Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201807/ngu-dan-chung-tay-xoa-the-vang-802653/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201807/ngu-dan-chung-tay-xoa-the-vang-802653/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Ngư dân chung tay xóa 'thẻ vàng' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 05/07/2018, 08:24 [GMT+7]

Ngư dân chung tay xóa 'thẻ vàng'

(Congannghean.vn)-Tại Nghệ An, qua thời gian được tuyên truyền, phổ biến từ các cơ quan chức năng, phần lớn ngư dân đã tự giác chấp hành tốt các quy định khi khai thác, đánh bắt thủy, hải sản, chung tay cùng các cơ quan chức năng xóa “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu EC để hướng tới phát triển bền vững.

Các lực lượng chức năng tập trung tuyên truyền để người dân nâng cao trách nhiệm trong chấp hành pháp luật về đánh bắt thủy, hải sản
Các lực lượng chức năng tập trung tuyên truyền để người dân nâng cao trách nhiệm trong chấp hành pháp luật về đánh bắt thủy, hải sản

Thấy rõ hệ quả của “thẻ vàng”

Ông Nguyễn Văn Đồng trú tại xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, có 2 tàu trên 90CV thường xuyên ra khơi xa. Vùng biển mà ông và các thuyền viên thường vượt sóng khai thác hải sải chủ yếu ở Vịnh Bắc Bộ. Là người đi biển lâu năm, ông Đồng hiểu rõ những quy định mà bản thân phải chấp hành. Bởi trên thực tế, việc tuân thủ hàng loạt quy định về viết nhật ký, đảm bảo vệ sinh an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy mang lại hiệu quả tích cực, trước hết là cho bản thân ông.

“Trước đây, hầu hết ngư dân đều lơ là trong việc tìm hiểu các quy định của Việt Nam và quốc tế trong hoạt động khai thác thủy sản. Tuy nhiên, qua những lớp học mà Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các cấp chính quyền tổ chức, ngư dân đã hiểu rõ hơn các quy định cũng như những hệ lụy nếu cố tình vi phạm”, ông Đồng cho biết.

So với các ngư dân ở xã Diễn Bích thì ngư dân xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu lại chủ yếu sử dụng tàu công suất thấp. Hầu hết trong các trường hợp bị xử phạt tại địa phương, người dân thường phạm lỗi đánh bắt trái tuyến, gần bờ, trái quy định. Sau khi được tuyên truyền cụ thể về những quy định xử phạt, hệ lụy tác động, người dân đã chấp hành tốt hơn quy định trong đánh bắt, khai thác thủy, hải sản.

Trước đó, ngày 23/10/2017, EC thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam. Nguyên nhân là do ngành khai thác hải sản của Việt Nam vi phạm các nguyên tắc IUU về khai thác hợp pháp, bền vững, có khai báo. Quyết định trên đã khiến ngành khai thác thủy, hải sản gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, nếu bị EC rút “thẻ đỏ”, ngư dân sẽ càng khó khăn vì doanh nghiệp chế biến hải sản sẽ không được xuất khẩu hải sản. “Ngư dân cần tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật về khai thác hải sản cũng như vùng lãnh thổ của Việt Nam để đánh bắt an toàn, nâng cao ý thức trách nhiệm trong hoạt động khai thác trên biển”, anh Trần Văn Ơn, ngư dân xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu cho biết.

Để đảm bảo nghề cá phát triển hiệu quả, bền vững, thực hiện có cam kết quốc tế, khu vực về ngăn chặn, giảm thiểu, loại bỏ khai thác IUU; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và Chỉ thị số 45 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp kháp, không báo cáo và không theo quy định, việc xây dựng “Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của Ủy ban châu Âu” tại Nghệ An là hết sức cần thiết.

Kế hoạch 68 của UBND tỉnh Nghệ An ngày 31/1/2018 đã chỉ rõ trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, các đơn vị chức năng. Mục tiêu quan trọng nhất là từng bước kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nghề cá, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của tàu cá trong tỉnh; đảm bảo hoạt động khai thác thủy sản tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các quy định của quốc tế, góp phần bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.

Vẫn còn đó những trăn trở

Nghệ An có bờ biển dài 82 km, 6 cửa lạch, 4 cảng cá được đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền cập cảng và tránh trú bão. Hiện, toàn tỉnh có 3.902 tàu, công suất bình quân 162,64 CV/tàu, trong đó tàu trên 90 CV là 1.429 chiếc, chủ yếu làm nghề lưới kéo, rê, chụp, vây. Sản lượng khai thác hàng năm đạt 130.000 tấn/năm. Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp quản lý khai thác thủy sản và đạt được những kết quả nhất định, ý thức chấp hành pháp luật trong đánh bắt hải sản của người dân nâng lên rõ rệt; sản lượng khai thác ngày càng cao.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về khai thác thủy sản, đặc biệt khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) vẫn còn diễn ra, chủ yếu là giã cào khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ; khai thác sai mùa vụ, sai nghề; nghề cấm (bát quái, ống thổi gắn lưỡi bừa, lưỡi có gắn lưỡi bừa gây hủy hoại môi trường sống); vẫn còn tình trạng sử dụng kích điện, chất nổ để khai thác thủy sản; không ghi nhật ký khai thác thủy sản, không đánh dấu tàu cá, đã làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản, nguy cơ mất an toàn, ANTT trong khai thác thủy sản trên biển.

Ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Kinh tế, UBND TX Cửa Lò cho biết, nhờ thực hiện quyết liệt các nội dung, kế hoạch nên từ tháng 2 - 6/2018, chưa có trường hợp vi phạm nào bị phát hiện, xử lý. Tại Cửa Lò có hơn 1.680 lao động với 296 tàu, thuyền; sản lượng khai thác trong 6 tháng đầu năm đạt gần 7.000 tấn. Hiểu rõ hệ quả của “thẻ vàng” nên ngư dân đã chung tay thực hiện các kế hoạch, đảm bảo nguồn lợi thủy hải sản trên địa bàn. Tuy nhiên, để duy trì kết quả trên, cần sự kiên trì, trách nhiệm từ phía cơ quan chức năng và chính người dân.

Theo ông Trần Đăng Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nghệ An, trong thời gian qua, Chi cục đã phối hợp với các cảng cá và Bộ đội Biên phòng tăng cường tuyên truyền đối với ngư dân trên toàn địa bàn tỉnh. 4 lớp phổ biến quy định pháp luật được tổ chức ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò đã thu hút số lượng lớn ngư dân tham gia. Những nội dung được tập trung tuyên truyền gồm: Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam, vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, các quy ước về vùng lãnh hải được và không được khai thác hải sản; các chỉ thị về việc cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản…

Cùng với tuyên truyền, công tác thanh, kiểm tra cũng được các lực lượng chức năng tăng cường triển khai. 2 tàu kiểm ngư của Chi cục Thủy sản thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái phép trên biển. Bộ đội Biên phòng, các đơn vị chức năng cũng phối hợp phát hiện, đấu tranh với những trường hợp cố tình vi phạm. Trên thực tế, vì mưu sinh, nhận thức còn hạn chế nên một số ngư dân vẫn còn vi phạm trong quá trình khai thác, đánh bắt thủy, hải sản. “Tuy nhiên, nếu như trước kia, chỉ nhắc nhở là nhiều, thì nay, thái độ xử lý đã kiên quyết hơn nhằm hạn chế tình trạng tái vi phạm. Trong 6 tháng đầu năm, đã có 115 phương tiện bị xử phạt với tổng số tiền 395 triệu đồng”, ông Tuấn cho biết thêm.

Mới đây, vào ngày 25/6, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ủy ban châu Âu (EC) sẽ quay lại để xem xét vấn đề “thẻ vàng” của ngành khai thác thủy sản Việt Nam vào tháng 1/2019. Theo Tổng cục Thủy sản, EC ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị của tổ chức này nhưng việc khắc phục còn nhiều thách thức lớn nên sẽ kéo dài thời gian phạt “thẻ vàng” thêm 6 tháng. Sau thời gian 6 tháng, từ ngày 15 - 24/5/2018, EC cử đoàn công tác sang Việt Nam để giám sát việc thực thi các khuyến nghị trên. EC đánh giá việc khắc phục “thẻ vàng” của Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn một số thách thức lớn. Việc kiểm soát đánh bắt, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều lỗ hổng. Việc kiểm soát đánh bắt cũng lộ rõ nhiều vấn đề cần xử lý.

Theo đó, hiện nay, Việt Nam có gần 110.000 tàu cá, trong đó khoảng 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 90 CV trở lên), nhưng chỉ khoảng 3.000 tàu được lắp thiết bị định vị vệ tinh Movimar. Lượng tàu cần lắp các thiết bị định vị vệ tinh còn rất nhiều. Đây là một rào cản lớn để các địa phương thực hiện triệt để việc kiểm soát công tác bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản. Trên thực tế, 6 tháng cũng không phải là quãng thời gian dài để Việt Nam có thể xoay chuyển tình thế, từ nghề cá nhân dân sang nghề cá khai thác có trách nhiệm và phát triển bền vững.

Điều đó cho thấy, dù đã rất nỗ lực, Nghệ An và các tỉnh, thành vẫn còn nhiều việc phải làm trong việc xóa “thẻ vàng”. Mục tiêu mà chúng ta đang phấn đấu là hướng đến một ngành nghề cá hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm. Bởi vậy, chính ngư dân chứ không ai khác, phải thấy rõ trách nhiệm để cùng chung tay với các cơ quan chức năng nhằm khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản bền vững, phát huy đúng tiềm năng, lợi thế kinh tể biển.

.

Mai Hậu

.