâng cao, đấy là yếu tố quan trọng để chúng ta phát triển ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới.
 
.

Nguồn: Chinhphu.vn

.