Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201512/bao-ho-nhan-hieu-tap-the-cho-che-nghe-an-tao-dong-luc-de-nguoi-dan-dau-tu-san-xuat-652746/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201512/bao-ho-nhan-hieu-tap-the-cho-che-nghe-an-tao-dong-luc-de-nguoi-dan-dau-tu-san-xuat-652746/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tạo động lực để người dân đầu tư sản xuất - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 18/12/2015, 08:52 [GMT+7]
Bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho chè Nghệ An

Tạo động lực để người dân đầu tư sản xuất

(Congannghean.vn)-Là 1 trong 3 vùng trọng điểm trồng, sản xuất chè lớn nhất cả nước, Nghệ An đang từng bước phát triển vùng nguyên liệu cũng như đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, việc chè Nghệ An được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể vào đầu tháng 12 vừa qua chính là động lực để đưa ngành chè của tỉnh phát triển hơn nữa trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Trong thời gian qua, cùng với nhiều chính sách phát triển ngành nông nghiệp, việc trồng và sản xuất chè đã được quan tâm, từng bước tháo gỡ các khó khăn, giúp người dân yên tâm sản xuất. Ngày 31/1/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 448/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) trong sản xuất chè tại Nghệ An với diện tích năm 2015 là 1.000 ha, diện tích chè kinh doanh 1.000 ha, năng suất 200 tạ/ha, sản lượng búp tươi 20.000 tấn. Theo kế hoạch, đến năm 2020, tổng diện tích vùng nông nghiệp UDCNC trong sản xuất chè là 3.500 ha, diện tích chè kinh doanh 3.500 ha, năng suất 250 tạ/ha, sản lượng búp tươi 87.500 tấn. Đến năm 2030, chè vẫn được xác định là cây mũi nhọn để phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An. 

Người dân xã Yên Khê (Con Cuông) chăm sóc cây chè
Người dân xã Yên Khê (Con Cuông) chăm sóc cây chè

Ông Trần Văn Thủy, một người dân trồng chè từ hàng chục năm nay tại xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn cho biết: “Năm 1995, gia đình tôi nhận khoán lâu dài hơn 2 ha để trồng chè. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm thu về gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá chè lên xuống thất thường, có năm người dân gặp cảnh lao đao vì chè rớt giá. Giờ đây chè Nghệ An đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể nên người dân cũng phần nào yên tâm đầu tư sản xuất”.

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 9.000 ha chè, trong đó có trên 6.000 ha chè kinh doanh, tập trung ở các huyện trung du, miền núi phía Tây, với năng suất đạt khoảng 115 tạ/ha, tổng sản lượng ước tính đạt khoảng 156.000 tấn chè tươi chưa qua chế biến. Ngành chè của Nghệ An xuất khẩu ước đạt 10 triệu USD/năm. Như vậy, với 1 ha chè, nếu chăm sóc tốt và giá cả ổn định thì mỗi năm sẽ thu về khoảng 100 triệu đồng. Được biết, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 86 cơ sở chế biến chè với tổng công suất thiết kế 527 tấn/ngày, nhu cầu cần lượng nguyên liệu chế biến là 120.000 tấn/năm. Thực tế cho thấy, so với nhu cầu chung về năng lực chế biến thì tổng sản lượng chè thô của toàn tỉnh có thể đáp ứng để phục vụ chế biến.

Qua phân tích, đánh giá của các cơ quan chức năng, với đặc thù về thổ nhưỡng, khí hậu, Nghệ An được xem như “vựa chè” của cả nước. So với chè của các địa phương khác như Lâm Đồng, Thái Nguyên…,  chất lượng sản phẩm chè Nghệ An cũng được đánh giá rất cao. Trong những năm qua, chè Nghệ An đã có mặt tại thị trường các nước như: Ba Lan, Nga, Iran, Anh… Sắp tới, chè Nghệ An sẽ “xâm nhập” vào các thị trường mới, giàu tiềm năng và cho giá trị xuất khẩu cao như: Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ… Đặc biệt, khi Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành chè Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung sẽ có thêm nhiều cơ hội trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ trong việc cạnh tranh với các thương hiệu chè nổi tiếng trên thế giới. Vì vậy, để chè Nghệ An có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, cần tháo gỡ những khó khăn trong quy trình chế biến, bao tiêu sản phẩm và công tác quảng bá thương hiệu. Bên cạnh đó, cần tạo mối quan hệ chặt chẽ trong việc liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân và Nhà nước, tránh tình trạng “thả nổi” sản phẩm chè trên thị trường. Đặc biệt, công tác UDCNC, tạo thương hiệu, uy tín chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

.

Ngọc Thái

.