Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201508/de-an-1816-trong-nganh-y-te-co-hoi-vang-cho-y-te-co-so-629971/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201508/de-an-1816-trong-nganh-y-te-co-hoi-vang-cho-y-te-co-so-629971/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cơ hội 'vàng' cho y tế cơ sở - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 12/08/2015, 09:27 [GMT+7]
Đề án 1816 trong ngành y tế

Cơ hội 'vàng' cho y tế cơ sở

(Congannghean.vn)-Đề án 1816 (còn gọi là Quyết định 1816/2008) của Bộ Y tế về “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới” trên địa bàn tỉnh sau một thời gian triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đề án đã góp phần quan trọng nhằm tiến tới sự công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe tại các vùng, miền; tạo nguồn cán bộ tại chỗ có trình độ chuyên môn để từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, nhất là ở những nơi vùng sâu, vùng xa.

Bài 1: Giải quyết “bài toán” nhân lực, tiếp cận tiến bộ khoa học

Thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ y tế từ tuyến huyện về tuyến xã, đầu năm 2015, bác sĩ Lê Việt Thắng làm việc tại khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳ Châu (là 1 trong 95 cán bộ được tăng cường trên toàn tỉnh đợt 1/2015 của Sở Y tế) được điều động luân phiên về công tác tại Trạm Y tế Châu Tiến theo hình thức 2 ngày/tuần/tháng, thời gian 3 tháng.

Sau khi được tăng cường tại xã, nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của bệnh viện huyện, chính quyền địa phương và đồng nghiệp, bác sĩ Thắng đã hoàn thành nhiệm vụ khám và điều trị cho bệnh nhân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc người bệnh ở xã, nhất là người dân các bản vùng sâu, vùng xa. Từ khi có bác sĩ về công tác tại Trạm Y tế xã, đã tránh được tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến huyện, đồng thời người dân cũng yên tâm hơn khi đến điều trị.

Cũng nằm trong Đề án 1816, nhiều lượt cán bộ y tế là bác sĩ, chuyên gia hàng đầu tại Trung ương đã về các bệnh viện tuyến tỉnh để giới thiệu, hướng dẫn thực hiện nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tại các bệnh viện tuyến dưới đã vững vàng hơn trong các thao tác điều trị và có thể tự tin thực hiện những kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh; mang lại niềm tin cho người dân và giảm tải đáng kể lượng bệnh nhân cho tuyến trên.

Nhờ Đề án 1816, nhiều phương tiện, kỹ thuật mới                 đã được chuyển giao cho bệnh viện tuyến tỉnh, huyện
Nhờ Đề án 1816, nhiều phương tiện, kỹ thuật mới đã được chuyển giao cho bệnh viện tuyến tỉnh, huyện

Đơn cử như trường hợp của 2 em Ngô Thị Tuyết (10 tuổi) trú tại huyện Diễn Châu và em Nguyễn Thị Hiền trú tại xã Xuân Thành, huyện Yên Thành bị bệnh tim bẩm sinh từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nhiều lần bố mẹ các em đã phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để có tiền phẫu thuật cho các em. Năm 2013, được sự tư vấn của các bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Nghệ An (nay là Bệnh viện Sản - Nhi), gia đình đã quyết định cho 2 em mổ tim tại đây. Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết: “Trước đây, việc mổ tim bẩm sinh chưa được thực hiện tại Bệnh viện. Tuy nhiên, nhờ có Đề án 1816, các bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi đã có thể thực hiện thành công việc mổ tim bẩm sinh cho các cháu nhờ sự hướng dẫn của các bác sĩ tuyến Trung ương”.

Bác sĩ Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết: Được sự giúp đỡ của Bệnh viện Tim Hà Nội, đến nay, Bệnh viện đã triển khai được 6 đợt phẫu thuật, với tổng số 14 bệnh nhân mắc các dị tật bẩm sinh.

Theo bác sĩ Đậu Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Y tế: “Sau 5 năm triển khai Đề án 1816 của Bộ Y tế và Quyết định 92/2009 của UBND tỉnh, Nghệ An đã đón nhận trên 40 lượt cán bộ của các bệnh viện tuyến Trung ương đến luân phiên, chuyển giao trên 20 kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Thực hiện Đề án 1816 đã góp phần giảm tải lượng bệnh nhân phải chuyển lên tuyến Trung ương.

Nhờ việc chuyển giao nhiều kỹ thuật mới và khó, các bác sĩ tuyến dưới đã được nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế đảm bảo, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu chăm sóc sức khỏe. Để phát huy hiệu quả Đề án này, ngành y tế cũng đã yêu cầu các bệnh viện cử cán bộ xuống tăng cường cần có sự luân phiên giữa các khoa, ngành để hỗ trợ cho các trạm y tế xã. Ngoài việc được hưởng nguyên lương, mỗi cán bộ tăng cường còn được hỗ trợ thêm tiền phụ cấp và tiền đi lại; được đánh giá, xem xét trong công tác thi đua...”.


              (Còn nữa) 

.

Xuân Thống - Hà Nhi

.