Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201805/cac-de-xuat-tang-thue-vap-y-kien-phan-ung-793798/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201805/cac-de-xuat-tang-thue-vap-y-kien-phan-ung-793798/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Các đề xuất tăng thuế vấp ý kiến phản ứng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 11/05/2018, 08:11 [GMT+7]

Các đề xuất tăng thuế vấp ý kiến phản ứng

Những đề xuất sửa đổi các mức thuế của Bộ Tài chính đã và đang vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều, trong khi đại diện cộng đồng DN cho biết cũng "hoa mắt" với các đề xuất tăng thuế của Bộ.
 
Tại cuộc hội thảo chiều 9/5 với chủ đề "Đề xuất tăng các mức thuế của Bộ Tài chính: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều", các chuyên gia cho rằng trong vài năm tới, chưa nên thu thuế tài sản, không nên tăng thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu…
 
Trong hơn một năm qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật thuế theo hướng tăng mức thuế của nhiều sắc thuế.
 
Đó là, tăng thuế bảo vệ môi trường với các sản phẩm xăng dầu lên mức kịch trần với lý do cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, bù đắp nguồn thu giảm do hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh.
 
Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% và giảm bớt số mặt hàng được hưởng thuế VAT ưu đãi 5% với lý do là mức thuế VAT của Việt Nam hiện nay chưa theo kịp thông lệ quốc tế, cần cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.
 
Bộ Tài chính cũng dự kiến áp thuế tiêu thụ đặc biệt với một số hàng hóa như nước ngọt với mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Gần đây nhất là đề xuất đánh thuế tài sản, theo đó, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế đối với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng, với mức thuế suất 0,3-0,4% trên giá trị của căn nhà.
 
Đại diện cho cộng đồng DN, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết bản thân ông cũng "hoa mắt" với các đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính gần đây.
 
Chỉ riêng dự thảo một luật thuế sửa 6 luật, nếu bóc tách ra đã liên quan tới 30 loại thuế khác nhau. Tính tăng thu rất đậm nét trong các đề xuất sửa đổi chính sách thuế. Vẫn theo ông Tuấn, cần đặt vấn đề tăng thuế trong bối cảnh DN đang phải tăng chi phí rất lớn như tăng lương tối thiểu, tăng giá xăng dầu. Nếu tăng thuế nữa sẽ ảnh hưởng ngay đến hiệu quả kinh doanh.
 
Hơn nữa, đã có cảnh báo về tốc độ tăng chi phí đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng doanh thu và như vậy rất đáng báo động với năng lực cạnh tranh của DN nhỏ và vừa.
 
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu cho biết viện đã có nghiên cứu cho thấy đề xuất tăng thuế GTGT đem lại nguồn thu trước mắt cho ngân sách nhưng khi tính toán tất cả các yếu tố tác động do tăng thuế và các tác động khác thì lại đưa đến một kết quả tiêu cực, tức là kết quả âm chứ không phải tăng thu.
 
Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, thuế là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế xã hội; có tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của DN và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm…). Do đó, mỗi khi sửa đổi một sắc thuế cần thận trọng và có bước đi, lộ trình cụ thể, đặc biệt, đối với những loại thuế có tác động rộng tới mọi đối tượng.
 
“Đặc biệt, khi DN gặp khó khăn do thuế tăng lên thì không thể cạnh tranh, thua trên sân nhà, phá sản, không tạo ra công ăn việc làm, không nộp thuế cho ngân sách được nữa”, PGS. Ngô Trí Long khuyến cáo.
 
Cẩn trọng tác động tới doanh nghiệp
 
Phân tích cụ thể về thuế VAT, ông Long cho rằng, đây là thuế tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Tuy nhiên, thuế VAT có tính “lũy thoái”, bởi vì, người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn so với người có thu nhập cao.
 
“Trong một nền kinh tế khó khăn, chúng ta cần khoan thư sức dân để làm kế bền gốc, đó là thượng sách tạo động lực cho sự phát triển bền vững, chúng ta không nên chọn phương án khiến người dân phải thêm căng mình đóng thuế”, PGS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.
 
Trong bối cảnh nợ công tăng cao, bội chi ngân sách, tăng trưởng dưới tiềm năng, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn ở mức trung bình thấp so với thế giới..., các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là một bài toán khó đối với Bộ Tài chính. Để tái cơ cấu ngân sách, tìm giải pháp cân đối ngân sách, cách dễ nhất là tăng thuế.
 
Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng với việc tăng thuế và nên thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW về tái cơ cấu ngân sách và giảm chi, tiết kiệm, không phải chỉ tăng thuế. Bởi tăng thuế sẽ đánh vào các mặt hàng thiết yếu, đánh vào người nghèo. Điều này không phù hợp với tinh thần của Chính phủ là kích thích tiêu dùng, đảm bảo tăng trưởng.
 
“Để tái cơ cấu nguồn thu, nếu chỉ dùng biện pháp tăng thu bằng cách tăng thuế thì rất khó lòng được công chúng chấp nhận. Do vậy, cần phải đưa ra các giải pháp kiểm soát chi, tiết kiệm chi, chống nợ đọng thuế, chống thất thu thuế,... Cùng với nó là những giải pháp về chi tiêu ngân sách, chống tham nhũng, lãng phí thất thoát, đầu tư công có hiệu quả...”, PGS Ngô Trí Long khuyến cáo.
 
TS Phan Hữu Nghị, Trưởng Bộ môn Tài chính công, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, các nước đang phát triển luôn tập trung vào thuế gián thu vì đây là loại thuế dễ thu, dễ quản lý, kiểm soát. Bên cạnh đó, với các nước đang phát triển nên ưu tiên để thu hút đầu tư, không tập trung tăng thuế trực thu. Do đó, tăng thuế gián thu là xu hướng bắt buộc và đúng đắn với Việt Nam.
 
Tuy nhiên, để cơ cấu lại ngân sách, cần rà soát và đánh giá định kỳ công tác quản lý chi; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tinh giảm bộ máy, vì tiền lương công chức viên chức là khoản chi chiếm tỷ trọng rất lớn trong ngân sách nhà nước.
 
GS-TS Nguyễn Văn Nam, Viện Ngân hàng Tài chính, cho rằng thời điểm này không nên tăng thuế vì Chính phủ đang có phong trào khởi nghiệp. Khi đầu tư, DN phải tính điều kiện đầu tư trong đó có thuế, đất..., chính sách thay đổi thì các phương án đầu tư cũng phải thay đổi.
 
11 nội dung sửa đổi gỡ khó cho DN
 
Trình bày về việc sửa đổi 6 sắc thuế quan trọng hiện nay là thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, các đề xuất tại dự thảo luật đã được tổng hợp ý kiến của các cơ quan ban ngành, có đến 11 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN.
 
Có 3 nội dung sửa đổi nhằm bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và trực thu theo Nghị quyết 07-NQ/TW; có 2 nội dung sửa đổi nhằm mở rộng cơ sở thu, có 4 nội dung sửa đổi nhắm cải cách thủ tục hành chính; có 7 nội dung sửa đổi thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế và góp phần định hướng tiêu dùng và một số nội dung sửa đổi khác nhằm đảm bảo tính thống nhất với các quy định của pháp luật.
 
PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thuế về tài sản là sắc thuế phổ biến áp dụng ở 174/193 quốc gia trên thế giới, với một số tên gọi khác nhau, phần lớn đánh vào bất động sản. Cơ sở để đề xuất thuế bất động sản không phải từ việc hướng đến tăng thu mà mục tiêu chính là hướng đến phân phối, sử dụng tài sản hữu hạn này sao cho hợp lý, đảm bảo quyền, lợi của người dân.
.

Nguồn: Thanh Hằng/Chinhphu.vn

.