Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201604/lien-ket-giua-doanh-nghiep-voi-nong-dan-can-soi-day-ket-noi-ben-vung-673569/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201604/lien-ket-giua-doanh-nghiep-voi-nong-dan-can-soi-day-ket-noi-ben-vung-673569/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần sợi dây kết nối bền vững - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 22/04/2016, 09:19 [GMT+7]
Liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân

Cần sợi dây kết nối bền vững

(Congannghean.vn)-Bao tiêu sản phẩm cho nông dân ngay sau vụ thu hoạch và cung ứng giống, cây trồng, phân bón… cho nông nghiệp là chủ trương chung được các cấp, ngành quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp. Thế nhưng, trên thực tế, trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp “đem con bỏ chợ” khiến người nông dân lao đao, lo lắng.

Xu hướng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trực tiếp bắt tay với nông dân trong việc cung ứng, bao tiêu sản phẩm đã góp phần không nhỏ vào tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, từng bước nâng cao giá trị gia tăng của ngành chủ lực này. Đây cũng là chủ trương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra từ nhiều năm trước nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp. Qua phân tích của các chuyên gia kinh tế cho thấy, với việc đầu tư vào nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã gặt hái thành công lớn vì đây là lĩnh vực hội tụ các điều kiện thuận lợi về giá cả, nhân công…, cộng với việc không cần phải bỏ ra nguồn vốn lớn như một số ngành, nghề khác.

Doanh nghiệp thu mua bí xanh                                                                                cho bà con nông dân xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu
Doanh nghiệp thu mua bí xanh cho bà con nông dân xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu

Nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Nghệ An đã triển khai các giải pháp cụ thể, hiệu quả để nông dân bám ruộng đồng, xây dựng các vùng chuyên canh rau màu, giống nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Thế nhưng, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có sự liên kết với nhà nông một cách bền vững, lâu dài. Chính vì vậy, việc nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp được một vài thương vụ đã vội vàng… bỏ chạy, mặc cho nông dân điêu đứng diễn ra khá nhiều trong thời gian qua. Thậm chí, một số doanh nghiệp đầu tư theo kiểu nửa vời rồi “dứt áo ra đi”.

Đầu tháng 3 vừa qua, tại xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, người dân đã phải đổ bỏ hàng chục tấn ớt cay vì doanh nghiệp không chịu bao tiêu sản phẩm. Theo tìm hiểu, từ năm 2014, hơn 100 hộ nông dân của xã Hoa Sơn đã đồng ý chuyển đổi giống cây trồng để một công ty xuất khẩu nông lâm sản đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá thực hiện việc cam kết cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm là quả ớt cay cao sản cho người dân. Vụ mùa đầu, thấy lợi nhuận từ việc trồng ớt cay cao sản cao gấp 3 - 4 lần cây ngô, mỗi sào thu về từ 8 - 9 triệu đồng, người dân ở đây rất phấn khởi. Bên cạnh đó, ớt trồng ra đến đâu, doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm đến đó nên người dân nhận thấy việc chuyển đổi giống cây trồng của mình là đúng hướng.

Theo đó, vụ mùa 2015 - 2016 vừa qua, từ một số hộ nhổ ngô để trồng ớt nhỏ lẻ, đã có hơn 120 hộ dân ở xã Hoa Sơn đồng loạt trồng ớt cao sản trên diện tích khoảng 12 ha ở dọc bãi bồi sông Lam. Do giống ớt cao sản phù hợp với thổ nhưỡng ở đây nên vụ mùa 2015 - 2016, người dân xã Hoa Sơn thu hoạch hàng chục tấn ớt. Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng thì người nông dân lại phải “ngậm đắng nuốt cay” do doanh nghiệp không chịu bao tiêu sản phẩm. Dù các cấp chính quyền đã cố gắng tìm cách liên hệ, đám phán với doanh nghiệp để giải quyết tình trạng trên nhưng cũng đành “lực bất tòng tâm”. Trên thực tế, không chỉ riêng xã Hoa Sơn mà trên địa bàn các xã Tường Sơn, Hội Sơn, Đức Sơn… của huyện Anh Sơn, hàng trăm hộ nông dân cũng có chung cảnh ngộ, với hàng nghìn tấn ớt cay cao sản trong vụ mùa 2015 - 2016 không được bao tiêu sản phẩm. Được biết, trong những năm trước, người dân huyện Nam Đàn cũng phải điêu đứng vì ớt cay.

Ông Lê Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, người nông dân đã được các cấp, ngành tạo điều kiện liên kết với doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm. Đây cũng là chủ trương nhằm từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, sợi dây liên kết giữa “4 nhà”, trong đó có doanh nghiệp và nông dân chưa thật sự bền vững. Để giải quyết tình trạng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cấp, ngành. Đặc biệt, việc tạo hành lang pháp lý nhằm tăng tính ràng buộc giữa doanh nghiệp với nông dân cần được thực hiện chặt chẽ hơn, nhất là trong việc cung ứng, bao tiêu sản phẩm.

Từ thực trạng nói trên, có thể thấy, việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong thời gian qua chưa thật sự bền vững, lâu dài, thậm chí có sự lỏng lẻo. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nữa để tránh việc “bội tín” của cả hai bên.

.

Ngọc Thái

.