Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201503/xoa-ngheo-o-mien-nui-cho-con-gio-mat-595259/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201503/xoa-ngheo-o-mien-nui-cho-con-gio-mat-595259/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Xóa nghèo ở miền núi: 'Chờ cơn gió mát' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 22/03/2015, 08:56 [GMT+7]

Xóa nghèo ở miền núi: 'Chờ cơn gió mát'

(Congannghean.vn)-Đã hàng chục năm nay, có rất nhiều chương trình, dự án được đầu tư vào miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, cuộc sống của đồng bào các dân tộc miền núi đã có nhiều thay đổi. Tuy vậy, do xuất phát điểm kinh tế thấp, trình độ dân trí thấp lại không đồng đều, khí hậu khắc nghiệt… nên tỉ lệ hộ nghèo vẫn rất cao (30%) so với bình quân chung của cả nước (8%). Xuất phát từ thực tế trên, để giúp miền núi thoát nghèo, vẫn cần nhiều “cơn gió mát”.
 
Thực trạng hộ nghèo ở miền núi 
  
Trong khi tỉ lệ hộ nghèo năm 2014 của cả nước giảm xuống còn khoảng 8% thì tỉ lệ hộ nghèo ở miền núi nói chung, vùng dân tộc thiểu số nói riêng vẫn rất cao (30%). Tỉ lệ hộ nghèo của nhiều huyện nằm trong chương trình 30A của tỉnh Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong còn trên 40%. Năm 2014, tỉ lệ hộ nghèo của huyện Con Cuông là 32,1%, cả huyện còn 9/13 xã, thị trấn có số hộ nghèo chiếm từ 40 - 50%.
 
Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân dẫn đến nghèo đói là do xuất phát điểm kinh tế thấp, trình độ dân trí thấp hơn nhiều so với miền xuôi, kinh nghiệm làm ăn còn hạn chế, khí hậu, thời tiết quá khắc nghiệt; hệ thống thủy lợi, tưới tiêu không chủ động; sản xuất, chăn nuôi chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, rừng được quản lý nghiêm ngặt, kinh tế rừng không được phát huy.
 
Và cả tâm lý, tư tưởng trông chờ, dựa dẫm, ỷ lại vào Nhà nước, không muốn thoát nghèo của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 đã cận kề, nhưng việc giảm nghèo ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số hiện vẫn đang là vấn đề rất “nóng”, đang chờ những “cơn gió mát” thổi về...
 
Xác định được hướng thoát nghèo bằng giải pháp gì không phải là dễ đối với bà con vùng sâu, vùng xa
Xác định được hướng thoát nghèo bằng giải pháp gì không phải là dễ đối với bà con vùng sâu, vùng xa
 
Xác định rõ trồng cây gì, nuôi con gì?
 
Phải khẳng định rằng, muốn trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại kết quả, đạt được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững cho bà con miền núi thì trước tiên,  phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về tập quán, quy luật phát triển tự nhiên của cây trồng, vật nuôi. Người miền núi quen chịu khó, chịu khổ. Họ có thể làm việc quần quật cả ngày, chặt hạ một cây to để hái quả, chặt, đốt cả khu rừng để làm rẫy. Tuy nhiên, họ lại không chịu khó cày cuốc một mảnh đất bằng để trồng, trỉa. Cũng ít khi thấy họ nhổ cỏ hay tưới nước, chăm bón cho cây trồng. Gần đây, việc trồng rừng làm nguyên liệu giấy như keo, mét… nghe ra phù hợp với tập quán của họ và trở thành phong trào rầm rộ, thu được kết quả mỹ mãn. Nếu như hàng chục năm trước, chúng ta trồng rừng nguyên liệu thay cho các loại cây trồng trên, thì đã có hàng trăm nghìn ha rừng nguyên liệu giấy cho hôm nay; vừa cung cấp nguyên liệu, tăng thu nhập cho bà con lại phủ xanh được đất trống, đồi núi trọc.
 
Nếu như trước đây, chúng ta trồng cây chè thay cho cây cà phê, cây tiêu, xoài, hồng thì nay đã có hàng nghìn ha chè công nghiệp phục vụ cho xuất khẩu. Nếu như trước đây, chúng ta quan tâm phát triển cây ăn quả bản địa như mít, bưởi, quất hoàng bì hay cây cọ… thì bây giờ đã có lượng hàng hóa xuất khẩu nhiều hơn. Cây chè, keo, mét và các loại cây ăn quả đã thích nghi được với khí hậu, môi trường và phong tục, tập quán của bà con nay đã trở thành loại cây quen thuộc với họ. Họ sẽ quan tâm phát triển nhiều hơn, để trở thành nguồn hàng hóa dồi dào, từ đó giúp họ thoát nghèo bền vững.
 
Hiện nay, thương hiệu lợn đen, lợn cỏ, gà cỏ, gà đồi, dê núi, bò đồi, me núi… trở thành thực phẩm sạch, ngon, được nhiều người dân ưa chuộng, giúp nhiều hộ thoát nghèo và trở nên giàu có. Nếu như cách đây vài chục năm, chúng ta nghiên cứu, ưu tiên phát triển các loại vật nuôi này, vì vừa phù hợp với tập quán chăn nuôi của người miền núi lại tạo ra nguồn hàng hóa dồi dào phục vụ thị trường, thì hàng trăm nghìn tỉ đồng trước đây đầu tư không có hiệu quả, bây giờ đem đầu tư xây dựng hạ tầng thì hàng hóa được lưu thông dễ dàng, bộ mặt nông thôn miền núi thêm khởi sắc, giàu đẹp.
 
Chủ trương phát triển kinh tế miền núi, đầu tư xây dựng để bà con các dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững là một chủ trương đúng. Để miền núi tiến kịp với miền xuôi, tất yếu phải đầu tư và đầu tư lớn. Nhưng trong cơ cấu đầu tư phải nghiên cứu kỹ, tuân thủ các quy luật và không được nóng vội. Phải lấy cây trồng, vật nuôi đã quen đất, quen người, quen tập quán sản xuất, chăn nuôi của bà con để đầu tư có hiệu quả, đạt được mục đích. Điều không thể thiếu là chủ đầu tư và chủ dự án phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân về tính hiệu quả, mục đích thoát nghèo cho bà con các dân tộc miền núi. Tránh tình trạng chạy dự án, chạy công trình để hưởng “hoa hồng”, làm giàu cho một số người, còn hiệu quả hay thất bại thì đã có Nhà nước và nhân dân chịu…
 
Thiên nhiên ban tặng cho miền núi nguồn khoáng sản và tài nguyên rừng vô tận, những hang động kỹ vĩ, giàu giá trị văn hoá và nguồn nhân lực, lao động dồi dào. Nhưng để những tiềm năng trên mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thì cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị phải tập trung tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại. Trước hết, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức, xóa bỏ tập tục lạc hậu, gạt bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xây dựng và phát động phong trào thi đua xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng trong từng thôn bản, cộng đồng.
 
Điều không thể thiếu để miền núi tiến kịp miền xuôi và để tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh trong cả nước và vùng miền núi nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, rất mong chờ có thêm những “cơn gió mát” để làm giảm “nhiệt” nghèo. Bởi mục tiêu thoát nghèo, trở thành nước công nghiệp vào năm 2020  không còn xa nữa.
 
.

Văn Mùi