Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201511/nguoi-dan-o-khu-tai-dinh-cu-thuy-dien-hua-na-bao-gio-cuoc-song-moi-on-dinh-649177/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201511/nguoi-dan-o-khu-tai-dinh-cu-thuy-dien-hua-na-bao-gio-cuoc-song-moi-on-dinh-649177/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bao giờ cuộc sống mới ổn định? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 27/11/2015, 08:29 [GMT+7]
Người dân ở Khu tái định cư thủy điện Hủa Na

Bao giờ cuộc sống mới ổn định?

(Congannghean.vn)-

Chưa có đủ diện tích đất sản xuất, trợ cấp từ phía nhà đầu tư theo như cam kết ban đầu “èo uột”, đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Đó là tình cảnh chung mà người dân khu vực tái định cư thủy điện Hủa Na tại các xã Tiền Phong, Đồng Văn (huyện Quế Phong) phải đối mặt trong suốt thời gian qua. Tình trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến ANTT đối với cuộc sống của người dân nơi đây.


Vào năm 2008, khi dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Hủa Na có công suất 180MW được khởi công xây dựng, trên 1.000 hộ dân của 14 bản thuộc 2 xã Thông Thụ và Đồng Văn phải di dời đến 13 nơi ở mới. Theo đó, Nhà máy thủy điện Hủa Na sẽ tích nước trong lòng hồ, chiếm trên 4.000 ha diện tích đất rừng, nhà ở, đất sản xuất… của bà con nơi đây. Việc di dời đến nơi ở mới để nhường diện tích đất đai, hoa màu cho Nhà máy thủy điện đã được người dân thực hiện đồng bộ, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Các kế hoạch nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau khi tái định cư như cấp đất sản xuất trồng lúa nước, hoa màu… cũng được triển khai thực hiện trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Nhà nước.

Người dân Khu tái định cư thủy điện Hủa Na đã “an cư” nhưng chưa thể “lạc nghiệp”
Người dân Khu tái định cư thủy điện Hủa Na đã “an cư” nhưng chưa thể “lạc nghiệp”

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, việc hỗ trợ gạo, trợ cấp kinh phí để bà con khai hoang đất trống phục vụ sản xuất nông nghiệp, khoanh nuôi, bảo vệ rừng cũng được tiến hành. Nhiều bản, làng đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng “điện - đường - trường - trạm” để người dân “an cư lạc nghiệp” trên vùng đất mới. Thế nhưng, hiện tại, người dân ở đây vẫn chưa thể ổn định cuộc sống vì thiếu đất sản xuất, nguồn nước phục vụ sinh hoạt và trồng trọt cũng bị “treo”, khiến cuộc sống hết sức khó khăn.

Anh Lương Văn Cước ở bản tái định cư Hủa Na 2 cho biết: “Năm 2013, khi công trình thủy điện Hủa Na khánh thành, đưa vào sử dụng cũng là lúc người dân thuộc diện tái định cư như chúng tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đến nơi ở mới. Diện tích đất sản xuất ít, gạo cấp cho bà con đến muộn, trong khi đó, số tiền từ nguồn hỗ trợ đến nơi ở mới đã cạn kiệt nên chúng tôi không biết xoay xở như thế nào. Thanh niên trong bản cũng phải lặn lội vào Nam, ra Bắc để làm thuê, làm mướn. Nhiều người đàn ông không có việc làm nên thường xuyên tụ tập uống rượu”.

Theo quy định đã được cam kết, Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na phải cấp gạo hỗ trợ cứu đói cho người dân vùng tái định cư mỗi năm 4 quý trong suốt thời gian 4 năm. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này trong thời gian qua vẫn chưa được tiến hành một cách đầy đủ, kịp thời cho bà con. Ngoài ra, người dân chưa có đất sản xuất, trong đó có một số nơi đã bàn giao một phần diện tích để bà con canh tác nhưng do thổ nhưỡng kém, thiếu nước tưới nên làm được vài vụ đã bị bỏ hoang hóa. Tình trạng thiếu tư liệu sản xuất để ổn định cuộc sống cũng là nguyên nhân khiến công tác xóa đói, giảm nghèo gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch đề ra của chính quyền nơi đây. Số hộ nghèo tăng, công tác an sinh xã hội còn nhiều hạn chế là thực trạng đang diễn ra tại Khu tái định cư thủy điện Hủa Na ở các xã Đồng Văn và Tiền Phong.

Theo tìm hiểu, đến thời điểm hiện tại, Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na đã tiến hành giao đất cho tất cả 878 hộ thuộc 13 điểm tái định cư với diện tích trích đo là 159,3 ha. Tuy nhiên, tổng diện tích đất giao ngoài thực địa mới chỉ chiếm gần 40% (394 gia đình) tổng số hộ thuộc các điểm tái định cư và mới chỉ giao tạm thời ngoài thực địa được 1,06 ha đất sản xuất lúa nước tại bản Xốp Cọ - Nậm Niên, xã Tiền Phong. Ngoài ra, tại 13 điểm tái định cư chỉ mới xây dựng, đưa vào sử dụng 11 công trình nước tự chảy. Theo quan sát của chúng tôi, ngoài việc giao đất sản xuất nông nghiệp với diện tích còn ít thì nhiều công trình phúc lợi hoạt động còn “èo uột”, chưa phát huy hết tác dụng trong việc phục vụ đời sống của người dân. Theo đơn vị chủ đầu tư thì thời gian qua, công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sản xuất, đất lâm nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Và, đến thời điểm hiện nay, việc tháo gỡ những vướng mắc này vẫn chưa được thực hiện một cách đồng bộ.

Mới đây, vào ngày 6/10/2015, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp với đại diện Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na bàn về các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho người dân vùng tái định cư. Phía Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na cũng đưa ra những giải pháp trước mắt lẫn lâu dài để hỗ trợ người dân tại 13 điểm tái định cư thuộc dự án. Theo đó, tổng kinh phí đã được phê duyệt để bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 727,87 tỉ đồng, nhưng đến nay mới chỉ giải ngân được 678, 26 tỉ đồng.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan nhanh chóng nghiên cứu phương án hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống. Đồng chí cũng yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na sớm thực hiện các kế hoạch cũng như giải pháp đã đưa ra, không để người dân “chịu đói, chịu khát” khi về nơi ở mới. Mặt khác, việc giao đất sản xuất nông nghiệp, nhất là diện tích trồng lúa nước phải được khẩn trương thực hiện nhằm sớm giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống.

.

Ngọc Thái

.