Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201503/tao-viec-tao-nghe-cho-lao-dong-nu-596649/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201503/tao-viec-tao-nghe-cho-lao-dong-nu-596649/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tạo việc, tạo nghề cho lao động nữ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 27/03/2015, 09:02 [GMT+7]

Tạo việc, tạo nghề cho lao động nữ

(Congannghean.vn)-Bất bình đẳng giới trong lao động, việc làm là một trong những nguyên nhân gây ra nghèo đói, vừa cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa làm hạn chế, kìm hãm việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, vươn lên khẳng định mình của người phụ nữ.
 
Trong thời gian qua, nhờ việc đa dạng hóa các ngành nghề, ban hành nhiều chính sách ưu đãi với lao động nữ, tại Nghệ An, vị thế người phụ nữ ngày càng được nâng cao; nhiều chị em đã chủ động, tự tin, tự khẳng định mình trong cuộc sống gia đình cũng như các hoạt động xã hội, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp xúc với các ngành nghề để họ chủ động tạo dựng cuộc sống
Tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp xúc với các ngành nghề để họ chủ động tạo dựng cuộc sống
Theo chị Lê Thị Nguyệt, Trưởng phòng Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An: Thời gian qua, để thực hiện tốt các chỉ tiêu, mục tiêu về bình đẳng giới, dựa trên đặc thù, tính chất công việc, các ngành, đoàn thể đã chủ động xây dựng nhiều nội dung hoạt động liên quan đến việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu về bình đẳng giới thuộc ngành quản lý, đẩy mạnh việc tạo việc, tạo nghề cho lao động nữ. Nhờ đó, nhiều phụ nữ, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa đã có điều kiện tiếp xúc với nhiều ngành nghề, học hỏi tiến bộ khoa học kỹ thuật để chủ động tạo dựng cuộc sống; tiếp cận vốn vay tín dụng, phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, giúp họ tăng thu nhập và có cuộc sống tốt hơn.
 
Hiện nay, ở tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung, phụ nữ làm nông nghiệp vẫn đang chiếm tỉ lệ lớn. Tuy nhiên, người nữ nông dân thời đại mới đã không còn phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất với công cụ thô sơ, lạc hậu như trước mà đã chủ động nghiên cứu và áp dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đa dạng hóa ngành nghề trong nông nghiệp, tăng sản phẩm có giá trị kinh tế cho tiêu dùng và xuất khẩu. Thực hiện chính sách của Nhà nước, thời gian qua, tỉ lệ phụ nữ Nghệ An tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ đã tăng cao. Năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nhiều chị em đã vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho các hội viên Hội Phụ nữ khác, khẳng định “thương hiệu” phụ nữ Nghệ An ở trong nước và thế giới. 
 
Bên cạnh đó, các dự án vay vốn tạo việc làm, dự án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài với mô hình liên thông xuất khẩu lao động (XKLĐ) chính quyền xã, phường với đơn vị trực tiếp XKLĐ đã được nhân rộng trên địa bàn. Dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động, hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề được đầu tư nâng cao năng lực hoạt động. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, thông tin thị trường lao động, tổ chức sàn giao dịch việc làm được quan tâm triển khai tới nhiều lao động nữ ở khắp các vùng, miền.
 
Đồng thời, các cấp, các ngành đã thực hiện chính sách ưu tiên dạy nghề cho lao động nữ thuộc các Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, Đề án Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015. Trong đó, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ học nghề cho lao động nữ nông thôn thuộc đối tượng hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người tàn tật, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất canh tác. Riêng Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng đề án phát triển doanh nghiệp, trong đó quan tâm tới các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. 
 
Riêng trong năm 2014, Nghệ An đã tạo việc làm mới cho 37.000 lao động, trong đó có 15.910 lao động nữ, chiếm 43%; lao động nữ đi XKLĐ là 5.535 người, chiếm 45%. Tỉ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp năm 2014 chiếm 22,6%.  Trong năm, tỉ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề đạt 43%. Cũng trong năm 2014, tỉ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức là 30,36%. Những con số trên cho thấy, những cơ chế, chính sách của tỉnh nhà trong việc hỗ trợ lao động nữ tìm việc làm đã phần nào phát huy hiệu quả thiết thực. 
 
Để người phụ nữ thoát khỏi đói nghèo, vươn lên học hỏi, khẳng định mình, không thể một sớm một chiều làm được, nhất là khi các quan niệm cũ, lạc hậu vẫn đang tồn tại trong một bộ phận người dân. Được khuyến khích, ưu đãi tìm việc làm, nhưng lao động nữ cũng cần chủ động học hỏi, tiếp cận những tiến bộ mới để làm chủ cuộc sống, từ đó tìm hướng thoát nghèo cho bản thân và gia đình.
.

Mai Hậu

.