Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201806/thuc-hien-co-che-tu-chu-ve-tai-chinh-voi-co-quan-hanh-chinh-nha-nuoc-can-day-nhanh-tien-do-798243/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201806/thuc-hien-co-che-tu-chu-ve-tai-chinh-voi-co-quan-hanh-chinh-nha-nuoc-can-day-nhanh-tien-do-798243/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần đẩy nhanh tiến độ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 07/06/2018, 08:28 [GMT+7]
Thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính với cơ quan hành chính Nhà nước

Cần đẩy nhanh tiến độ

(Congannghean.vn)-Việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập từ cơ chế Nhà nước bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm là xu thế tất yếu. Điều này vừa góp phần nâng cao tính chủ động, tạo động lực để nâng cao hiệu quả sản xuất, lao động, vừa giảm áp lực ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện đến nay vẫn còn nhiều bất cập.

Tự chủ về tài chính sẽ giúp cơ quan hành chính Nhà nước nâng cao tính chủ động, tạo động lực nâng cao hiệu quả lao động sản xuất (Ảnh minh họa)
Tự chủ về tài chính sẽ giúp cơ quan hành chính Nhà nước nâng cao tính chủ động, tạo động lực nâng cao hiệu quả lao động sản xuất (Ảnh minh họa)

Cơ chế tự chủ về kinh phí hay còn gọi là khoán kinh phí hoạt động đối với cơ quan hành chính Nhà nước đã được thực hiện thí điểm từ năm 2000, đến năm 2005, được triển khai chính thức theo Nghị định số 130 ngày 17/10/2005 của Chính phủ, quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan Nhà nước. Đến năm 2013 được tiếp tục sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 117 để đáp ứng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế gắn với cải cách hành chính, cải cách tiền lương và cải cách tài chính công.

Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là 1 trong 5 trọng điểm của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị định 16/2015/NĐ-CP có nhiều đổi mới căn bản về thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập so với Nghị định số 43/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên, Nghị định 16 chỉ quy định các nguyên tắc, quy định chung về cơ chế tự chủ, làm cơ sở để xây dựng Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp trong từng lĩnh vực. Đến ngày 14/6/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Tính đến nay, 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh đã được UBND tỉnh Nghệ An giao quyền tự chủ (43/43 đơn vị) và 50% đơn vị hành chính cấp huyện (72/147 đơn vị) được giao khoán chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan Nhà nước theo Nghị định số 130 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, căn cứ các văn bản hướng dẫn của Nhà nước, các đơn vị đã xây dựng và thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, trong đó áp dụng theo định mức các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.

Tất cả các đơn vị quản lý hành chính từ cấp tỉnh, huyện, xã đã nâng cao trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính trong cơ quan, đơn vị; đồng thời, chủ động trong việc sử dụng kinh phí được giao. Theo đó, các đơn vị tự chủ được phân thành 4 loại: Đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi phí hoạt động; tự đảm bảo một phần chi phí thường xuyên; do Nhà nước đảm bảo chi phí hoạt động và đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp.

Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện các biện pháp tiết kiệm như: Chủ động cắt giảm các hội nghị tập huấn không cần thiết, chủ động lồng ghép các hoạt động và nội dung hội nghị, hội thảo, tuyên truyền, tránh trùng lặp, chồng chéo nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí; chủ động thực hiện rà soát, điều chỉnh các quy định chi tiêu nội nộ nhằm thực hiện tiết kiệm chi phí quản lý hành chính (sử dụng điện nước, văn phòng phẩm, trang thiết bị văn phòng…); đồng thời, thực hành tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa trang thiết bị làm việc. Nhờ đó, kinh phí ngân sách được giao có hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.

Có thể khẳng định, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của các đơn vị sự nghiệp khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tổ chức, sắp xếp bộ máy, biên chế và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao, phát huy mọi khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ công với chất lượng cao cho xã hội, tăng 4 nguồn thu nhằm từng bước giải quyết thu nhập cho viên chức và người lao động trong đơn vị.

Theo đó, số lượng các đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ về tài chính được tăng lên đáng kể so với giai đoạn trước, lĩnh vực dịch vụ công thực hiện tự chủ ngày càng mở rộng. Số lượng các đơn vị sự nghiệp do ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí đã thu hẹp hơn. Tính đến năm 2017, trên địa bàn tỉnh là 1.890 đơn vị. Trong đó, số đơn vị tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên là 88 đơn vị, chiếm tỉ lệ 4,65%.

Trong các lĩnh vực thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, y tế là một điểm sáng. Việc đổi mới cơ chế tạo điều kiện để các bệnh viện chủ động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân. Việc xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch, chiến lược phát triển; tổ chức triển khai thực hiện cơ cấu tổ chức bộ máy phù hợp với tình hình thực tế của bệnh viện cũng được tạo thuận lợi tối đa.

Đi đầu trong thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính đạt hiệu quả là Bệnh viện Đa khoa TP Vinh. Đi sau, các bệnh viện khác cũng tiếp tục có sự chuyển mình quyết liệt khi thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Tương tự như thu nhập của cán bộ, công chức tại các cơ quan hành chính khi thực hiện khoán kinh phí và biên chế, thu nhập của viên chức, người lao động tại đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cũng được tăng lên đáng kể.

Việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện góp phần quan trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện góp phần quan trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Tuy nhiên, quá trình triển khai, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại nhiều đơn vị đã bộc lộ những bất cập. Nếu như tại các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, tiến độ thực hiện đều được đánh giá cao thì tại địa bàn cơ sở, nhất là cấp huyện, vẫn thể hiện sự lúng túng. Đến nay, mới chỉ có 50% đơn vị hành chính cấp huyện được giao khoán chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí theo Nghị định 130.

Bên cạnh đó, việc phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên đối với đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí và đơn vị do ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động còn mang tính bình quân, chưa thực sự gắn kết giữa giao nhiệm vụ và giao kinh phí nên vẫn còn tình trạng trông chờ, làm chậm quá trình xã hội hóa với dịch vụ công. Trong khi một số đơn vị sự nghiệp công lập khi mở rộng hoạt động dịch vụ (liên doanh, liên kết trong hoạt động) còn chạy theo số lượng dịch vụ mà không quan tâm đến chất lượng hoạt động, lạm dụng kỹ thuật để tăng thu.

Theo đánh giá chung về thực hiện cơ chế tự chủ trên địa bàn tỉnh thì hiện nay, các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập tự chủ chỉ dừng lại tự chủ kinh phí được ngân sách cấp. Nguyên nhân một phần là do các đơn vị đang quen với việc được Nhà nước bao cấp, khi chuyển sang phương thức tự chủ sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên thực hiện chậm trễ. Nhiều đơn vị có tâm lý ỷ lại, vẫn trông chờ vào ngân sách hỗ trợ.

Trên thực tế, tiết kiệm từ nguồn kinh phí tự chủ ở nhiều cơ quan, đơn vị đạt thấp do định mức chi thường xuyên thấp, kinh phí chủ yếu để thực hiện chi trả lương, phụ cấp và các khoản đóng góp. Kinh phí giao cho đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ bao gồm cả kinh phí thực hiện tự chủ và kinh phí không thực hiện tự chủ đã phần nào khiến cho công tác quản lý tài chính của các đơn vị phức tạp hơn. Phần kinh phí giao thực hiện tự chủ phải thực hiện quản lý theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và các tiêu chuẩn định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành, còn phần kinh phí không thực hiện tự chủ phải thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước, do vậy đã ảnh hưởng ít nhiều đến mức độ tự chủ của đơn vị.

Mục đích của việc thực hiện cơ chế tự chủ về kinh phí đã rất rõ ràng. Yếu tố quyết định đến thành công của chính sách giờ chỉ phụ thuộc ở sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các cấp, ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị, địa phương, với thái độ quyết tâm, kiên trì và bền bỉ. Chỉ khi nào người lãnh đạo ý thức được rằng, việc đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sẽ là đòn bẩy quan trọng để xây dựng nền tài chính ổn định vững chắc, là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; khi đó, cơ chế tự chủ về kinh phí mới phát huy đúng mục đích ban đầu.

.

Mai Hậu

.