Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201412/nhung-nguoi-kien-tao-vung-bien-571868/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201412/nhung-nguoi-kien-tao-vung-bien-571868/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những người 'kiến tạo' vùng biên - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 22/12/2014, 10:14 [GMT+7]

Những người 'kiến tạo' vùng biên

(Congannghean.vn)-Ở độ cao gần 3.000 m so với mực nước biển, nơi “đất trời chạm vào nhau”, những người lính Cụ Hồ đã bám trụ, cùng ăn, cùng ở với bà con nơi đây. Họ, những người đã hơn chục năm nay băng rừng, lội suối để “kiến tạo” từng mảnh đất, tạo hình hài đất nước, giúp người dân từng bước thoát nghèo. Đó là những gì mà chúng tôi được nghe, được thấy sự đổi thay ở từng bản làng vùng cao - nơi có dấu chân của các CBCS Đoàn Kinh tế - Quốc phòng Quân khu 4 đã làm ở miền biên giới Kỳ Sơn, Quế Phong trong thời gian qua.

Cán bộ Đoàn 4 hướng dẫn bà con cách trồng cây chè shan tuyết
Cán bộ Đoàn 4 hướng dẫn bà con cách trồng cây chè shan tuyết

Cầm tay chỉ việc

Từ thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), sáng sớm mù sương, chúng tôi chuẩn bị hành lý, tư trang trên con “ngựa sắt” để chuẩn bị hành trình gần 40 km đường rừng vào xã Na Ngoi - nơi đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng Quân khu 4 (Đoàn 4). Tiết trời cuối năm nắng nhẹ, mặc dù chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ áo ấm để đón cái rét ngọt nơi đỉnh núi Puxailaileng, nhưng những cán bộ văn phòng của UBND huyện Kỳ Sơn vẫn “dọa” rằng, nhà báo vào đó phải mang thêm áo ấm, không sẽ ốm ngay tại “cổng trời” thì khổ. Sau gần trọn một buổi leo núi, chúng tôi cũng vào được nơi bà con người Mông, Khơ Mú, Thái sinh sống. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến đây là cảnh bạt ngàn màu xanh của dong riềng, của đồi chè ngút ngàn “treo” lưng chừng giữa mây trắng.

“Nhờ bộ đội Cụ Hồ hướng dẫn trồng cây dong riềng, dân bản ta mới có cái ăn, cái mặc và không còn đói rét như trước đây nữa. Ngày trước, dân bản ta sống quây quần trên núi, từ khi có bộ đội vào, nói chuyện về cách thoát nghèo, ban đầu ta chưa tin cái bụng lắm. Nhưng, khi bộ đội làm trước, dân bản ta thấy tin lắm nên làm theo. Bây giờ, nhà ta biết trồng thêm lúa nước, biết cách nuôi lợn, gà nên mỗi mùa làm cơm mới, dân bản ta phải mời bộ đội đến chung vui. Nhờ bộ đội mới có cái ăn mà”, anh Vừ Bá Dùa, người dân ở bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi nói với chúng tôi như vậy.

Còn Đại tá Vi Hiểu, Đoàn trưởng Đoàn 4 cho biết: Với nhiệm vụ giúp bà con 8 xã vùng biên giới thuộc 2 huyện Kỳ Sơn, Quế Phong của tỉnh Nghệ An, ngay từ khi thành lập (năm 2002) đến nay, một câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng đã đeo bám bà con nơi đây từ bao đời. Đó là trồng cây gì? Nuôi con gì? Câu hỏi ấy của bà con đã trở thành nỗi trăn trở chung đối với bao thế hệ lãnh đạo, chỉ huy cũng như CBCS Đoàn 4. Nhiệm vụ giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững là trách nhiệm lớn mà Đảng và Nhà nước cũng như Quân khu giao phó đối với Đoàn 4. Sau khi thảo luận, bàn bạc, Đảng ủy Đoàn đã ra Nghị quyết chuyên đề về việc xây dựng các mô hình sản xuất làm kinh tế, đỡ đầu các hộ đói, nghèo trên địa bàn.

Y, bác sĩ Đoàn 4 tổ chức khám, chữa bệnh cho bà con dân bản
Y, bác sĩ Đoàn 4 tổ chức khám, chữa bệnh cho bà con dân bản

Nói đi đôi với làm. Để bà con dân bản ở đây tin vào lời cán bộ, Chỉ huy Đoàn đã phát động phong trào thi đua trong mỗi đơn vị trực thuộc, nghiên cứu xây dựng từ 2 đến 3 mô hình kinh tế phù hợp với khí hậu, thời tiết, trình độ canh tác và khả năng địa phương. Điều đặc biệt mà lâu nay Đoàn 4 triển khai sâu rộng trong thời gian qua, đó là việc nhận trách nhiệm mỗi năm đỡ đầu từ 2 đến 3 gia đình trên địa bàn phụ trách, giúp họ thoát nghèo đã có hiệu quả cao trong toàn đơn vị. Mặt khác, với cách làm biến mỗi đội sản xuất trở thành một mô hình trang trại “vườn đồi” gồm: Ao cá, chuồng bò, lợn, gà, vườn chè shan tuyết, dong riềng, gừng… đã cho thu nhập mỗi năm từ 80 - 100 triệu đồng.

Từ cách làm này, Đoàn đã tham mưu cho chính quyền các xã nơi đây triển khai cho bà con thực hiện một cách có hiệu quả. Nhiều gia đình đã thực sự thoát nghèo, không còn cảnh thiếu đói vào mùa giáp hạt như trước. Việc bà con ổn định nơi cư trú, đưa gia đình xuống núi để phát triển kinh tế theo sự hướng dẫn của cán bộ Đoàn 4 được thực hiện sâu rộng. Mới đầu, việc phát triển sản xuất theo mô hình đối với bà con còn bỡ ngỡ, nhưng khi đã “quen tay” rồi, họ thực sự đã tin tưởng ở cách làm của bộ đội. Việc du canh, du cư không còn trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân nơi đây. Yên tâm sản xuất, hộ khá giả giúp đỡ hộ nghèo về cách làm kinh tế, hành động ấy đã tạo dày thêm tinh thần đoàn kết nơi miền biên viễn trong suốt thời gian qua.

Đẩy lùi cây anh túc

Dịp này, vùng cao huyện Kỳ Sơn đang vào chính vụ thu hoạch cây dong riềng, sản phẩm mà Đoàn Kinh tế - Quốc phòng đã đưa vào cho bà con trồng đại trà ở nơi đây từ nhiều năm trước. Cùng với cây dong riềng, nhiều loại cây con khác đã giúp bà con giảm nghèo bền vững, cái ăn, cái mặc cũng thêm phần ấm êm. Nhiều gia đình người Mông, Khơ Mú ở vùng biên giới xứ Nghệ đã mạnh dạn bám đồi, bám rẫy để thâm canh sản xuất.

Ông Lầu Và Chồng, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn cho biết: Trước khi chưa có Bộ đội Cụ Hồ của Đoàn 4 vào, người dân ở đây còn nghèo lắm. Cái ăn, cái mặc thường xuyên đeo bám, trở thành nỗi ám ảnh đối với không ít gia đình. Nay, sau hơn 10 năm có bộ đội cùng ăn, cùng ở, đời sống dân bản đỡ đói rét hơn trước rồi. Đường sá đi lại cũng thuận tiện hơn. Sóng điện thoại, trạm y tế quân dân kết hợp cũng giúp bà con phòng tránh bệnh tật hơn. Có bộ đội, dân bản trong xã có thêm niềm tin để yên tâm sản xuất, ổn định đời sống. Bây giờ, cây dong riềng và các loại cây con khác mà Đoàn 4 đưa vào trở thành cây chủ lực của bà con. Nhờ nó mà diện tích đất đai được phủ kín, không còn chỗ cho cây hoa anh túc nữa.

Nghe ông Lầu Và Chồng giới thiệu việc làm của các CBCS thuộc Đoàn 4 đã làm cho bà con dân bản nơi đây, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Để minh chứng cho lời mình nói, ông Chồng đưa ra nhiều dẫn chứng để phóng viên được tỏ tường. Đó là việc nhờ có bộ đội Đoàn 4 mà nhiều tuyến đường, cầu cống đã được xây dựng như: Tuyến đường Quốc phòng kết hợp dân sinh Khe Kiền - Na Ngoi, cầu treo Nậm Khiên, hệ thống trạm điện Na Ngoi, Nậm Càn cũng đưa vào sử dụng…

Không chỉ với Na Ngoi, những năm qua, cán bộ Đoàn 4 đã chỉ đạo các đội sản xuất tổ chức kết nghĩa, giao lưu với các điểm trường, chi đoàn thanh niên các xã, các tổ chức hội, đoàn thể, các bản đo đạc, cắm mốc, phát tuyến đường biên để tôn dày thêm vành đai biên giới. Với phương châm “4 bám” (bám dân, bám địa bàn, bám chính quyền, bám đường lối chính sách), thực hiện “5 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào, cùng chia sẻ khó khăn), các CBCS Đoàn 4 đã giúp dân hàng nghìn ngày công, tu sửa được gần 30 km đường liên xã, đổ bê tông trên 1.000 m đường nội bản, 610 m2 sân bê tông… Bệnh xá quân dân y kết hợp của đơn vị Đoàn 4 đã khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho hàng nghìn lượt người, phun, tẩm màn phòng dịch cho tất cả các bản trên địa bàn trong năm.

Không chỉ “4 bám”, “5 cùng”, Đoàn 4 còn mạnh dạn đưa nhiều loại cây trồng, vật nuôi vào trồng thử gồm: Chè shan tuyết, gừng, chanh leo, atiso và các loại dược liệu quý như sâm ngọc linh, đương quy, đẳng sâm… “Trong tương lai không xa, với việc trồng thí điểm thành công các loại cây con nói trên thì đơn vị sẽ nhân rộng thành nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.

Nếu được triển khai, không chỉ các xã vùng cao của huyện Quế Phong mà ngay khu vực đỉnh núi Puxailaileng sẽ trở thành vùng cung cấp nguyên liệu quý cho ngành sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, Đoàn cũng đã tiếp nhận thêm đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện theo Dự án 174 lên để tăng cường, giúp bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cái quan trọng có thể khẳng định nữa là, đơn vị đã từng bước giúp bà con nâng cao nhận thức trong phát triển kinh tế - xã hội, dẹp bỏ tư tưởng trồng cây hoa anh túc trên nương, trên rẫy”, Đại tá Vi Hiểu khẳng định như vậy.

Đồng chí Đoàn trưởng Đoàn 4 cũng cho biết thêm, với những gì mà đơn vị đã triển khai trong thời gian qua đối với bà con vùng cao miền Tây xứ Nghệ, một diện mạo mới, sự đổi thay mới đang thay thế “chiếc áo” đã cũ, lạc hậu lâu nay. Bây giờ, lên với vùng cao nơi đây, sự đổi thay ấy đã được khẳng định bằng những con đường, lưới điện thắp sáng tới tận thôn bản, những nếp nhà bình yên, đồi ngô, chè, dong riềng… Và, sự đổi thay ấy ngoài những nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền còn có bàn tay của các CBCS Đoàn 4. Họ thực sự đang trở thành lực lượng chủ chốt trong việc cùng người dân “kiến tạo” vùng biên nơi miền Tây xứ Nghệ.

.

Ngọc Thái

.